Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ngày 15/3 cho rằng, cuộc xung đột ở Ukraine sẽ tác động tới kinh tế toàn cầu bằng cách làm chậm tăng trưởng và khiến lạm phát tăng cao, cũng như có thể tái định hình về cơ bản trật tự kinh tế toàn cầu trong dài hạn. Cuộc xung đột ở Ukraine là “một đòn giáng mạnh” đối với nền kinh tế toàn cầu, gây tổn hại đến tăng trưởng và làm giá cả gia tăng. Theo IMF, ngoài việc tạo ra những dòng người di cư lịch sử, cuộc xung đột đang đẩy giá thực phẩm và năng lượng tăng cao, thúc đẩy lạm phát và làm xói mòn giá trị thu nhập, đồng thời làm gián đoạn thương mại, chuỗi cung ứng và kiều hối ở các nước láng giềng của Ukraine.
Cú sốc đầu tiên mà cuộc xung đột ở Ukraine gây ra chính là giá lương thực và năng lượng tăng cao. Trước khi xung đột leo thang, các mặt hàng này đã bị ảnh hưởng bởi nút thắt trong chuỗi cung ứng và giá cả dự kiến sẽ tiếp tục tăng nhanh trong những tháng tới của năm 2022. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ liên quan đến sự mất cân bằng giữa cung và cầu, mà còn xuất phát từ các hoạt động đầu cơ trên thị trường hàng hóa. Chỉ số giá lương thực do Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) tổng hợp đã tăng 40% trong 2 năm qua và tăng 3,9% trong tháng Hai. Theo IMF, tình trạng mất an ninh lương thực có khả năng gia tăng hơn nữa tại các khu vực của châu Phi và Trung Đông, nơi các quốc gia như Ai Cập nhập khẩu 80% lúa mì từ Nga và Ukraine.
Phòng vệ cho cú sốc giá tăng lương thực, các tổ chức tiền tệ ở các quốc gia mới nổi (70% lực lượng lao động làm việc trong khu vực phi chính thức, việc tăng lương không theo chỉ số lạm phát), nơi lương thực là mặt hàng chính của chi tiêu hộ gia đình, đã và đang chuẩn bị các biện pháp tài khóa. Ngày 24/3, Ngân hàng Trung ương Nam Phi đã quyết định tăng lãi suất với lý do “Cuộc xung đột có nguy cơ cản trở việc sản xuất nhiều loại sản phẩm năng lượng và thực phẩm và tiếp tục làm gián đoạn thương mại thế giới”. Trước đó, ngày 21/3, Ngân hàng Trung ương Ai Cập cũng đã quyết định tăng lãi suất với những lý do tương tự. Trong khi tính đến ngày 16/3, Brazil đã tăng lãi suất lần thứ 9 liên tiếp kể từ đầu năm 2021. Việc thắt chặt chính sách tiền tệ, được cho là sẽ làm dịu đà tăng giá hàng hóa, nhưng sẽ làm chậm quá trình phục hồi ở tất cả các quốc gia mới nổi.
Thomas Grjebine, chuyên gia kinh tế tại Trung tâm Nghiên cứu triển vọng và thông tin quốc tế (Pháp), đặt câu hỏi về những rủi ro trong vấn đề thanh khoản: “Điều gì sẽ xảy ra nếu việc tăng giá nguyên liệu làm gia tăng thâm hụt tài khoản vãng lai đến mức một số quốc gia không còn đủ ngoại tệ để mua lúa mỳ?". Câu trả lời khi áp vào tình hình của Ai Cập, mức tăng 10% giá một tấn ngũ cốc làm thâm hụt tài khoản vãng lai/GDP tăng thêm 0,2 điểm phần trăm, đặt ra vấn đề cần thêm USD để thanh toán cho lúa mỳ nhập khẩu, nhưng trong khi này các nhà đầu tư nước ngoài vào Ai Cập đang trong tình trạng thoái vốn. Theo một ghi chú của Fitch Ratings, các nhà đầu tư nước ngoài vào Ai Cập đã rút gần 5 tỷ USD trong quý IV của năm 2021 - khoản thoái vốn này được cho là cao hơn nhiều sau khi xung đột ở Ukraine bùng nổ. Trước nguy cơ khủng hoảng thanh khoản, các nhà chức trách Ai Cập đã buộc phải yêu cầu một khoản vay khẩn cấp từ IMF.
VIỄN CẢNH VỀ MỘT TRẬT TỰ KINH TẾ THẾ GIỚI MỚI
Bên cạnh áp lực về giá lương thực và năng lượng tăng cao, sự phòng vệ của các quốc gia tăng, nguy cơ về một cuộc khủng tài chính có thể xuất hiện bất cứ khi nào. Chẳng hạn, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất mạnh hơn sẽ là một cú sốc lớn. Hồi tưởng lại thời điểm năm 1997, khi quyết định thắt chặt chính sách tiền tệ ở Mỹ dẫn đến tình trạng thoái vốn và khủng hoảng tài chính ở các nước Đông Nam Á, lan sang Nga và Mỹ Latinh. Tuy nhiên, khả năng lặp lại cú sốc này không lớn, vì phải thừa nhận rằng, các quốc gia ít nhiều đã rút ra bài học từ điều này bằng cách tăng dự trữ ngoại hối và giảm thâm hụt, nhưng sẽ không tránh khỏi việc một số nền kinh tế vẫn rất dễ bị tổn thương.
