Góp phần thúc đẩy thị trường
Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) đã ban hành Quy tắc Bộ chỉ số HOSE Index phiên bản 4.0 thay thế cho phiên bản 3.1. Quyết định này sẽ có hiệu lực kể từ tháng 3/2025.
Bộ chỉ số mới sẽ giúp nâng cao các tiêu chí sàng lọc về thanh khoản. Các cổ phiếu thành phần của chỉ số VNAllshare sẽ được xem xét lựa chọn theo khối lượng giao dịch khớp lệnh. Nếu khối lượng giao dịch nhỏ hơn 300.000 cổ phiếu và các cổ phiếu có giá trị giao dịch khớp lệnh nhỏ hơn 30 tỷ đồng sẽ bị loại bỏ khỏi danh sách xem xét. Ở phiên bản HOSE-Index 3.1, khối lượng giao dịch tối thiểu là 100.000 cổ phiếu và giá trị giao dịch tối thiểu là 10 tỷ đồng.
Ở phiên bản 4.0, Bộ Chỉ số HOSE-Index 4.0 cũng bổ sung giới hạn tỷ trọng vốn hóa áp dụng 40% của nhóm cổ phiếu cùng ngành trong rổ chỉ số VN30 (phiên bản 3.1 chưa có quy định này).
Ngoài ra, HOSE-Index phiên bản 4.0 cũng điều chỉnh mốc thời gian công bố thông tin thay đổi danh mục cổ phiếu thành phần của các chỉ số vào thứ 4 (tại phiên bản 3.1 là thứ 2) lần thứ 3 của các tháng 1, tháng 7 hàng năm; đồng thời công bố thông tin cập nhật thông tin khối lượng lưu hành, free-float của cổ phiếu thành phần vào thứ 4 (phiên bản 3.1 là thứ 2) lần thứ 3 của tháng 1, 4, 7 và 10 hằng năm.
Theo ông Vũ Tuấn Duy – Chuyên gia Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), việc nâng cao tiêu chí về sàng lọc thanh khoản cả về khối lượng và giá trị giao dịch theo bộ Chỉ số HOSE-Index 4.0 sẽ giúp thúc đẩy quy mô thị trường. Quá trình không ngừng hoàn thiện, nâng cao chất lượng của HOSE được các tổ chức trong nước và quốc tế đánh giá cao, coi đây là động lực quan trọng cho mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán năm nay.
Động thái sửa quy định về VN30, ngoài vấn đề tiêu chí tăng thanh khoản, Bộ chỉ số mới còn bổ sung các quy định liên quan đến lợi nhuận sau thuế nhằm nâng cao chất lượng của các cổ phiếu lọt vào rổ VN30. Bên cạnh đó, giới hạn tỷ trọng vốn hóa 40% đối với nhóm cổ phiếu cùng ngành góp phần ổn định cơ cấu ngành và hạn chế việc một ngành chiếm tỷ trọng quá nhiều trong rổ chỉ số. Hiện tại, nhóm có nguy cơ giảm bớt tỷ trọng khỏi rổ chỉ số nhiều nhất là ngân hàng, qua đó giúp rổ VN30 bớt “thịnh suy” hơn theo nhóm này.
Bản thân VN30 cũng là chỉ số tham chiếu cho 4 quỹ ETF niêm yết tại HOSE và 3 quỹ ETF niêm yết tại thị trường chứng khoán khu vực, cùng với đó là tiêu chí sàng lọc cho chứng quyền có bảo đảm. Như vậy, các quỹ đầu tư theo chỉ số sẽ phải tái cơ cấu danh mục nhiều hơn trong nửa đầu năm 2025, nhưng tác động lên thanh khoản thị trường từ hoạt động của những quỹ này chỉ diễn ra trong ngắn hạn, nhà đầu tư nên nhìn nhận việc cải thiện và nâng cao chất lượng của HOSE 4.0 là động lực lâu dài giúp thị trường phát triển bền vững hơn.
Tuy nhiên, ông Duy cho rằng, một điều quan trọng mà ít đề cập là HOSE sẽ được cấp quyền sử dụng chuẩn phân ngành GICs (vốn là thương hiệu độc quyền của MSCI và S&P). Tại các thị trường như Mỹ, chuẩn phân ngành GICs đã được sử dụng từ rất lâu với 11 lĩnh vực cùng 25 nhóm ngành. Từ chuẩn phân ngành này, giới nghiên cứu và nhà đầu tư có thể nhìn rõ sự vận động của từng nhóm ngành tại các chu kỳ của thị trường, hơn thế nữa rất tiện lợi và dễ dàng để phát triển các chỉ số, các tổ chức đầu tư theo nhóm ngành (ngân hàng, bất động sản...).
Nâng cao chất lượng cổ phiếu được sàng lọc
Theo HOSE, quy tắc Bộ Chỉ số HOSE-Index phiên bản 4.0 được điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế, đồng thời đảm bảo tính ổn định, chất lượng của chỉ số cũng như tăng tính thanh khoản của các cổ phiếu trong rổ chỉ số. Cụ thể, việc nâng mức khối lượng giao dịch và giá trị giao dịch khớp lệnh khi chọn lọc cổ phiếu giúp tăng tính thanh khoản của các cổ phiếu được chọn vào rổ.
Bổ sung tiêu chí tài chính về lợi nhuận sau thuế không âm giúp nâng cao chất lượng của các cổ phiếu được sàng lọc vào rổ chỉ số VN30, khẳng định các doanh nghiệp trong rổ chỉ số này đều là các doanh nghiệp có nền tảng phát triển tốt.
Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, với Bộ Chỉ số HOSE-Index mới, đặc biệt là rổ chỉ số VN30, tiêu chí thanh khoản đã được gia tăng ở cả khối lượng giao dịch và giá trị giao dịch của cổ phiếu. Trên thế giới, tiêu chí thanh khoản thường là tiêu chí quan trọng trong việc thành lập các chỉ số và là tiêu chí quan trọng của các quỹ ETF. Do đó, chuyên gia của Yuanta Việt Nam đánh giá việc tăng tính thanh khoản sẽ giúp kích thích các nhà đầu tư chú ý vào rổ danh mục. Đồng thời, các nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ ưa thích hơn các danh mục hay rổ chỉ số có tính thanh khoản cao.
Việc nâng tiêu chí thanh khoản còn giúp giải quyết một vấn đề mà chỉ số chứng khoán Việt Nam hay gặp phải, đó là có những cổ phiếu vốn hóa rất lớn nhưng thanh khoản giao dịch thấp, khiến chỉ số không phản ánh đúng diễn biến thị trường. Do đó, việc tăng tiêu chí thanh khoản sẽ giảm được tình trạng này xảy ra trong tương lai.
Với VN30, có thể xem đây là danh mục đầu tư của cá nhân khi không có nhiều nhà đầu tư giàu kinh nghiệm trong việc lựa chọn danh mục đầu tư. Bởi lẽ, việc sửa đổi các tiêu chí của chỉ số sẽ giúp tăng chất lượng của rổ danh mục, giảm rủi ro từ yếu tố cơ bản cho các nhà đầu tư.
Khi tăng tiêu chí thanh khoản thì dự báo sẽ có những cổ phiếu bị loại ra khỏi chỉ số, nhưng tạo cơ hội cho các cổ phiếu khác có tính thanh khoản cao thay thế. Ngoài ra, với việc giới hạn tỷ trọng ngành trong VN30, nhóm ngân hàng sẽ bị giảm tỷ trọng trong đợt cơ cấu sắp tới.