Tận dụng đà phục hồi tăng trưởng của quý 4/2021, sau khi đã khống chế thành công dịch COVID-19, kinh tế Việt Nam quý 1/2022 đã có những dấu ấn tăng trưởng tích cực đi kèm với sự ổn định kinh tế vĩ mô.
Tuy nhiên, tại Tọa đàm “Hỗ trợ và phục hồi kinh tế Việt Nam trong điều kiện bình thường mới,” sáng 27/4, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) chỉ ra nhiều nguy cơ với tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022; trong đó đáng chú ý là nguy cơ lạm phát tăng cao và sự gia tăng giá của các loại tài sản cho thấy dòng tiền chưa thực sự đi vào sản xuất.
Các biện pháp kiểm soát lạm phát
Tại tọa đàm, Tiến sỹ Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế-xã hội Quốc gia trình bày báo cáo của nhóm nghiên cứu; theo đó, nhấn mạnh một số nguy cơ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.
Cụ thể, nguy cơ bùng phát trở lại của COVID-19 với các biến chúng mới vẫn hiện hữu, đe dọa tiến trình phục hồi của nền kinh tế.
Bên cạnh đó áp lực gia tăng lạm phát đang tăng mạnh. Một số chỉ số quan trọng như Chỉ số giá sản xuất (PPI), chỉ số giá nguyên liệu cho sản xuất có thể thấy xu hướng tăng giá sản xuất đối với khu vực công nghiệp là khá rõ.
Xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu nông sản, bị ảnh hưởng bởi các yếu tố cạnh tranh quốc tế, cũng như sự không chắc chắn từ thị trường truyền thống.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cho rằng sự gia tăng về giá của các loại tài sản (vàng, bất động sản...) cho thấy dòng tiền trong nền kinh tế vẫn chưa thực sự đi vào sản xuất.
Báo cáo nhấn mạnh lực đẩy cho kinh tế Việt Nam năm 2022 đến từ chính sách mở cửa nền kinh tế. Theo đó, VEPR cho rằng Việt Nam cần đặc biệt chú ý về nguy cơ nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài. Lạm phát thấp hiện nay ở trong nước một phần vì cầu tiêu dùng thấp.
Vấn đề lạm phát chi phí đẩy cần sớm được đánh giá chính thức của Chính phủ và nhất là khả năng lạm phát trong các quý tiếp trong năm 2022, do ảnh hưởng của chỉ số giá sản xuất, chỉ số giá nhập khẩu tới lạm phát để có biện pháp kiểm soát giúp hạn chế tác động tiêu cực tới người tiêu dùng trong nước.
Đặc biệt, cần nghiên cứu kịch bản tiếp tục giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối phó trường hợp giá xăng dầu khi giá thế giới biến động lớn, cũng như hoãn/giãn việc tăng các sắc thuế/phí nhằm bình ổn giá các mặt hàng tiêu dùng khác.
Chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung cho rằng áp lực lạm phát thời gian tới chủ yếu đến từ phía cung, lạm phát chi phí đẩy, do hai yếu tố: thiếu hụt nguồn cung trong khi nhu cầu tăng mạnh cùng với sự phục hồi của nền kinh tế và đứt gãy chuỗi cung ứng khiến chi phí đầu vào tăng cao.
VEPR nhấn mạnh cần kiểm soát tốt nguồn cung, chuỗi cung ứng vật tư, nhiên liệu sản xuất kể cả hàng hóa tiêu dùng giữa các vùng, giữa các địa phương với nhau, không để đứt gãy, đặc biệt, không để đứt gãy chuỗi cung ứng của thế giới với Việt Nam.
Đây là một trong những thách thức rất lớn với Việt Nam khi cước vận tải biển tăng đột biến từ năm 2021, giá container tăng cao, thậm chí không có hãng tàu biển để thuê, khiến doanh nghiệp khốn khổ.
Dự kiến, trong thời gian tới, nhập khẩu đầu vào sẽ khó khăn hơn, do giá nhập khẩu và chi phí thương mại vẫn đang tăng. Do vậy, nhóm nghiên cứu khuyến nghị cần hỗ trợ doanh nghiệp trong khơi thông nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu. Tháo gỡ những vướng mắc về logistics, giảm thiểu tình trạng ách tắc ở biên giới do công tác phòng dịch.
Chính sách giảm thuế VAT (từ 10% xuống 8%) dự kiến sẽ trực tiếp làm giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 49.400 tỷ đồng.
Chính sách giảm thuế VAT là chính sách rất phù hợp lúc này, với ba tác động tích cực chính gồm giúp giảm áp lực lạm phát thông qua giữ ổn định mặt bằng giá, kích thích cầu tiêu dùng, kích thích doanh nghiệp gia tăng sản xuất kinh doanh.
