Nền kinh tế thành phố Đà Nẵng đang chuyển biến tích cực, với nhiều biện pháp phòng dịch được nới lỏng, nhằm đạt mục tiêu “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.”

Trên đây là nhận định của ông Trần Văn Vũ, Cục trưởng Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng khi nói về tình hình kinh tế-xã hội thành phố Đà Nẵng trong quý 1/2022.

Theo ông Trần Văn Vũ, thành phố Đà Nẵng đã đặc biệt chú ý đến các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, quan tâm ưu tiên phục hồi các ngành như công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng; vận tải kho bãi; dịch vụ lưu trú và ăn uống; đẩy mạnh thu hút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm, tập trung giải ngân đầu tư công..., đồng thời các chính sách an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm thực hiện.

Nhờ đó, tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) quý 1/2022 ước tăng 0,89% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,6%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 1,96%; khu vực dịch vụ tăng 0,80%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm giảm 0,71%.

Nhờ những nỗ lực trong việc đẩy mạnh tiêm vaccine phòng dịch COVID-19 nên mặc dù số ca nhiễm mới tăng cao, nhưng tỷ lệ bệnh nhân nhập viện và tử vong đã giảm nhiều.

Cùng với cả nước, Đà Nẵng đã nới lỏng nhiều biện pháp phòng dịch, mở cửa nền kinh tế; mọi hoạt động của đại đa số người dân và cộng đồng doanh nghiệp đang dần thích nghi với trạng thái bình thường mới.

Mức tăng trưởng quý 1/2022 tuy vẫn thấp hơn mức tăng 4,72% của cùng kỳ năm 2021, nhưng đây có thể được xem là thành quả bước đầu của một giai đoạn mới, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế các quý tiếp theo và cả năm 2022.

Theo báo cáo của Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng, quy mô nền kinh tế thành phố Đà Nẵng trong quý 1 (tính theo giá hiện hành) ước đạt 26.769 tỷ đồng, tăng hơn 830 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ tăng hơn 481 tỷ đồng; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 303 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Về cơ cấu trong quy mô nền kinh tế quý 1, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 1,75%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 20,12%; khu vực dịch vụ chiếm 67,13% và thuế sản phẩm chiếm 11,0%.

Nhìn chung, cơ cấu nền kinh tế quý 1 có sự dịch chuyển nhẹ so với cùng kỳ năm 2021, tỷ trong VA khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục thu hẹp.

Tàu thuyền neo đậu trong Âu thuyền Thọ Quang. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)

Tàu thuyền neo đậu trong Âu thuyền Thọ Quang. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)

Dấu hiệu phục hồi tích cực của nền kinh tế trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh COVID-19 đã thúc đẩy thành lập doanh nghiệp mới và sớm đưa các doanh nghiệp đã tạm ngưng quay trở lại hoạt động.

Từ ngày 15/1-15/3, thành phố đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 876 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 6.661 tỷ đồng; tăng 12,9% về số doanh nghiệp và tăng 10,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2021.

Bên cạnh đó, có 1.071 doanh nghiệp tạm ngừng đã quay trở lại hoạt động, tăng 62,5% so với cùng kỳ năm 2021. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường đang có xu hướng giảm so với cùng kỳ, thành phố đã hoàn tất thủ tục giải thể cho 145 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc, giảm 7,4% so với cùng kỳ.

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn Đà Nẵng, sơ bộ tính đến ngày 20/3 đạt 5.790 tỷ đồng, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, thu ngân sách Trung ương đạt 1.656 tỷ đồng, thu ngân sách địa phương đạt 4.134 tỷ đồng.

Tổng chi ngân sách Nhà nước trên địa bàn sơ bộ tính đến ngày 20/03 đạt 6.805 tỷ đồng, bằng 79,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Cục trưởng Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng Trần Văn Vũ nhận định, để duy trì những dấu hiệu tích cực trong quý 1 và tiếp tục tăng tốc nhằm sớm phục hồi nền kinh tế thành phố, Đà Nẵng tập trung triển khai đồng loạt các giải pháp hỗ trợ, duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh, góp phần hạn chế suy giảm tăng trưởng kinh tế.

Thành phố ưu tiên triển khai có hiệu quả việc khôi phục hoạt động du lịch và đẩy mạnh việc tổ chức trở lại hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố trong năm 2022: tăng cường xúc tiến, quảng bá, truyền thông du lịch; thực hiện chương trình kích cầu thu hút khách du lịch nội địa ngay trong dịp nghỉ Lễ 30/4 và 1/5, cũng như dịp Hè 2022.

Đặc biệt, thành phố nhanh chóng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho ngành du lịch, nhằm bù đắp nhân lực thiếu hụt do chuyển đổi ngành nghề trong thời gian dài đóng cửa ngành du lịch để phòng, chống dịch bệnh COVID-19./.

Quốc Dũng (TTXVN/ Vietnam+)

Theo http://www.tuyengiao.vn/kinh-te/kinh-te-da-nang-nhieu-chuyen-bien-tich-cuc-trong-quy-dau-nam-2022-138366