Ngày 2/10, Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp tổ chức Hội nghị Quảng bá và kết nối thị trường sản phẩm làng nghề - Góp phần đẩy mạnh thương hiệu Việt Nam năm 2020. Nhằm chia sẻ những kinh nghiệm, những khó khăn trong thực tiễn triển khai công tác quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm làng nghề. 

 Ông Đào Văn Hồ - Giám Đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp phát biểu tại Hội nghị.

Ở góc độ thương hiệu làng nghề, sản phẩm, TSKH Bạch Quốc Khang - PCT Hội đồng Tư vấn Hiệp hội Làng nghề Việt Nam nhận định, khó khăn của các làng nghề trong xây dựng thương hiệu chính là các khó khăn trong phát triển sản xuất như: thiếu vốn, thiếu nguyên liệu, mặt bằng sản xuất, phải giải quyết các vấn đề khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường… Cách làm “độc lập tác chiến”, mạnh ai nấy làm, quảng bá nhỏ lẻ, không nằm trong một chiến lược phát triển chung nào, đồng thời với việc thiếu thông tin kinh tế đã khiến nhiều hộ dân làng nghề lao vào sản xuất mà không tiêu thụ được hàng hoá, có làng nghề đã rơi vào tình trạng phá sản. Bên cạnh đó, việc thả nổi chất lượng sản phẩm ở một bộ phận hộ dân làng nghề hiện nay đã vô tình kéo lùi sự phát triển của thủ công mỹ nghệ trong phát triển du lịch.

Việc xây dựng thương hiệu làng nghề không chỉ là quảng bá tiêu thụ sản phẩm, còn là giải pháp hàng đầu cho phát triển đa dạng và bền vững kinh tế nông thôn, không chỉ giúp phát triển du lịch, mà còn thúc đẩy đổi mới quan hệ sản xuất, tổ chức liên kết giữa những người sản xuất và liên kết chuỗi sản xuất – tiêu thụ giữa nông dân – doanh nghiệp.

Bà Đinh Thị Bảo Linh - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại cho biết: Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã tổ chức, triển khai nhiều nội dung hoạt động của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trong đó có công tác quảng bá, phát triển bền vững sản phẩm làng nghề truyền thống song song với thực hiện Chương trình sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu các cấp. Việc phát triển các làng nghề truyền thống tại các vùng nông thôn trên cả nước đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần khôi phục lại sản xuất những làng nghề đã bị mai một, phát triển mạnh những làng nghề đang còn tồn tại. Từ các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá hiệu quả đã duy trì và tăng số hộ sản xuất, số lao động tại các làng nghề để đáp ứng sản lượng, sản phẩm phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu. Việc quảng bá, phát triển và xây dựng thương hiệu các làng nghề còn mang lại nhiều lợi ích về mặt xã hội, giúp tạo thêm nhiều chỗ làm việc mới, giảm bớt tình trạng thất nghiệp ở khu vực nông thôn, tạo điều kiện cho các hộ gia đình và người lao động nông thôn tăng thu nhập ổn định và cải thiện đời sống.

Quang cảnh Hội nghị. 

Cả nước hiện có 5.411 làng nghề và làng có nghề. Số hộ và cơ sở ngành nghề ở nông thôn tăng lên với tốc độ bình quân 8,8% - 9,8%/năm. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân của làng nghề khoảng 15%/năm. Riêng ngành thủ công mỹ nghệ đã tạo ra mặt hàng chủ lực của làng nghề, thu hút khoảng 1,5 triệu lao động, mang lại giá trị kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,7 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, vấn đề đầu ra, thương hiệu, quảng bá sản phẩm chưa được bài bản là vấn đề chung của các làng nghề và ngành thủ công mỹ nghệ nói riêng.

Ghi nhận các kiến nghị, các ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp và các chuyên gia, bà Đinh Thị Bảo Linh cho biết, chúng tôi sẽ nỗ lực hơn nữa việc quảng bá, kết nối góp phần đưa những sản phẩm làng nghề Việt Nam tới các điểm bán trên cả nước.

Trong khuôn khổ Hội nghị, các chuyên gia sẽ chia sẻ hỗ trợ các hộ sản xuất, các làng nghề về các quy luật để tiếp cận thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh các làng nghề, duy trì và bảo tồn nghề truyền thống của địa phương. Kết nối, xúc tiến ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các làng nghề truyền thống và doanh nghiệp trên cả nước, tăng cường đưa các sản phẩm làng nghề vào giới thiệu, tiêu thụ tại các điểm du lịch, các chuỗi siêu thị, khu tham quan… và xuất khẩu đi các thị trường trên thế giới.

Đối với công tác xây dựng thương hiệu, các chuyên gia cho rằng, trước hết phải có sản phẩm tốt. Bên cạnh đó, cần được cải tiến về mẫu mã, thiết kế; nâng cao và đảm bảo độ ổn định của chất lượng; có bao bì phù hợp, độc đáo… Cùng với cải tiến mẫu mã phải đảm bảo tính truyền thống và bản sắc vùng miền, địa phương, thậm chí bản sắc của mỗi nghệ nhân trong sản phẩm.

Về phía các địa phương cần tập trung hỗ trợ các làng trọng điểm, làm mẫu để nhân rộng. Theo kinh nghiệm một số nơi, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh phối hợp với Trung tâm Phát triển doanh nghiệp nông thôn trên địa bàn triển khai thực hiện các loại dự án tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể, chọn làng nghề tiêu biểu để hỗ trợ./.

N Dương
Theo http://dangcongsan.vn/kinh-te/day-manh-thuong-hieu-on-dinh-dau-ra-cho-san-pham-lang-nghe-564857.html