Kinh tế TPHCM: Phục hồi tăng trưởng hướng đến mục tiêu phát triển bền vững - Ảnh 1.

Quý I/2022 kinh tế trên địa bàn TPHCM đã phục hồi mạnh mẽ trong hầu hết các lĩnh vực, với mức tăng trưởng GRDP 1,88% và đang phát triển theo xu hướng tích cực

Sự hồi phục tích cực

Năm 2021, TPHCM là một trong số ít địa phương chịu tác hại nặng nề nhất của đại dịch COVID-19. Từ cuối quý II/2021 mọi hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội hầu như ngưng trệ; các doanh nghiệp phải dừng hoạt động hoặc phải chống chọi, vượt qua vô vàn khó khăn để tồn tại chờ cơ hội để hồi sinh.

GRDP quý III/2021 suy giảm gần 25% và trong quý IV/2021 tiếp tục suy giảm hơn 12%. Có thể nói đối với một đô thị có hơn 10 triệu người, đóng góp 1/5 Tổng sản phẩm nội địa (GDP), gần 30% nguồn thu ngân sách của cả nước, là đầu tàu tăng trưởng của cả khu vực phía nam..., rõ ràng đó là thách thức không chỉ đối với địa phương, mà còn đối với nền kinh tế của cả nước.

Trong bối cảnh đó, chủ trương của Đảng bộ và Chính quyền Thành phố là phải quyết tâm thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội đề ra cho cả 5 năm 2021 - 2025, phương châm  phục hồi theo hình chữ V, với 2 giai đoạn. Trong đó, trước mắt năm 2022 tập trung phục hồi sản xuất, kinh doanh; khôi phục những gãy đổ chuỗi sản xuất, cung ứng, giúp những doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tái gia nhập thị trường; với mục tiêu tăng GRDP khoảng 6 - 6,5%. Và từ năm 2023 thúc đẩy quá trình phục hồi tăng trưởng bù đắp những tổn thất của 2 năm 2020 - 2021 đồng thời phải gắn với Chương trình "số hóa" và tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát triển bền vững, thông qua một Chương trình tổng thể phục hồi và phát triển bền vững 2022-2025.

Những nỗ lực chủ quan của TPHCM được tiếp sức bởi Chương trình phục hồi kinh tế thông qua Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ nên quý I/2022 kinh tế trên địa bàn Thành phố đã phục hồi mạnh mẽ trong hầu hết các lĩnh vực, với mức tăng trưởng GRDP 1,88% và đang phát triển theo xu hướng tích cực.

Tuy nhiên, qua 4 tháng đầu năm 2022 vẫn còn nhiều ngành và lĩnh vực kinh tế vẫn đối diện với khó khăn, nhất là lĩnh vực du lịch; còn nhiều doanh nghiệp không thể tự phục hồi, đang trông chờ các gói hỗ trợ tài chính và tín dụng từ Chính phủ. Chương trình hỗ trợ phục hồi của Chính phủ thông qua Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ đi vào thực tiễn còn khá chậm, nhất là cơ chế hỗ trợ bù lãi xuất… Việc tháo gỡ những điểm nghẽn về thủ tục để hấp thụ nguồn vốn đầu tư tư nhân trong lĩnh vực bất động sản còn tồn tại khá lớn.

Chương trình phục hồi và phát triển bền vững giai đoạn 2022 - 2025

Bên cạnh sự suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế trong 2 năm 2020 - 2021, qua đại dịch COVID-19, Thành phố cũng bộc lộ rõ hơn những bất cập về cơ cấu kinh tế; cơ cấu lao động, bố trí dân cư, môi trường sống đô thị… nhất là những vấn đề tồn tại nhiều năm về quản lý và phát triển đô thị; sự quá tải về hạ tầng kỹ thuật và xã hội đô thị… nên đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ và mạnh mẽ.

Do đó, nội hàm của "Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2022-2025" đề ra mục tiêu và nhiệm vụ: TPHCM không phải phục hồi kinh tế theo nguyên trạng, mà thúc đẩy quá trình phục hồi tăng trưởng gắn tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng cạnh tranh, tăng tỉ trọng các sản phẩm hàng hóa - dịch vụ có hàm lượng giá trị gia tăng cao, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững; biến thách thức thành cơ hội để phát triển nhanh nền kinh tế số; hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội đô thị; liên kết kinh tế vùng và phát triển vùng đô thị; tạo sự đột phá trong việc xây dựng nền hành chính kiến tạo phát triển; phát huy vai trò là động lực tăng trưởng kinh tế của khu vực phía nam và cả nước.

