Ngày 10/8, tại Bộ Công Thương đã diễn ra Đối thoại chính sách cấp cao ASEAN về than, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An tham dự Đối thoại.
 
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An, ASEAN hiện tại đang là nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới với thị trường năng động và nguồn dân số trẻ, trình độ cao. Năm 2021, nền kinh tế của khu vực đã tăng trưởng 3%, dự kiến sẽ tăng trưởng 4,9% trong năm 2022 và 5,2% năm 2023. Có thể thấy, các nước ASEAN đang nỗ lực mở cửa và phục hồi nền kinh tế mạnh mẽ sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Hình ảnh: Thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ sử dụng than sang năng lượng sạch số 1
Đối thoại chính sách cấp cao ASEAN về than 
Bên cạnh các vấn đề an ninh năng lượng, hậu quả của nhu cầu năng lượng gia tăng này là sự gia tăng phát thải khí nhà kính (GHG), có khả năng đạt 4.171 triệu tấn CO2- eq vào năm 2040. Do đó, khu vực ASEAN cần ưu tiên quan tâm giải quyết hài hoà giữa nhu cầu năng lượng tiếp tục tăng cao và các mục tiêu chống biến đổi khí hậu”- Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhấn mạnh.

Để giải quyết những lo ngại này, các Bộ trưởng Năng lượng ASEAN đã thông qua Kế hoạch chi tiết năng lượng khu vực, Kế hoạch Hành động ASEAN về Hợp tác Năng lượng (APAEC), cụ thể, giai đoạn II: Năm 2021-2025, ASEAN nhất trí rằng đổi mới sáng tạo là một thành phần quan trọng trong việc hài hoà giữa mục tiêu an ninh năng lượng và đảm bảo tính bền vững.

Cũng tại Hội nghị COP26 diễn ra tại Glasgow, Scotland vào tháng 11/2021, đã có 47 quốc gia, trong đó có Việt Nam ủng hộ "Tuyên bố chuyển đổi từ than sang điện sạch toàn cầu", với cam kết sẽ ngừng xây mới các nhà máy nhiệt điện than. Với các cam kết trên, hầu hết các nền kinh tế lớn sẽ loại bỏ điện than vào thập niên 2030, trong khi phần còn lại của thế giới sẽ thực hiện mục tiêu này từ thập niên 2040 trở đi.

Các nền kinh tế ASEAN cũng không đứng ngoài cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đầy thách thức này, khi lãnh đạo các nước đều đồng ý cần sớm thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ sử dụng than sang năng lượng sạch.

Hiện các nước ASEAN đã thành lập Trung tâm về Công nghệ Than sạch ASEAN vào ngày 30/9/2021 với vai trò là Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển của hợp tác khu vực về các quy trình sử dụng than sạch nhằm nâng cao hiệu quả và bảo vệ môi trường.

Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm và đặt mục tiêu phát triển điện phải đi trước một bước để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng của đất nước, đáp ứng nhu cầu điện sinh hoạt của nhân dân, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Với sự quan tâm đó, hệ thống điện quốc gia Việt Nam hiện đã có phát triển vượt bậc, đảm bảo cung cấp đủ điện cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội với chất lượng và độ tin cậy cung cấp điện ngày càng được cải thiện, nâng cao.

Theo Bộ Công Thương, đến hết năm 2021, Việt Nam đã có 78.120MW tổng công suất lắp đặt nguồn điện và trở thành quốc gia đứng đầu khu vực ASEAN về quy mô hệ thống điện. Nhiệt điện hiện đang chiếm trên 32% tổng công suất nguồn điện toàn quốc và đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng của Việt Nam.

Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho biết, hiện nay, Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo Quy hoạch điện VIII, theo đó đến năm 2030, công suất quy hoạch các nhà máy nhiệt điện than khoảng 37.476 MW, chiếm khoảng 25,7% tổng công suất các nguồn điện. Trong bối cảnh thuỷ điện đã tới hạn, điện khí gặp hạn chế do giá khí nhập khẩu cao và phụ thuộc thị trường thế giới, điện mặt trời công suất hạn chế nên từ nay tới năm 2030 nhiệt điện than vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nguồn điện thì vai trò của nhiên liệu than trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia rất quan trọng.

Hiện tại, Việt Nam đang nghiên cứu, tìm hiểu các công nghệ mới cho các nhà máy nhiệt điện than như công nghệ than sạch (CCT), công nghệ thu giữ, sử dụng và lưu trữ carbon (CCUS) đảm bảo mục tiêu cung ứng điện cho phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường và thực hiện các cam kết của Chính phủ./.

Tin, ảnh: A.N
Nguồn tin: https://dangcongsan.vn/kinh-te/thuc-day-qua-trinh-chuyen-doi-tu-su-dung-than-sang-nang-luong-sach-617159.html