Trong 20 năm qua, cả nước mới hoàn thành được khoảng 1.000 km đường cao tốc. Phát triển hạ tầng là 1 trong 3 đột phá chiến lược đã được Đảng, Nhà nước xác định, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội; trong đó đặt mục tiêu trong nhiệm kỳ 2021-2025 hoàn thành 2.000 km đường cao tốc.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, nghiên cứu, dành nhiều nguồn lực, thời gian, công sức, thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông vận tải. Cùng với nhiều dự án giao thông trọng điểm quốc gia đang được triển khai để hiện thực hóa mục tiêu trên, Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh và Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội là một trong những dự án giao thông trọng điểm có ý nghĩa hết sức quan trọng cũng đang tích cực được triển khai đầu tư.
Với mục tiêu hoàn thành ngay trong giai đoạn 2021-2025, các dự án này không chỉ đáp ứng nhu cầu giảm tải áp lực cho giao thông khu vực nội đô, tạo bước đột phá về phát triển KT-XH cho các địa phương trong vùng Thủ đô và vùng Đông Nam Bộ, dự án còn tạo không gian phát triển mới để khai thác tiềm năng sử dụng đất đai, cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Theo kế hoạch Dự án đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh và Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội sẽ được trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư ngay tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV trong tháng 5 này.
Để cùng làm rõ hơn vấn đề này, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức cuộc Tọa đàm trực tuyến có chủ đề "Kết nối giao thông vành đai liên vùng – động lực cho phát triển bứt phá", với sự tham gia của các vị khách mời:
- Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương
- Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ
- Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn
- Vụ trưởng Vụ Đầu tư Bộ Tài chính Dương Bá Đức
- Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh: Trần Quang Lâm
- PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam