Đây là ý kiến của PGS.TS Tô Trung Thành, Trưởng phòng Phòng Quản lý khoa học Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tại Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề "Kinh tế Việt Nam năm 2021 và triển vọng năm 2022: Ổn định kinh tế vĩ mô và lành mạnh tài chính trong bối cảnh đại dịch COVID-19" do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp cùng Ban Kinh tế Trung ương, Ủy Ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức ngày 25/4 tại Hà Nội.
Chuyên gia Tô Trung Thành cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được thì những bất ổn kinh tế vĩ mô và bất ổn tài chính thường xuất phát từ những rủi ro tại 4 khu vực chính của nền kinh tế, gồm khu vực kinh tế thực, khu vực kinh tế đối ngoại, khu vực tài chính ngân sách và khu vực tài chính tiền tệ. Bốn khu vực này có tương tác với nhau, trong đó, khu vực tài chính tiền tệ đang chịu rủi ro chéo của tất cả các khu vực kinh tế.
Chưa kể, những rủi ro nói trên của thị trường TPDN có nguy cơ lây chéo cho ngân hàng và công ty chứng khoán vì 74% trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản do ngân hàng và công ty chứng khoán thuộc ngân hàng nắm giữ.
PGS.TS Tô Trung Thành cho rằng, tăng trưởng năm 2022 có khả năng đạt được mục tiêu 6,5% nhưng lạm phát dưới 4% là không đơn giản. Động lực tăng trưởng vẫn đến từ khu vực kinh tế đối ngoại, đầu tư công, tác dụng của gói hỗ trợ phục hồi kinh tế. Đây cũng là thời điểm ngành dịch vụ có cơ hội phục hồi mạnh mẽ với sự mở cửa trở lại của nền kinh tế. Nhưng mục tiêu kiềm chế lạm phát gặp nhiều thách thức vì xu hướng tăng giá hàng hóa cơ bản và giá xăng dầu thế giới đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến chi phí sản xuất trong nước.
Để đạt được những mục tiêu đã đề ra, PGS.TS Tô Trung Thành cho rằng, các chính sách tài khóa phải được coi là chính sách hỗ trợ quan trọng nhất. Trong bối cảnh hiện nay, dư địa chính sách tiền tệ bị thu hẹp.
Chính sách hỗ trợ tín dụng nên hướng đến cả doanh nghiệp ít bị ảnh hưởng do đại dịch nhưng có độ lan tỏa lớn, có tác động tích cực đến các ngành, lĩnh vực khác để thúc đẩy sản xuất của cả thị trường. Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã đặt ra những yêu cầu lớn cho việc hướng dòng vốn tín dụng vào các khu vực sản xuất và nền kinh tế thực, kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng nóng ở các thị trường tài sản.
Đối với thị trường chứng khoán, PGS.TS Tô Trung Thành đồng tình với quan điểm của Chính phủ là hỗ trợ phát triển thị trường vững chắc, bảo đảm là kênh cung ứng vốn trung và dài hạn quan trọng của nền kinh tế, giảm gánh nặng cho hệ thống ngân hàng. Phát triển thị trường TPDN theo hướng minh bạch gắn với xếp hạng tín nhiệm. Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý, giám sát thị trường tài chính để kịp thời phát hiện các rủi ro phát sinh trên thị trường và có chế tài xử lý nghiêm.
Trao đổi về vấn đề nợ xấu, TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động, tình hình khó khăn, thì nợ xấu xu hướng tăng. Đồng thời, một số vụ việc vừa qua cho thấy những thách thức, rủi ro liên quan đến một số DN phát hành TPDN, cũng như ảnh hưởng cả thị trường.
Tuy vậy, TS Võ Trí Thành lưu ý, hệ thống các tổ chức tài chính, ngân hàng của Việt Nam đã khác với những giai đoạn trước đây.
Trải qua thăng trầm, với những bài học lớn, hệ thống tài chính ngân hàng của Việt Nam có sức chống chịu tốt hơn. Trong đó, NHNN điều hành cung tiền, quản trị hệ thống linh hoạt hiệu quả hơn, trong khi đó, các ngân hàng thương mại cũng đã phòng tránh cũng như xử lý nợ xấu hiệu quả hơn. Ngay cả khi các DN gặp khó khăn do COVID-19, các ngân hàng vẫn đủ sức mạnh, phải hoãn, giãn nợ, cũng như hỗ trợ các chương trình phục hồi kinh tế.
"Về đánh giá rủi ro, cũng không nên đánh đồng, ví dụ không phải tín dụng BĐS nào cũng là rủi ro vì có nhiều loại khác nhau, bất động sản vẫn là ngành có hệ số kéo cao giúp tăng trưởng rất tốt", TS Võ Trí Thành nói.
Phân tích thêm về thị trường chứng khoán, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, thị trường vốn của Việt Nam còn non trẻ nhưng tốc độ tăng trưởng rất nhanh. Do đó, một số điều kiện ban đầu với các chủ thể gia nhập thị trường đôi khi quá thông thoáng dẫn đến một số rủi ro như thời gian qua.
Tuy nhiên, TS Cấn Văn Lực khẳng định, về dài hạn thị trường vốn vẫn là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng, "chia lửa", giảm bớt gánh nặng của hệ thống ngân hàng.
TS Cấn Văn Lực ủng hộ quan điểm của Chính phủ, vẫn kiến tạo khuyến khích các DN làm ăn chân chính phát triển, đi đôi với hoàn thiện khung pháp lý, tăng cường hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm, hướng tới một thị trường minh bạch, chuyên nghiệp.
"Khi các cơ chế bảo đảm chặt chẽ, số liệu, thông tin được minh bạch sẽ duy trì được lòng tin của nhà đầu tư về một thị trường phát triển bền vững", TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh.
Huy Thắng