Hình ảnh: Doanh nghiệp FDI trong tăng trưởng xanh của Việt Nam số 1

Các diễn giả tham gia Toạ đàm (Ảnh: VGP/Quang Thương)

Ngày 27/4 tại Hà Nội, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Toạ đàm “Doanh nghiệp FDI trong tăng trưởng xanh của Việt Nam”. Tham gia Toạ đàm có các diễn giả: Đào Thế Anh, Viện Phó Viện Khoa học nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam (VBCSD); Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài; Chris Hogg, Phó Chủ tịch, Giám đốc Bền vững và Truyền thông khu vực châu Á, châu Đại dương và châu Phi, Tập đoàn Nestlé.

Tại Toạ đàm, các diễn giả đã tập trung trao đổi về các nội dung: Vai trò của khối doanh nghiệp FDI tới mục tiêu tăng trưởng xanh của Việt Nam; kế hoạch hành động của ngành nông nghiệp để đóng góp vào mục tiêu chung của Chính phủ về tăng trưởng xanh; kinh nghiệm của các nước về tăng trưởng xanh và đánh giá về các chính sách tăng trưởng xanh của Việt Nam; các chính sách của Việt Nam để thu hút đầu tư theo hướng phát triển bền vững, thân thiên môi trường, giảm phát thải; những thời cơ, thách thức đối với doanh nghiệp trước xu thế tiêu dùng xanh; Chính phủ sẽ có những cơ chế như thế nào để khuyến khích doanh nghiệp FDI tiếp tục đầu tư vào các sáng kiến về bền vững tại Việt Nam; Chính phủ Việt Nam cần có những ưu tiên gì để có thể hiện thực hóa các mục tiêu tăng trưởng xanh và cộng đồng doanh nghiệp cần có những chuyển đổi để nắm bắt cơ hội cũng như đóng góp cho tăng trưởng xanh của quốc gia…

Chia sẻ tại Toạ đàm, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Việt Nam đã thể hiện quyết tâm thúc đẩy "xanh hóa" nền kinh tế. Tại COP26, Việt Nam đã đưa ra cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Để đạt được các mục tiêu này, đòi hỏi sự vào cuộc của các thành phần kinh tế, trong đó, đóng góp của các doanh nghiệp FDI là vô cùng quan trọng. Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là yêu cầu tất yếu, không thể thiếu và là xu thế chung mà tất cả mọi quốc gia trên thế giới đều mong muốn đạt tới. Nhận thức rõ điều này, Thủ tướng Chính phủ đã có những cam kết rất mạnh mẽ tại COP26 khẳng định mong muốn của Việt Nam đạt được sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường, và công bằng về xã hội. Chúng ta cố gắng triển khai tốt mục tiêu về tăng trưởng xanh để không những đóng góp cho vấn đề chung của toàn cầu mà còn tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò là một thành viên có trách nhiệm đối với những vấn đề của toàn cầu. Đồng thời chúng ta nỗ lực là một trong những quốc gia tiên phong đi đầu trong khu vực trong việc thực hiện xu thế này, bắt kịp xu thế của thế giới.

Để triển khai kế hoạch đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược xanh giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2050, xây dựng kế hoạch hành động để thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh, đồng thời có những hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương đưa những nội dung liên quan đến tăng trưởng xanh vào trong các quy hoạch, các chiến lược phát triển kinh tế xã - hội. Để đạt được mục tiêu về tăng trưởng xanh, đòi hỏi phải huy động toàn bộ sức mạnh của cả hệ thống chính trị cũng như cộng đồng doanh nghiệp trong đó có doanh nghiệp FDI. Doanh nghiệp FDI không chỉ giúp tạo ra sự thay đổi về nhận thức, giúp tạo ra nguồn lực, kinh nghiệm để quản trị, công nghệ trang thiết bị hiện đại thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh trong sản xuất, đồng thời còn hợp tác đồng hành cùng các doanh nghiệp trong nước chung tay góp sức vì sự nghiệp tăng trưởng xanh chung này. Trong thời gian qua, sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp FDI là rất lớn. Cho đến nay, theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khu vực doanh nghiệp bao gồm doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước đã đầu tư khoảng 9 tỷ USD trong các lĩnh vực liên quan đến tăng trưởng xanh, phát triển xanh như  năng lượng tái tạo, các trang thiết bị phục vụ cho kinh tế xanh. 

Đối với ngành nông nghiệp, ông Đào Thế Anh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, sau khi có Chiến lược tăng trưởng xanh do Chính phủ ban hành, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng Chiến lược phát triển nông nghiệp và phát triển nông thôn bền vững 2021-2030. Vào đầu năm 2022, Bộ đã ban hành kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của ngành nông nghiệp thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh chung của Chính phủ. Trong kế hoạch tăng trưởng xanh của ngành nông nghiệp, Bộ đã nhận thức nông nghiệp là ngành trong thời gian qua có nhiều thành tựu về tăng trưởng xuất khẩu nhưng cũng sử dụng các nguồn tài nguyên về đất và ô nhiễm về tài nguyên đất, nước, đa dạng sinh học ảnh hưởng đến độ che phủ rừng. Vì thế, Bộ quyết tâm trong 10 năm tới, thứ nhất, vẫn đảm bảo tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp khoảng từ 2,5 - 3% hằng năm để đóng góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Thứ hai, đảm bảo tăng trưởng xuất khẩu vẫn đảm bảo khoảng 5 - 6%. Thứ ba, đảm bảo an ninh lương thực, anh ninh dinh dưỡng, xóa đói giảm nghèo cho toàn bộ người dân Việt Nam. Bên cạnh đó, giảm ô nhiễm đất, tăng cường sức khỏe cho đất, tăng cường bảo tồn đa dạng sinh học, sử dụng nước tiết kiệm. Ngành nông nghiệp cũng đã thực hiện cam kết của mình, hiện nay phát thải của nông nghiệp khoảng 30%, tương đối cao, trong khi tiềm năng của ngành giảm tốt. Bộ cũng có cam kết đến năm 2030 giảm 10% phát thải khí nhà kính từ nông nghiệp. Đến 2050, thực hiện đúng cam kết của Chính phủ là "Net Zero" phát thải trong nông nghiệp.

Về hướng phát triển hiện nay trên thế giới là các nước đang đòi hỏi về ESG (Environment, Social, Governance) - các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng, kể cả đối với các mặt hàng nhập khẩu vào nước họ, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chia sẻ, hiện nay, các quốc gia đã xây dựng Chiến lược phát triển xanh thường đều đạt được những thành công. Mỗi quốc gia có điều kiện, hoàn cảnh khác nhau, nên từ kinh nghiệm của các nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ đã nghiên cứu, học hỏi rất nhiều và đã thực hiện các việc đó. Việt Nam, còn khoảng cách rất xa giữa quyết tâm và thực hiện. Hiện nay, Nhà nước đã đặt ra quyết tâm về tăng trưởng xanh, nhưng các bước thực hiện chưa cụ thể để đạt được những mục tiêu ngắn hạn, cũng như mục tiêu dài hạn. Do đó, cần phải xây dựng lộ trình cụ thể và phải đạt được lộ trình đó thì mới có thể giải quyết được.

Bàn về vai trò định hướng các doanh nghiệp trong việc thực hiện các chiến lược phát triển bền vững Việt Nam, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, quan trọng là doanh nghiệp cần nhận thức được vấn đề này, thì doanh nghiệp mới hợp tác với Chính phủ, các bộ, ngành và các cơ quan liên quan khác trong Chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, các hiệp hội doanh nghiệp để triển khai. Và, cần phải có lộ trình để triển khai tăng trưởng xanh. Đã đến lúc cộng đồng doanh nghiệp cần phải nhìn lại, soi mình vào những chiến lược, đặc biệt là chiến lược tăng trưởng xanh này, để định vị lại giá trị của mình, không chỉ là vai trò mà chính là doanh nghiệp tạo ra những giá trị gia tăng như thế nào trong việc triển khai chiến lược tăng trưởng xanh. Nhận thức được vấn đề này, nên ngay từ đầu những năm 2010, VCCI và Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam đã làm việc rất chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc tham khảo các ý kiến của hiệp hội doanh nghiệp ở 3 miền Bắc, Trung, Nam trong quá trình giúp Nhà nước, giúp Chính phủ xây dựng chiến lược tăng trưởng xanh. Đây là giai đoạn đầu. Bên cạnh đó, không chỉ tham vấn doanh nghiệp, VCCI cùng Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam đã cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra rất nhiều nội dung trên cơ sở tham khảo những bài học tốt của các quốc gia đi trước. 

Chia sẻ về mục tiêu và tầm nhìn cũng như cam kết của Tập đoàn Nestlé đối với phát triển bền vững, ông Chris Hogg, Phó Chủ tịch, Giám đốc Bền vững và Truyền thông khu vực châu Á, châu Đại dương và châu Phi, Tập đoàn Nestlé cho biết, Tập đoàn Nestlé là doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống hàng đầu trên thế giới và đi tiên phong trong các hoạt động tạo giá trị chung cũng như phát triển bền vững. Mục tiêu của Nestlé là khai phá những tiềm năng của thực phẩm để tăng cường chất lượng cuộc sống của tất cả mọi người, không chỉ ngày hôm nay mà cả cho thế hệ ngày mai, những thế hệ của tương lai tạo nên sự khác biệt tốt đẹp cho tương lai. Để làm được những điều đó, tập đoàn mong muốn đem lại những thực phẩm và đồ uống cho nhân dân trên toàn cầu, không chỉ cho những người có mức sống khá giả, mà còn bảo đảm nguồn dinh dưỡng phải chăng, vừa túi tiền cho mọi người. Đó là mục tiêu tập đoàn mong muốn để tạo nên sức khỏe cho hành tinh của chúng ta và để bảo đảm rằng quá trình phát triển xanh như vậy sẽ giúp cho tất cả mọi người được thụ hưởng thực phẩm bền vững cho sức khỏe. 

Cũng theo ông Chris Hogg, thế giới đã và đang gặp phải những tình huống khẩn cấp về mặt khí hậu. Việt Nam đã đặt ra là phát thải ròng bằng 0, thì tập đoàn cũng mong muốn trở thành một doanh nghiệp đạt phát thải bằng 0. Năm 2050 có thể là một khoảng thời gian xa nhưng trong thời gian từ nay đến đó, chúng ta cũng cần những lộ trình, cột mốc. Chẳng hạn năm 2025 thì sẽ có phát thải ròng giảm 20%, đến 2030 giảm 50% và bằng 0 vào năm 2050... 

Bàn về cơ chế để khuyến khích, tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp FDI trong đầu tư tăng trưởng xanh, ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, đây là thời điểm hết sức thách thức, nhưng cũng là thời điểm có cơ hội, bởi vì chưa lúc nào chúng ta thấy có sự gắn kết, chung tay, đồng lòng đến như vậy giữa Chính phủ, các bộ, ngành với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nghiệp FDI cũng như doanh nghiệp Việt Nam, trong thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh. Để có thể khuyến khích doanh nghiệp tiếp tục thực hiện những sáng kiến và tăng trưởng xanh, điều này đòi hỏi phải có sự chung tay của toàn bộ chủ thể trong quá trình thực hiện. Thứ nhất, Chính phủ sẽ tiếp tục mục tiêu không ngừng hoàn thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi tối đa, minh bạch tối đa để hỗ trợ các nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh thực sự hiệu quả, trong đó có những hoạt động về đầu tư xanh như phục vụ cho phát triển kinh tế xanh. Thứ hai, nghiên cứu những chính sách để hỗ trợ cho doanh nghiệp một cách thích đáng, đúng, thực chất đối với những vấn đề doanh nghiệp cần, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi cách thức hoạt động sản xuất kinh doanh của mình theo hướng xanh. Việc đưa ra những cơ chế hỗ trợ ưu đãi mới, khai thác những lợi thế cạnh tranh mới thay vì thuế cũng chính là một trong những giải pháp để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp trong việc chuyển đổi cách thức đầu tư kinh doanh theo hướng xanh hóa. Thứ ba, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận những thị trường có tiềm năng, như thị trường năng lượng, công nghệ thông tin… Tất cả điều này sẽ làm cho nền kinh tế phát triển một cách bền vững và bao trùm. Đồng thời, để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư  cũng sẽ cùng Bộ Tài chính nghiên cứu những cơ chế, chính sách để giúp các doanh nghiệp có thể tiếp cận các nguồn tài chính xanh, như tín dụng xanh, trái phiếu xanh…/.

Đặng Hiếu

Nguồn: dangcongsan.vn