Kinh tế Thủ đô có dấu hiệu phục hồi tích cực - Ảnh 1.

Hội nghị giao ban UBND TP. Hà Nội tháng 3/2022. Ảnh: VGP/Gia Huy

* Đồng bộ giải pháp phát triển kinh tế đô thị nhanh, bền vững

Thông tin được nêu tại hội nghị giao ban UBND TP. Hà Nội tháng 3/2022 chiều 11/3 do Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh chủ trì.

Du lịch có dấu hiệu phục hồi

Tại hội nghị, Chủ tịch TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh nhấn mạnh năm 2022 là năm bản lề, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của năm. Hội nghị giao ban tháng 3 được tổ chức là thời điểm có thể tính toán kịch bản điều hành, thu chi ngân sách của quý I để tiếp tục có giải pháp, kịch bản điều hành nhằm thực hiện các mục tiêu quý II/2022 và cả năm 2022.

Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Vũ Duy Tuấn, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Thành phố 2 tháng đầu năm ước đạt trên 69.000 tỷ đồng, đạt 22,6% dự toán, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó thu nội địa đạt hơn 64.000 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ.

Hầu hết các chỉ số sản xuất và tiêu dùng tháng 2 giảm so với tháng 1 do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài. Tuy nhiên so với cùng kỳ, các chỉ số đều tăng mạnh, cho thấy dấu hiệu phục hồi tích cực của nền kinh tế.

Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 02 ước tính giảm 14,2% so với tháng 1 và tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ giảm 11,4%). Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 14,9% so với tháng 01 và tăng 7,2% so với cùng kỳ; sản xuất và phân phối điện tương ứng giảm 8,9% và tăng 3,7%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải giảm 3,1% và tăng 6,1%; ngành khai khoáng giảm 11,5% và giảm 7,6%.

Ngành du lịch tiếp tục chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, tuy nhiên có dấu hiệu phục hồi tích cực. Khách quốc tế đến Hà Nội (do cơ sở lưu trú phục vụ) tháng 2 đạt 15.000 lượt khách, tương đương tháng 1 và tăng 25,2% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 95,1%). Tính chung 2 tháng đầu năm, khách quốc tế đạt 30.000 lượt khách, giảm 10,6% (cùng kỳ giảm 94,2%). Khách trong nước đến Hà Nội (do cơ sở lưu trú phục vụ) tháng 2 đạt 92.000 lượt khách, tăng 2,2% so với tháng 01 và tăng 37,3% so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ giảm 93,8%).

Lũy kế 2 tháng đầu năm, khách trong nước đến Hà Nội đạt 182.00 lượt khách (2 tháng đầu năm 2021 giảm 95%).

Thực hiện Chương trình hành động số 02/CTr-UBND của UBND Thành phố về việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, đến nay có 22 sở, ban, ngành và 11 UBND quận, huyện, thị xã đã ban hành các kế hoạch, chương trình để triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao và cụ thể hóa các chỉ tiêu, nhiệm vụ của đơn vị, địa phương mình. Trong quý I/2022, với 70 nhiệm vụ, đã có 9 nhiệm vụ đã hoàn thành, 41 nhiệm vụ đang triển khai thực hiện.

Tại hội nghị, Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết, công tác chống dịch tại Thành phố đang chủ động và đi đúng hướng. Vì vậy các quận, huyện thị xã cần có định hướng phòng, chống dịch COVID-19 và công tác truyền thông cần đẩy mạnh để người dân phòng, chống dịch thích ứng trong thời điểm chủng Omicron đang lan truyền mạnh. Đặc biệt chủng Omicoron có thể tái nhiễm nên người dân không chủ quan.

Chú trọng đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục, y tế, tôn tạo di tích

Về kế hoạch đầu tư xây dựng, tu bổ trường công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và nâng cấp, tu bổ di tích trên địa bàn giai đoạn 2022-2025, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Thành phố đã lập đoàn công tác liên ngành với các quận, huyện, thị xã để xác định nhu cầu, đề xuất danh mục đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tổng hợp để báo cáo Thành phố.

Về thực trạng, đối với lĩnh vực giáo dục, số trường công lập tại Hà Nội hiện nay là 2.243 trường, trong đó, số trường chuẩn quốc gia là 1.767 trường (79%). Dự kiến năm 2025 Hà Nội có 2.400 trường công lập. Như vậy để đạt chỉ tiêu trường chuẩn quốc gia đến năm 2025 cần công nhận mới tăng thêm 537 trường, nhu cầu đầu tư thêm 1.134 trường, tổng kinh phí trên 59.000 tỷ đồng.

Về y tế, đến nay 100% trạm y tế đạt tiêu chuẩn quốc gia về y tế, tuy nhiên nhiều trạm y tế đầu tư từ lâu, nay đã xuống cấp cần nâng cấp, mở rộng, cải tạo, sửa chữa. Nhu cầu của giai đoạn 2022-2025 là 20.093 tỷ đồng.

Về di tích, Thành phố hiện có 21 cụm di tích quốc gia đặc biệt, 1.164 di tích cấp quốc gia, 1.152 di tích cấp Thành phố và trên 3.321 di tích chưa được xếp hạng. Nhiều di tích đã xuống cấp nặng cần đầu tư tôn tạo, tu bổ. Nhu cầu đầu tư của giai đoạn 2022-2025 là 30.369 tỷ đồng.

"Như vậy, trên cơ sở đề xuất của các quận, huyện, thị xã, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tổng hợp, bổ sung danh mục, số liệu nhu cầu đầu tư của 3 lĩnh vực trên của giai đoạn 2022-2025 là 3.303 dự án trên 109.000 tỷ đồng", ông Vũ Duy Tuấn cho biết.

Gia Huy

Theo https://baochinhphu.vn/kinh-te-thu-do-co-dau-hieu-phuc-hoi-tich-cuc-103220311172712891.htm