Tại tọa đàm, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường 2.000 đồng/lít xăng được đánh giá là một biện pháp phù hợp giúp giảm áp lực tăng giá đối với xăng dầu trong nước do tác động của việc tăng mạnh giá dầu trên thị trường thế giới, qua đó giảm chi phí sản xuất, chi phí vận tải và giảm áp lực lên lạm phát.
Về chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, cộng đồng doanh nghiệp cũng đánh giá cao chính sách hỗ trợ 2% lãi suất cho vay đối với các khoản vay thương mại của các ngân hàng.
Nhiều doanh nghiệp trong các ngành nghề trọng tâm, ưu tiên kỳ vọng triển khai gói hỗ trợ này sẽ giúp tháo gỡ “rào cản” về vốn, lãi suất cao, chi phí, từ đó kinh doanh sẽ thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, đến giữa tháng 4, chính sách vẫn chưa được triển khai thực tế do cần hoàn thiện khung khổ pháp lý để thực hiện.
Đẩy mạnh chương trình hỗ trợ khôi phục nền kinh tế
Theo báo cáo của VERP, trong thời gian còn lại của năm 2022, nhiều yếu tố sẽ hỗ trợ tích cực cho quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế; đó là: chính sách mở cửa nền kinh tế, đặc biệt là sự mở cửa hoàn toàn từ 15/3/2021 là điều kiện cơ sở cho quá trình phục hồi.
Tỷ lệ tiêm chủng cao cho phép Chính phủ gỡ bỏ các biện pháp kiềm chế đại dịch nghiêm ngặt, gây gián đoạn.
Cùng với đó, sự phục hồi của thị trường lao động là điều kiện quan trọng cho phục hồi sản xuất, đặc biệt là tại các trung tâm kinh tế, công nghiệp lớn nhất cả nước -nơi vốn bị tổn hại nặng nề và thiếu hụt lao động nghiêm trọng sau làn sóng dịch thứ 4 trong năm 2021.
Thị trường lao động phục hồi và các biện pháp kích cầu khác sẽ thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp ở mức 9,5% vào năm 2022 theo dự báo, đóng góp 3,6 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP.
Cộng hưởng với tác động của Chương trình phục hồi kinh tế. Các gói kích cầu nhằm hỗ trợ phục hồi tăng trưởng sẽ như một “cú huých” tới tăng trưởng kinh tế thời gian tới.
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia kinh tế cũng đã nhấn mạnh đến Chương trình hỗ trợ khôi phục nền kinh tế đang được Chính phủ triển khai có tổng quy mô lên tới gần 350.000 tỷ đồng; trong đó, quy mô của giải pháp tài khóa lên tới 291.000 tỷ đồng, chiếm 83% tổng giá trị của chương trình.
Ông Trần Toàn Thắng cho biết đánh giá sơ bộ, nhóm nghiên cứu cho rằng Chính sách tài khóa được thiết kế giữ vai trò chủ đạo trong Chương trình phục hồi kinh tế, kết hợp hài hòa với chính sách tiền tệ, để tạo ra các nguồn lực tốt nhất hỗ trợ nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn, sớm hồi phục và phát triển.
“Gói đầu tư công là gói tài khóa khá quan trọng trong Chương trình, được kỳ vọng rất lớn có thể mang lại hiệu ứng tốt, kích thích tăng trưởng kinh tế một cách trực tiếp và gián tiếp. Tuy nhiên, việc giải ngân vốn từ đầu tư công từ Chương trình vẫn chưa được triển khai do một số vấn đề về thủ tục phê duyệt dự án và bố trí nguồn lực,” ông Thắng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, cần quyết liệt và nhanh hơn các gói kích thích kinh tế đã được thông qua trong nghị quyết 11/NQ-CP, bên cạnh gói đầu tư cơ sở hạ tầng thì các gói cho vay hỗ trợ lãi xuất, hỗ trợ xây nhà ở xã hội cho người lao động, các biện pháp miễn giảm thuế/phí cho nhóm đối tượng cụ thể, cần được đẩy mạnh hơn nữa.
Cùng với đó, Chính phủ cần tiếp tục có những cải cách đột phá về thể chế nhằm thúc đẩy hoàn thiện hơn nữa môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh bình đẳng, tiến tới nền kinh tế thị trường đầy đủ và tự do.
Chuyên gia kinh tế, Phó giáo sư-Tiến sỹ Ngô Chí Long cho rằng Chính phủ cần cải cách thể chế và hoàn thiện chính sách hỗ trợ phục hồi tăng trưởng của thành phần kinh tế tư nhân trong nước, nhất là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và đặc biệt là quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển mô hình kinh doanh mới, sáng tạo, dựa trên ứng dụng nền tảng số và không gian số.../.
Theo TTXVN/ Vietnam+