Dự án Vành đai 4: Tạo không gian phát triển mới, liên kết các tuyến hướng tâm - Ảnh 1.

Tuyến đường Vành đai 4 hoàn thiện sẽ góp phần thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế cho Hà Nội và các tỉnh lân cận - Ảnh: KTĐT

  • Vành đai 4: Chuẩn bị các điều kiện cần thiết triển khai khi Quốc hội đồng ý chủ trương

    Vành đai 4: Chuẩn bị các điều kiện cần thiết triển khai khi Quốc hội đồng ý chủ trương
     19/05/2022 20:25

  • Hơn 23.500 tỷ đồng triển khai Dự án Đường Vành đai 4

    Hơn 23.500 tỷ đồng triển khai Dự án Đường Vành đai 4
     20/05/2022 10:47

Vành đai 4 – kết nối với tất cả các tuyến còn lại

Có thể thấy, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội, là chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia. Ở các nước phát triển từ lâu đã dành sự quan tâm và nỗ lực đầu tư cho giao thông. Trong đó, việc quy hoạch và xây dựng hệ thống các đường vành đai các trung tâm kinh tế chính trị được xem là nhiệm vụ hàng đầu. Bởi đường vành đai không chỉ được có ảnh hưởng tới một địa phương mà còn là sự thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cho một vùng miền của mỗi quốc gia.

Hà Nội – đô thị lớn của Việt Nam, đóng góp trên 16% GDP, 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa, giữ vai trò là trung tâm kinh tế, là động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước. Việc đẩy mạnh đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, đặc biệt là các tuyến đường vành đai của Thủ đô là cấp thiết, nhằm thúc đẩy tốc độ đô thị hóa, tăng trưởng kinh tế của vùng Thủ đô (bao gồm 9 tỉnh, thành phố, trong đó có 3 tỉnh, thành phố ảnh hưởng trực tiếp đến Dự án đường Vành đai 4 là: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh) và cả nước theo định hướng của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 06/NQ-TW và riêng Thủ đô Hà Nội theo định hướng của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 15/NQ-TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thủ đô Hà Nội có 7 tuyến đường vành đai, bao gồm: 1; 2; 2,5; 3; 3,5; 4; 5, kết nối nội bộ và thông thương với các tỉnh, thành lân cận. Đặc thù của Vành đai 4 là kết nối với tất cả các tuyến còn lại; có thể coi là "Vành đai kết nối mọi vành đai", tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển đồng đều, toàn diện và bền vững của Thủ đô.

Bên cạnh đó, Vành đai 4 còn giải quyết nhu cầu giao thông trực tiếp cho khu vực đô thị trung tâm, đô thị vệ tinh của Hà Nội, phân giải mạnh mẽ áp lực cho Vành đai 3 đã quá tải trầm trọng (gấp 8 lần thiết kế).

Thực tế hiện nay, các tuyến đường từ Vành đai 3 đổ lại, tình trạng ùn tắc thường xuyên xảy ra tại các tuyến đường  cửa ngõ và trung tâm Thủ đô, nhất là các dịp nghỉ lễ, Tết khi nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách tăng vọt, tạo nên những điểm ách tắc lớn với thời gian kéo dài, gây bức xúc trong dư luận.

Do đó Vành đai 4 được xây dựng và hình thành sẽ tạo không gian phát triển mới, tăng cường phát triển vùng, liên kết các tuyến đường hướng tâm, góp phần giảm tình trạng ùn tắc giao thông khu vực nội đô, đặc biệt là Vành đai 3; tạo dịch vụ vận tải chủ động, hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế khu vực và đất nước.

Người dân ủng hộ và kỳ vọng sự thúc đẩy du lịch, dịch vụ từ Dự án

Sau hơn 10 năm ấp ủ, đến nay, Hà Nội và các tỉnh liên quan mới có cơ hội hiện thực hóa dự án Vành đai 4 Vùng Thủ đô. Cùng với sự vào cuộc nghiêm túc, tích cực của Quốc hội, Chính phủ cũng như các bộ, ngành, địa phương liên quan, nhân dân Thủ đô đang rất ủng hộ Dự án mang tầm chiến lược dài hạn này.