Liên hệ vào trường hợp của Argentina, nước có lạm phát hàng năm lên tới 50% và vừa nhận 45 tỷ USD viện trợ từ IMF; hay Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia có giá trị đồng nội tệ giảm 10% kể từ đầu năm 2022; hoặc thậm chí Indonesia, nơi có một phần nợ đáng kể nằm trong tay các nhà đầu tư nước ngoài. Chuyên gia Carlos Lopes nhận định: “Nguồn dự trữ của các quốc gia đã cạn kiệt, trong khi thâm hụt tăng mạnh sau các nỗ lực giảm bớt cú sốc của đại dịch, nợ và lạm phát gia tăng nhanh chóng. Do đó, họ có rất ít dư địa để hành động”.
Tình hình hiện nay, khi các nước giàu đã bơm 22.000 tỷ USD trong thời kỳ đại dịch để bảo vệ nền kinh tế và đây đang trở thành một vấn đề đối với toàn thế giới, vì lượng thanh khoản dồi dào này thúc đẩy đầu cơ và làm cho hệ thống tài chính không ổn định. Điều này khiến nhiều người nhớ đến thời điểm ngay trước khi cuộc khủng hoảng tài chính bùng nổ năm 2007 và 2008. Nếu như khả năng cao bùng nổ cuộc khủng hoảng tài chính thì các hộ gia đình và doanh nghiệp rất dễ bị ảnh hưởng, bởi tỷ lệ nợ của họ trong các khoản nợ của các nước mới nổi đã tăng lên đáng kể trong những năm gần đây.
Viện dẫn nguy cơ "bốc hơi" các dòng tài chính hoặc xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ sắp tới, trong báo cáo công bố ngày 24/3, Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) đã lưu ý: “Các nước đang phát triển sẽ phải gánh một phần không thỏa đáng hệ quả của việc điều chỉnh nền kinh tế toàn cầu hậu đại dịch”. Báo cáo cũng ủng hộ việc các ngân hàng trung ương đưa ra những thỏa thuận hỗ trợ tiền tệ và ứng phó với nguy cơ khủng hoảng tài chính tiềm tàng.
Nguy cơ lây lan từ cuộc xung đột ở Ukraine không chỉ dừng ở góc độ tài chính, đặc biệt đối với các nước Kavkaz và Trung Á vốn phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu Nga hoặc Ukraine. Các biện pháp trừng phạt của phương Tây cũng có nguy cơ tước đi số tiền ngoại hối mà những người lao động nhập cư làm việc tại Nga gửi về trong nước.
Tình trạng sụt giảm số khách du lịch từ Nga cũng sẽ tác động mạnh đến các nền kinh tế Trung Đông và Bắc Phi. Song sẽ có một số quốc gia xuất khẩu hàng hóa, như: Malaysia, Chile hay Mexico được hưởng lợi từ đà tăng giá, nhưng không phải tất cả các quốc gia mới nổi đều may mắn rơi vào trường hợp này. Bởi ở những nước như Nigeria, nơi nhà nước được hưởng lợi nhiều hơn từ nguồn thu dầu mỏ, người dân sẽ tiếp tục phải oằn mình gánh chịu cảnh lương thực không ngừng tăng giá, bởi đơn giản quốc gia này gần như không có mạng lưới an sinh xã hội.
Như vậy, trong dài hạn, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine về cơ bản có thể làm thay đổi trật tự kinh tế và địa chính trị toàn cầu nếu thương mại năng lượng thay đổi, chuỗi cung ứng được tái cấu trúc, mạng lưới thanh toán chia rẽ. Theo đó, trật tự kinh tế toàn cầu sẽ đi theo hướng:
1) IMF cho rằng, châu Âu có thể đối mặt với tình trạng gián đoạn về việc nhập khẩu khí đốt tự nhiên, cũng như gián đoạn chuỗi cung ứng lớn hơn. Trong đó, khu vực Đông Âu sẽ phải đối mặt với những tổn thất tài chính cao hơn do hiện có khoảng 3 triệu người đã từ Ukraine đến khu vực này.
2) Các nước tại khu vực Trung Á và Caucasus vốn có hệ thống thanh toán và thương mại liên kết chặt chẽ với Nga, sẽ bị tác động mạnh mẽ hơn do ảnh hưởng từ những lệnh trừng phạt đối với Moskva, với những hạn chế về kiều hối, thương mại, đầu tư và du lịch.
3) Ở châu Á, IMF cho rằng, những nước nhập khẩu dầu mỏ có nguy cơ chịu tác động lớn nhất, nhưng một số nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc có thể giảm bớt được tác động này nhờ các chính sách trợ cấp nhiên liệu mới./.
TS. Vũ Thanh Nguyên (kinhtevadubao.vn)