TIN LIÊN QUAN
  • TPHCM sẽ thực hiện thành công và đi đầu cả nước về phát triển kinh tế số

    TPHCM sẽ thực hiện thành công và đi đầu cả nước về phát triển kinh tế số

  • Đảm bảo tiến độ xử lý các vụ án lớn xảy ra tại TPHCM

    Đảm bảo tiến độ xử lý các vụ án lớn xảy ra tại TPHCM

Trên cơ sở phân kỳ các giai đoạn phục hồi đã xác định khả năng tự phục hồi của các ngành công nghiệp và dịch vụ bị thiệt hại bởi đại dịch COVID-19 để có những giải pháp cho từng đối tượng phù hợp. Không hỗ trợ tràn lan làm méo mó thị trường, nên giải pháp hỗ trợ trong giai đoạn phục hồi được lựa chọn theo 3 tiêu chí: Đóng góp nhiều vào cơ cấu GRDP của Thành phố, có tác động lan tỏa cao và ít có khả năng tự hồi phục.

Đó là: (1) Các nhóm công nghiệp chủ lực, trong đó tập trung hơn đối với các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu; (2) Ngành xây dựng, bao gồm hạ tầng giao thông, triển khai các chương trình nhà ở… (3) Kinh doanh bất động sản; (4) Ngành du lịch (lưu trú, lữ hành, vận chuyển và các dịch vụ có liên quan); (5) Thương mại (nội địa và xuất - nhập khẩu); (6) Lĩnh vực tài chính-ngân hàng-bảo hiểm…

Gắn với mục tiêu ngắn hạn, triển khai đồng bộ các chương trình, đề án trung-dài hạn như: Đề án phát triển Trung tâm Tài chính TPHCM giai đoạn 2020 - 2030; Xây dựng chính sách hỗ trợ kinh tế chia sẻ, kinh tế số và kinh tế tuần hoàn giai đoạn 2020 - 2025; Xây dựng và triển khai thực hiện Đề án hợp tác các ngân hàng, tổ chức tài chính và Nhà nước để hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp công nghệ số; Đề án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TPHCM giai đoạn 2020 - 2025; Đề án Phát triển thương mại điện tử trên địa bàn TPHCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chương trình chuyển đổi số của TPHCM; Chương trình nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) giai đoạn 2020-2030; Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm Công nghệ thông tin - Truyền thông giai đoạn 2020 - 2030; Xây dựng cơ chế hỗ trợ thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ đổi mới sáng tạo; Chuyển trọng tâm các giải pháp hướng tới các đối tượng doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực công nghệ số.

Để vực dậy nền kinh tế trong năm 2022, Thành phố thực hiện 3 công cụ chính: Tháo gỡ những điểm nghẽn để hấp thụ nhanh và hiệu quả các nguồn vốn; tăng mức đầu tư công như "vốn mồi" để thu hút đầu tư tư nhân; kích thích tổng cầu và hỗ trợ tài chính, tín dụng cho những doanh nghiệp khó khăn về dòng tiền… Theo kinh nghiệm các năm qua: Nếu Thành phố đầu tư 1 đồng vốn ngân sách thì thu hút khoảng 8-10 đồng vốn đầu tư xã hội. Chính đầu tư của Nhà nước trở thành vốn mồi thu hút đầu tư tư nhân, nên nếu không có sự đột phá để gỡ những điểm nghẽn trong thủ tục đầu tư công, thì không thể hấp thụ được vốn, kể cả nguồn vốn tư nhân.

Tóm lại, mục tiêu phục hồi kinh tế năm 2022, với tốc độ tăng GRDP khoảng 6-6,5% để đạt giá trị tuyệt đối trước đại dịch và tăng tốc phát triển trong 3 năm 2023-2025 để đạt mức tăng trưởng bình quân khoảng 8%/ năm trong cả kế hoạch 5 năm 2021-2025 đang là thách thức lớn đối với TPHCM. Tuy nhiên, chất lượng tăng trưởng và gắn chương trình phục hồi kinh tế với các chương trình phát triển đô thị, cải thiện môi trường sống đô thị, chương trình nhà ở; cải thiện hạ tầng giao thông, nối kết phát triển vùng… để tạo nền tảng phát triển bền vững trong dài hạn mới là mục tiêu quan trọng nhất.

TS Trần Du Lịch


Theo https://baochinhphu.vn/kinh-te-tphcm-phuc-hoi-tang-truong-huong-den-muc-tieu-phat-trien-ben-vung-102220503213845983.htm