Ở góc độ địa phương, Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh cho biết, Thường Tín là 1 trong 7 quận, huyện có đường Vành đai 4 đi qua. Đây là công trình rất lớn của Thủ đô và Vùng Thủ đô về quy mô và tổng mức đầu tư- lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn TP. Hà Nội.

"Trong bối cảnh huyện Thường Tín đang cố gắng phấn đấu để trở thành 1 quận của Thủ đô trong thời gian tới với định hướng phát triển du lịch, dịch vụ là mũi nhọn, nên mong dự án Vành đai 4 và các công trình cầu cạn trong khu vực được đầu tư xứng tầm", Bí thư Huyện ủy Thường Tín bày tỏ.

Hiện tại tỉnh Hưng Yên có xã Mễ Sở và tại huyện Thường Tín có xã Hồng Vân nhưng chưa có cầu kết nối mà mới có bến phà, Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh đề nghị Thành phố báo cáo Trung ương đặt tên cầu là "Chí Nghĩa" và đưa vào ngay từ dự án, với màu biểu trưng của Thành phố là màu xanh hòa bình.

Về phía huyện, đang tích cực triển khai để ngay sau khi Thành phố hoàn thành đấu giá, địa phương sẽ khởi công xây dựng khu lưu niệm danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi tại đây, trong đó sẽ xây dựng tháp Chí Nghĩa bằng nguồn vốn của huyện.

Ông Nguyễn Thành Nam (đại biểu HĐHD huyện Phú Xuyên) cho rằng, dự án đường Vành đai 4 có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hoá cho Thủ đô, tạo ra không gian phát triển mới cho Hà Nội và Vùng Thủ đô, kết nối các đường quốc lộ, cao tốc hướng tâm. "Hiện nay, đường Vành đai 3 đang đảm nhận đã quá tải. Khi có đường Vành đai 4 sẽ giảm ùn tắc cho Vành đai 3, góp phần phát triển đô thị hai bên tuyến, phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng", ông Nam nói.

Ông Nam đề nghị Thành phố lựa chọn các nhà thầu có đủ năng lực, bảo đảm chất lượng dự án và chỉ đạo chính sách bồi thường tái định cư thống nhất giữa các địa phương tránh để khiếu nại, ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Anh Lê Văn Thành, xã Hồng Vân, Thường Tín chia sẻ: "Tôi rất phấn khởi khi nghe thông tin dự án Vành đai 4 sắp được triển khai. Đây là cơ hội để người dân vùng ngoại thành chúng tôi thuận lợi trong việc giao thương, buôn bán, phát triển du lịch làng nghề; giúp cho vùng quê chúng tôi có điều kiện thu hẹp khoảng cách với vùng đô thị trung tâm".

Ngày 20/5, tại kỳ họp thứ 5 (kỳ họp chuyên đề) của HĐND TP. Hà Nội khóa XVI đã thống nhất mức chi hơn 23.500 tỷ đồng làm 58,2km đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Theo đó, nguồn vốn đầu tư dự kiến cho Dự án là 85.813 tỷ đồng. Nguồn vốn từ ngân sách TP. Hà Nội dự kiến 23.524 tỷ đồng (Giai đoạn 2021-2025 là 19.477 tỷ đồng; Giai đoạn 2026-2030 là 4.047 tỷ đồng).
Dự án Vành đai 4 có tổng chiều dài khoảng 112,8 km, gồm 103,1 km đường Vành đai 4 và 9,7 km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long. Đoạn qua địa phận TP. Hà Nội dài 58,2 km; qua tỉnh Hưng Yên dài 19,3 km; qua tỉnh Bắc Ninh dài 25,6 km và tuyến nối 9,7 km. Điểm đầu tại Km 3+695 trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, điểm cuối tại Km 40+500 trên đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long. Để phát huy hiệu quả tối đa, dự án sẽ đầu tư đồng bộ tuyến nối từ cuối đường Vành đai 4 theo hướng quy hoạch đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long đến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang nhằm khép kín toàn tuyến.

Diệu Anh

Theo https://baochinhphu.vn/vanh-dai-4-tao-khong-gian-phat-trien-moi-lien-ket-cac-tuyen-huong-tam-103220520163510553.htm