Nền kinh tế Trung Quốc sắp trải qua một năm đầy biến động nữa. Trong suốt năm 2024, Trung Quốc đã phải vật lộn với tình trạng suy thoái bất động sản kéo dài, cuộc khủng hoảng nợ của chính quyền địa phương và thị trường lao động trì trệ làm suy yếu niềm tin vốn đã mong manh của người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Trung Quốc cũng đang loay hoay trong giai đoạn áp lực giảm phát kéo dài nhất kể từ năm 1999. Sự mất cân bằng đã trở nên sâu sắc hơn, với tăng trưởng xuất khẩu và đầu tư sản xuất liên tục vượt xa mức tiêu dùng của hộ gia đình. Nguồn cung hàng hóa dư thừa trong nước đã buộc các nhà xuất khẩu phải giảm giá, làm giảm biên lợi nhuận trong khi làm gia tăng các tranh chấp thương mại.

Giờ đây, sự trở lại Nhà Trắng của ông Donald Trump và những dấu hiệu căng thẳng gia tăng giữa 2 nước sẽ thử thách quyết tâm của Trung Quốc.

Trong khi Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố rằng Trung Quốc đạt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% trong năm 2024, thì triển vọng kinh tế nước này lại không mấy tươi sáng.

Các nhà phân tích được Nikkei Asia khảo sát dự đoán tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc có thể đạt 4,4% trong năm 2025, trong khi Ngân hàng Thế giới gần đây dự báo kinh tế quốc gia này sẽ tăng trưởng 4,5%, tăng thêm 0,4% sau loạt biện pháp nới lỏng chính sách gần đây của Bắc Kinh. Những con số này sẽ gây thất vọng cho các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc nếu họ giữ nguyên mục tiêu như năm 2024.

Một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu hiện nay là thuế quan của ông Trump sẽ gây tổn hại đến Trung Quốc như thế nào? Câu trả lời phụ thuộc vào thời điểm và phạm vi kế hoạch áp thuế mới đối với hơn 500 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc của tân Tổng thống Hoa Kỳ.

Các chuyên gia đã đưa ra nhiều dự đoán khác nhau. Cụ thể, theo các nhà phân tích của J.P. Morgan, trong trường hợp cực đoan, Mỹ có thể tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc lên 60% ngay từ nửa đầu năm 2025, làm chậm tốc độ tăng trưởng GDP cả năm của Trung Quốc xuống còn 3,9%, với giả định rằng Bắc Kinh không có phản ứng chính sách đủ mạnh.

Goldman Sachs dự kiến ​​mức tăng thuế 20% đối với hàng hóa Trung Quốc sẽ làm giảm 0,7% trong tăng trưởng GDP của Trung Quốc, đưa mức tăng trưởng xuống còn 4,5% trong năm nay.

Những ý kiến khác lạc quan hơn khi cho rằng Trung Quốc có thể giảm bớt cú sốc một phần bằng cách phá giá đồng tiền của mình, trong khi nhiều nhà sản xuất Trung Quốc có thể né tránh thuế bằng cách chuyển hướng xuất khẩu qua các nước thứ ba.

Các quốc gia khác có thể sẽ ít có khả năng tuân thủ lệnh kiểm soát xuất khẩu của Mỹ đối với Trung Quốc nếu họ cũng bị Mỹ áp thuế quan toàn diện, như ông Trump đã đe dọa.

Chỉ số niềm tin tiêu dùng yếu của Trung Quốc. Đồ họa: Asia Nikkei Review
Chỉ số niềm tin tiêu dùng yếu của Trung Quốc. Đồ họa: Asia Nikkei Review

Trong khi đó, vấn đề dư thừa công suất của Trung Quốc cũng là một yếu tố được các nhà quan sát đặt dấu hỏi. Năm ngoái, một loạt hàng xuất khẩu giá rẻ đã thúc đẩy các đối tác thương mại từ Ấn Độ đến Liên minh châu Âu đề xuất hoặc áp thuế đối với một số hàng hóa của Trung Quốc để bảo vệ doanh nghiệp và người lao động của họ.

Động thái này có khả năng sẽ tiếp tục duy trì trong năm 2025, một phần là do Bắc Kinh dường như quyết tâm để ngành công nghiệp bù đắp cho đầu tư bất động sản. Các nhà lãnh đạo đang nỗ lực để Trung Quốc trở thành một cường quốc sản xuất cao cấp vào năm 2035.

Các số liệu tài chính cũng đang nhấn mạnh sự thay đổi này. Tính đến tháng 9 năm ngoái, tổng số dư nợ vay ngân hàng trong lĩnh vực bất động sản là 52,9 nghìn tỷ nhân dân tệ (7,3 nghìn tỷ USD), tăng 3% so với ba năm trước, trong khi các khoản vay cho lĩnh vực công nghiệp đã tăng vọt 86% lên 24,23 nghìn tỷ nhân dân tệ.

Hàng hóa dư thừa đang làm xói mòn lợi nhuận của các nhà sản xuất của Trung Quốc và có thể khiến họ mất việc làm. Theo Gary Ng, chuyên gia kinh tế cấp cao tại ngân hàng Natixis của Pháp, tỷ lệ các công ty "xác sống" hoặc những doanh nghiệp không thể trả lãi bằng thu nhập trong hai năm liên tiếp đã tăng mạnh lên 14% trong nửa đầu năm 2024, từ mức 8% vào năm 2023.

Trước thực trạng trên, các nỗ lực kích thích kinh tế của Trung Quốc kể từ tháng 9/2024 chủ yếu tập trung vào việc nới lỏng chính sách tiền tệ thông qua việc cắt giảm dần lãi suất. Chính phủ cam kết duy trì chính sách tiền tệ "ở mức vừa phải" trong năm nay, ngụ ý sẽ cắt giảm lãi suất nhiều hơn.

Để đối phó với mức thuế quan, các nhà phân tích tại Societe Generale ước tính Bắc Kinh có thể để đồng nội tệ giảm giá xuống khoảng 7,5 CNY/USD trong vòng ba đến sáu tháng tới. Tuy nhiên, Trung Quốc có ít động lực để cho phép đồng tiền của mình suy yếu quá nhanh, vì điều đó có thể thúc đẩy dòng vốn đầu tư tháo chạy khỏi đất nước này.

Về mặt tài khóa, các nhà đầu tư nhìn chung kỳ vọng các nhà hoạch định chính sách sẽ phát hành tới 3 nghìn tỷ nhân dân tệ trái phiếu kho bạc đặc biệt trong năm nay, đồng thời phá vỡ thông lệ bằng cách tăng tỷ lệ thâm hụt tài chính từ 3% lên 4% GDP.

Phần lớn nguồn vốn mới dự kiến sẽ được sử dụng để tái cấp vốn cho các ngân hàng, phần còn lại sẽ được dành để thúc đẩy tiêu dùng và các chương trình phúc lợi xã hội, cũng như đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao.

"Cuộc chiến thương mại 2.0 sắp tới có thể đóng vai trò quan trọng trong việc xác định mức độ kích thích trong nước mà Bắc Kinh cần thực hiện để bù đắp cho các cú sốc bên ngoài", Larry Hu, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Macquarie Group dự đoán.

Theo Cẩm Anh/Diendandoanhnghiep.vn
Theo https://tapchitaichinh.vn/kinh-te-trung-quoc-lo-dien-cac-yeu-to-tac-dong.html