Một số khó khăn, vướng mắc đặt ra
 
Khó khăn, vướng mắc được coi là “lực cản” của việc thực hiện các mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế xanh, phát triển bền vững được các chuyên gia phân tích và đưa ra khá nhiều, trong đó có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Tại Việt Nam, những “lực cản” cơ bản trong quá trình thực hiện phát triển kinh tế xanh được xác định gồm:
 
Thứ nhất, các cơ chế, chính sách, văn bản pháp luật cụ thể hướng tới thực hiện kinh tế xanh ở Việt Nam hiện nay chưa được hoàn thiện, mà mới dừng lại ở việc đề xuất hướng tiếp cận, chủ yếu tập trung nhiều vào tăng trưởng xanh. Vì vậy, việc rà soát lại cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan và sửa đổi bổ sung cho phù hợp với mô hình phát triển mới theo hướng cơ cấu lại ngành kinh tế và hướng tới nền kinh tế xanh là một trong những vấn đề lớn cần được giải quyết.
Hình ảnh: Phát triển kinh tế xanh: Một số khó khăn và giải pháp đặt ra số 1
Doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong tăng trưởng xanh, là lực lượng trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế
Thứ hai, thói quen sản xuất, tiêu dùng và sinh hoạt của đại bộ phận doanh nghiệp và người dân còn lãng phí, ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường chưa cao.
 
Bên cạnh đó, các vấn đề lý luận và nhận thức về kinh tế xanh hiện nay ở Việt Nam vẫn khá mới mẻ, do đó đòi hỏi phải có những nghiên cứu và phổ biến rộng rãi kiến thức trong tầng lớp lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp và người dân để từng bước thay đổi tập quán sản xuất, tiêu dùng và sinh hoạt. Nếu không có sự nhận thức đầy đủ về vấn đề kinh tế xanh thì tính đồng thuận trong xã hội sẽ không đạt được, khi đó sẽ khó thực hiện phát triển kinh tế xanh.
 
Thứ ba, vấn đề tài chính, nguồn vốn cho thực hiện mục tiêu xây dựng và phát triển kinh tế xanh còn thiếu.
 
Hiện nay, Việt Nam đã thoát khỏi ngưỡng của nước nghèo, nhưng tích luỹ quốc gia so với các nước phát triển còn quá thấp, sinh kế của người dân ở các vùng nông thôn và miền núi còn nhiều khó khăn. Nguồn tài chính phục vụ cho phát triển nền kinh tế xanh ở nước ta phụ thuộc nhiều vào nguồn tài chính nhà nước, mà chưa phát huy được nguồn tài chính doanh nghiệp, sự hỗ trợ từ phía các tổ chức quốc tế. Những điều này ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình triển khai “nền kinh tế xanh”.
 
Thứ tư, công nghệ sản xuất ở Việt Nam hiện nay so với thế giới phần lớn là công nghệ cũ, tiêu hao năng lượng lớn, xử lý chất thải kém dẫn đến hiệu quả sản xuất thấp, phát sinh lượng lớn chất thải gây ô nhiễm và gia tăng phát thải khí nhà kính. Các ngành sản xuất năng lượng sạch, như: năng lượng hạt nhân, gió, mặt trời, sinh khối, địa nhiệt... chưa phát triển đủ mạnh để đáp ứng được nhu cầu năng lượng quốc gia.
 
Kinh tế xanh hướng tới sử dụng năng lượng tái tạo, các bon thấp, đầu tư khôi phục hệ sinh thái, giải quyết sinh kế gắn với phục hồi môi trường. Để làm được điều này thì công nghệ tiên tiến là một trong những điều kiện tiên quyết.
 
Hiện nay, việc thay đổi công nghệ mới phù hợp với nền kinh tế xanh là thách thức không nhỏ đối với Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng.
 
Thứ năm, Việt Nam là một trong những quốc gia được cho là chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Vì vậy, lộ trình xây dựng nền kinh tế xanh trong bối cảnh biến đổi khí hậu sẽ đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho Việt Nam.
 
Giải pháp đề xuất
 
Trước những thách thức đặt ra, để phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam cần quan tâm đến một số nội dung sau:
 
Một là, hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý cho tăng trưởng xanh.
 
Tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý cho toàn bộ các lĩnh vực, đặc biệt là các lĩnh vực chủ chốt có ảnh hưởng lớn đến quá trình tăng trưởng xanh. Tăng trưởng xanh phải là động lực chính để phát triển bền vững và là công cụ hữu hiệu giúp Chính phủ cân đối nguồn lực trong nước và quốc tế hiệu quả, gắn kết chặt chẽ với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
 
Các bộ, ngành, địa phương cần hoàn thiện khung cơ chế, chính sách, pháp luật theo hướng phối hợp liên vùng, liên ngành và tích hợp các mục tiêu, giải pháp tăng trưởng xanh để thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tối ưu hóa nguồn lực, đặc biệt trong xây dựng hạ tầng đa mục tiêu.
 
Bên cạnh đó, đẩy mạnh áp dụng các công cụ kinh tế xanh đối với hoạt động sản xuất và tiêu dùng, hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí phân loại xanh quốc gia đảm bảo tính thống nhất, minh bạch, cập nhật thường xuyên cho các chương trình, dự án, sản phẩm, dịch vụ, công nghệ và ngành nghề.
 
Hai là, nâng cao nhận thức, đổi mới mô hình tăng trưởng.
 
Cần nhận thức rõ, tiếp cận với tăng trưởng xanh không chỉ là lồng ghép trong các quyết định phát triển mà phải coi đây là một chỉnh thể thống nhất với các thành phần của phát triển bền vững.
 
Từ nâng cao nhận thức về lợi ích của tăng trưởng xanh, vai trò thực hiện, tầm quan trọng của nhiệm vụ để tiếp tục hình thành các kế hoạch hành động, dự án cụ thể ứng phó với biến đổi khí hậu và tạo động lực cho tăng trưởng xanh. Các bộ, ngành, địa phương cần nhanh chóng rà soát quy hoạch, áp dụng, lồng ghép Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh vào các kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục xây dựng lộ trình cụ thể, kịch bản các hoạt động tăng trưởng xanh, gắn kết chỉ tiêu tăng trưởng xanh trong hệ thống chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược ngành.
 
Các doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong tăng trưởng xanh bởi họ là lực lượng trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế, cần xác định rõ những thách thức và cơ hội, bảo đảm tuân thủ các quy định về môi trường, đổi mới công nghệ và nâng cao hiệu quả sản xuất, sắp xếp lại cơ cấu, hạn chế phát triển những ngành kinh tế phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên; hình thành đội ngũ doanh nhân “xanh” của đất nước.
 
Do đó, cần thiết phải xây dựng và thực hiện các dự án truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và cộng đồng về thực hiện tăng trưởng xanh, góp phần xây dựng đất nước phát triển bền vững.
 
Ba là, đẩy mạnh đầu tư cho tăng trưởng xanh.
 
Trên thực tế, thực hiện tăng trưởng xanh đòi hỏi nguồn lực rất lớn để thực hiện các dự án đầu tư cho đổi mới công nghệ, quy hoạch, phát triển hạ tầng cơ sở… nhằm phục vụ việc triển khai thực hiện. Trong khi đó, nguồn lực trong nước, đặc biệt là ngân sách nhà nước cho tăng trưởng xanh là rất hạn chế.
Hình ảnh: Phát triển kinh tế xanh: Một số khó khăn và giải pháp đặt ra số 2
Phát triển điện gió là xu thế tất yếu của tăng trưởng xanh và ứng phó biến đổi khí hậu.
Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Thế giới cho thấy, để thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh đến năm 2030, dự kiến cần khoảng 30 tỷ USD, trong đó ngân sách Nhà nước chỉ có thể đáp ứng tối đa 30% nguồn lực và cần tới 70% từ các nguồn khác, trong đó chủ yếu là khu vực tư nhân.
 
Theo đó, nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước chủ yếu tập trung vào các chương trình đầu tư giao thông công cộng của ngành giao thông cho các thành phố lớn, các đường cao tốc; các chương trình, dự án hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực, thể chế chính sách giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, hỗ trợ đầu tư tư nhân, dự án thí điểm.
 
Bốn là, tăng cường hợp tác quốc tế về các vấn đề chuyển giao công nghệ, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên; đồng thời học hỏi kinh nghiệm từ quá trình chuyển đổi và xây dựng kinh tế xanh thành công của các nước tiên phong để rút ra bài học, từ đó đề ra chương trình hành động phù hợp với những đặc trưng kinh tế và điều kiện phát triển cụ thể của Việt Nam.
 
Quỳnh Như 
Nguồn tin: https://tapchitaichinh.vn/co-che-chinh-sach/binh-luan-chinh-sach/phat-trien-kinh-te-xanh-mot-so-kho-khan-va-giai-phap-dat-ra-349744.html