Bước đà quan trọng để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng - Ảnh 1.

Mức tăng trưởng của quý I/2022 là rất quan trọng với xu hướng phục hồi tích cực ở nhiều ngành, lĩnh vực. Ảnh minh họa

Theo đánh giá của UBND TP. Hà Nội, tăng trưởng quý I năm nay thấp hơn mức tăng của cùng kỳ năm trước, nhưng trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, lây lan nhanh trong cộng đồng, tình hình thế giới biến động khó lường, mức tăng trưởng trên là rất quan trọng với xu hướng phục hồi tích cực ở nhiều ngành, lĩnh vực.

Các lĩnh vực phục hồi tích cực

Cụ thể, GRDP quý I/2022 ước tăng 5,83% so với cùng kỳ; thu ngân sách trên địa bàn đạt 31,8% dự toán năm và tăng 15,6%. Công nghiệp nỗ lực vượt qua khó khăn, chỉ số sản xuất quý I tăng 5,3%. 

Khu vực dịch vụ phục hồi tích cực, cung ứng hàng hóa ổn định, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,1%...

TIN LIÊN QUAN
  • Quản lý và xây dựng đô thị theo hướng tăng trưởng xanh

    Quản lý và xây dựng đô thị theo hướng tăng trưởng xanh

  • Doanh nghiệp lấy lại đà tăng trưởng nhờ thị trường nội địa

    Doanh nghiệp lấy lại đà tăng trưởng nhờ thị trường nội địa

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản duy trì tăng trưởng khá, quý I năm nay ước tăng 3,39% (quý I/2021 tăng 3,49%), đóng góp 0,07 điểm % vào mức tăng GRDP. 

Khu vực công nghiệp, xây dựng quý I/2022 ước tính tăng 5,61% (quý I/2021 tăng 7,9%), đóng góp 1,05 điểm % vào mức tăng chung. Ngành công nghiệp những tháng đầu năm đang nỗ lực phục hồi tích cực.

Khu vực dịch vụ có nhiều tín hiệu khởi sắc khi Thành phố cùng doanh nghiệp triển khai thích ứng an toàn, linh hoạt, mở cửa trở lại các hoạt động kinh doanh, du lịch, nhà hàng, khách sạn, vận tải… trong trạng thái bình thường mới, tạo đà cho sự phục hồi của ngành thương mại, dịch vụ. 

Tăng trưởng khu vực dịch vụ quý I/2022 ước đạt 6,15%, tương đương mức tăng cùng kỳ năm 2021, đóng góp 4,06 điểm % vào tăng trưởng chung...

Chủ động các giải pháp tạo đà tăng trưởng

Năm 2022, thành phố Hà Nội phấn đấu tăng trưởng GRDP từ 7% đến 7,5%; vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2022 tăng 10%; kim ngạch xuất khẩu tăng 5%. 

Để phục hồi tăng trưởng kinh tế, UBND Thành phố đã giao các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã cần tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả Kế hoạch số 246/KH-UBND của UBND Thành phố về phục hồi và phát triển kinh tế thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong quý IV/2021 và các năm 2022, 2023; bám sát các chỉ đạo của Trung ương và Thành phố về vấn đề này.

Theo quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, trước mắt, Sở Công Thương sẽ chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã thúc đẩy phục hồi, phát triển các hoạt động dịch vụ thương mại, các chuỗi cung ứng, vùng nguyên liệu, kênh phân phối trên địa bàn; tăng sức mua của thị trường trong nước gắn với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Đặc biệt, trong năm phải quyết tâm đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phát triển mới 3 trung tâm thương mại, 10 siêu thị, 100 cửa hàng tiện lợi; thúc đẩy phát triển mạnh thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt trên cơ sở bảo mật, an toàn thông tin; kết hợp hài hòa giữa kinh doanh thương mại truyền thống với kinh doanh trên môi trường mạng internet.

Đồng thời, các đơn vị, địa phương phải tổ chức triển khai hiệu quả Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ và Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025.

"Năm 2022, phấn đấu thành lập mới 10-15 cụm công nghiệp; khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật 41 cụm công nghiệp; tiếp tục kêu gọi đầu tư hạ tầng và sản xuất, kinh doanh trong các khu, cụm công nghiệp", bà Trần Thị Phương Lan cho biết.

Bên cạnh đó, tiếp tục phát triển công nghiệp nông thôn, sản phẩm làng nghề; triển khai thực hiện Chương trình khuyến công quốc gia và Chương trình khuyến công thành phố Hà Nội; hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn phục hồi và thuận lợi trong tiếp cận các cơ hội phát triển kinh tế số, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hoàn chỉnh quy trình sản xuất có hiệu quả.

Trong khi đó, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Đỗ Anh Tuấn cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố, đơn vị đã tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, kích thích tăng trưởng trong bối cảnh "bình thường mới", tạo mọi điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp triển khai các dự án trên địa bàn.

Ngay từ đầu năm, Sở Kế hoạch và Đầu tưđã tập trung tối đa nguồn lực, nâng cao hiệu quả đầu tư công và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công của Thành phố và cấp huyện, đặc biệt là những địa bàn có tỷ lệ giải ngân thấp trong năm 2021.

Tới đây, thành phố Hà Nội sẽ tăng cường xúc tiến đầu tư tại chỗ, tiếp tục hỗ trợ, tư vấn hướng dẫn miễn phí cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu trong lĩnh vực đầu tư trong nước và nước ngoài; hỗ trợ giúp đỡ nhà đầu tư, doanh nghiệp giải quyết các khó khăn trong quá trình thực hiện, triển khai dự án; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thực hiện quyết liệt các giải pháp giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư…

Với mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế trên cơ sở thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, Thành phố đã tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thu hút vốn đầu tư để bổ sung nguồn lực cho nền kinh tế Thủ đô.

Diệu Anh

Theo https://baochinhphu.vn/buoc-da-quan-trong-de-ha-noi-hoan-thanh-muc-tieu-tang-truong-103220401152522482.htm