Theo Báo cáo xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành công Thương giai đoạn 2021-2030 (Đề án) của Bộ Công Thương, sau gần 10 năm triển khai “Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" và "Kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp giai đoạn 2018-2020, xét đến năm 2025", ngành công thương đã từng bước khẳng định vai trò quan trọng là động lực cho tăng trưởng kinh tế, đóng góp khoảng 42% vào GDP (trong đó, công nghiệp chiếm 27,54%; thương mại trong nước chiếm 11,66% và xuất, nhập khẩu chiếm 2,5%).
6/11 ngành là các ngành công nghiệp đứng đầu cả nước
Trong 11 nhóm ngành công nghiệp ưu tiên phát triển giai đoạn 2011-2020, đến nay 6/11 ngành là các ngành công nghiệp đứng đầu cả nước, có đóng góp lớn cả về sản xuất, xuất khẩu, đầu tư và việc làm gồm: Dệt may, da giày, thực phẩm chế biến, thép, hóa chất, nhựa.
Bộ Công Thương đã tham mưu xây dựng và triển khai nhiều chính sách hiệu quả góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa đất nước đạt nhiều thành tựu đáng kể, thể hiện ở tỉ lệ đóng góp lớn nhất đối với ngân sách Nhà nước; hình thành và phát triển được một số tập đoàn công nghiệp tư nhân lớn, tỉ trọng các doanh nghiệp có trình độ công nghệ cao và trung bình ngày càng tăng. Điều đó góp phần tích cực trong giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng năng suất lao động và nâng cao đời sống nhân dân...
Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Công Thương cũng nhìn nhận ngành công nghiệp của Việt Nam mới phát triển về chiều rộng mà chưa phát triển về chiều sâu, tiến trình công nghiệp hóa trong công nghiệp thực hiện chậm.
Cụ thể, năng suất lao động còn thấp so với các nước trong khu vực. Tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo so với GDP cũng như tỉ lệ đóng góp vào công nghiệp chế biến, chế tạo toàn cầu còn hạn chế, kể cả so với các nước trong khối ASEAN.
Tốc độ tăng năng suất lao động thấp nhất trong các ngành kinh tế
Công nghiệp cũng là ngành có tốc độ tăng năng suất lao động thấp nhất trong các ngành kinh tế, chậm đổi mới công nghệ với đội ngũ lao động tay nghề thấp khi 28,54% lao động không có trình độ chuyên môn, kỹ thuật.
Các ngành công nghiệp công nghệ thấp tiếp tục chiếm tỉ trọng cao (khoảng 65-70%) trong toàn ngành công nghiệp ở Việt Nam, trong khi trên thế giới con số này chỉ khoảng 18%.
Do năng lực tự chủ của ngành công nghiệp còn chưa cao, Việt Nam phải nhập khẩu hầu hết nguyên, vật liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp lớn. Đặc biệt, các ngành công nghiệp chủ đạo như dệt may, da giày, điện tử nhập khẩu hơn 90% nguyên liệu và phụ thuộc quá lớn vào một số thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan… và đóng vai trò chủ yếu chỉ là nơi gia công cho xuất khẩu trong chuỗi giá trị toàn cầu với tỉ suất lợi nhuận rất thấp, chỉ khoảng 5-10%, đồng thời phụ thuộc vào các doanh nghiệp FDI là chính.
“Đây là một thách thức lớn đối với Việt Nam vì về dài hạn, các doanh nghiệp FDI rất dễ dàng rời sang quốc gia khác nếu các điều kiện cho sản xuất và tiếp cận thị trường xuất khẩu thuận lợi hơn”, Bộ Công Thương đánh giá.
Ngoài ra, sự phân bố không gian các ngành công nghiệp cũng chưa khai thác tốt lợi thế cạnh tranh của các vùng, chưa hình thành được các cụm ngành công nghiệp chuyên môn hóa. Doanh nghiệp tư nhân chủ yếu quy mô nhỏ và hoạt động kém hiệu quả hơn so với các doanh nghiệp FDI.
Trên cơ sở những kết quả cũng như những hạn chế của 10 năm triển khai tái cơ cấu ngành công thương giai đoạn 2011-2020, trong dự thảo "Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn 2021 - 2030", Bộ Công Thương đặt ra mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là nước có công nghiệp hiện đại, thuộc nhóm quốc gia có năng lực cạnh tranh công nghiệp cao và vào danh sách nhóm 15 quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới.
Đối với công nghiệp, Đề án đặt mục tiêu phấn đấu nâng tỉ trọng công nghiệp trong GDP vào năm 2030 đạt trên 40%; tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP tăng lên khoảng 30%; tỉ trọng công nghiệp chế tạo trong GDP tăng lên khoảng 20%; giá trị gia tăng công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân đầu người đạt trên 2.000 USD; tỉ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt trên 45%.
Cơ cấu lại các ngành công nghiệp
Bộ Công Thương cho biết thời gian tới Bộ sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả việc cơ cấu lại các ngành công nghiệp.
Cụ thể, kết hợp hài hòa giữa phát triển công nghiệp theo cả chiều rộng và chiều sâu, chú trọng phát triển theo chiều sâu, tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và giá trị gia tăng nội địa của sản phẩm công nghiệp.
Tận dụng tối đa lợi thế của nước đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, khai thác triệt để thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, lợi thế thương mại để phát triển nhanh, chuyên sâu một số ngành công nghiệp nền tảng, chiến lược, có lợi thế cạnh tranh.
Ngoài ra, tập trung phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo là trung tâm, phát triển công nghiệp chế tạo thông minh là bước đột phá. Bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa việc triển khai chính sách công nghiệp của Trung ương và địa phương trong đó đặc biệt là phát huy vai trò của các địa phương trong phát triển công nghiệp.
Bộ Công Thương cũng cho rằng cần bảo vệ và mở rộng thị trường trong nước, khai thác tối đa thị trường xuất khẩu từ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết cho các sản phẩm công nghiệp trọng điểm.
Tập trung hỗ trợ hệ thống doanh nghiệp công nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghiệp lớn tiềm năng và hệ thống doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 98% số lượng doanh nghiệp trong nước”- báo cáo của Bộ Công Thương nêu rõ.
Trong dài hạn, Bộ Công Thương đặt ra nhiệm vụ hoàn thiện khung pháp lý, khung chính sách nhằm thống nhất nguồn lực từ Trung ương đến địa phương để tập trung đầu tư, phát triển các dự án công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp nền tảng, các ngành sản xuất xuất khẩu chủ lực như công nghiệp hỗ trợ, vật liệu, hóa chất, chế tạo, chế biến, cơ khí, ôtô, dệt may, da giày, điện-điện tử, chế biến thực phẩm…
Phan Trang