Đến nay, Việt Nam là một trong những nước có độ phủ vaccine phòng COVID-19 cao nhất trên thế giới, tạo tiền đề cho kinh tế Việt Nam mở cửa và hợp tác trong trạng thái bình thường mới với thế giới, đồng thời là cơ sở để các DN phục hồi sản xuất kinh doanh.
Ông Phạm Tấn Công khẳng định, cùng với khát vọng trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, với giả định Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 7%/năm giai đoạn 2021-2045, quy mô nền kinh tế vào năm 2045 sẽ đạt khoảng 1.850 tỷ USD và thu nhập bình quân đầu người có khả năng đạt mức 14.730 USD…
Dẫn lời Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris đã từng nói "Giờ đây, nền kinh tế Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong các chuỗi cung ứng mà Hoa Kỳ dựa vào. Đây là trọng tâm lớn của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á", Chủ tịch VCCI cho rằng, có rất nhiều lĩnh vực tiềm năng mà DN Việt Nam và Hoa Kỳ có thể hợp tác tốt định hình quan hệ tương lai của hai quốc gia.
Về năng lượng, tại Hội nghị Thượng đỉnh của các Nhà lãnh đạo trong khuôn khổ Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính đã công bố cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam vào năm 2050. Việt Nam dành ưu tiên cao cho các nỗ lực phát triển ngành năng lượng theo hướng bền vững với mục tiêu giữ vững an ninh năng lượng quốc gia và giảm phát ký thải nhà kính. Để góp phần hướng tới mục tiêu trên, VCCI cũng đã đưa ra sáng kiến Chỉ số Xanh với sự hỗ trợ từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), nhằm thúc đẩy cải cách thể chế về môi trường cũng như hoạt động đầu tư thân thiện với môi trường, thúc đẩy phát triển bền vững hơn vì lợi ích của người dân và nền kinh tế Việt Nam.
"Các DN Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ có nhiều hợp tác điển hình thành công trong lĩnh vực điện khí (LNG), năng lượng sạch, năng lượng tái tạo góp phần phát triển thương mại hai chiều hài hòa và thực hiện mục tiêu an ninh năng lượng", Chủ tịch VCCI kỳ vọng.
Về kinh tế số, ông Phạm Tấn Công cho biết, xuất khẩu toàn cầu của các dịch vụ công nghệ thông tin ngày càng tăng, đặc biệt trong điều kiện đại dịch kéo dài như hai năm nay. Năm 2020, giá trị xuất khẩu dịch vụ công nghệ thông tin toàn cầu là 711 tỷ USD, gần gấp đôi so với 364 tỷ USD xuất khẩu năm 2011. Ngoài ra, các hiệp định thương mại gần đây như CPTPP…thiết lập các tiêu chuẩn cao đối với kinh tế số, đồng thời mở ra cơ hội mới cho các DN nhỏ và vừa cũng như các tập đoàn lớn tại Việt Nam. Tuy nhiên, điều đó cũng đi kèm với những thách thức đối với cơ quan quản lý và DN.
"Với kinh nghiệm sẵn có, các DN Hoa Kỳ có thể hợp tác và chia sẻ với DN Việt Nam kinh nghiệm phát triển kinh tế số", Chủ tịch VCCI đề nghị.
Dịch COVID-19 đã làm chao đảo thế giới thế giới, đứt gãy chuỗi cung ứng và sản xuất ở nhiều nơi. Tuy vậy, cộng đồng DN Việt Nam và Hoa Kỳ vẫn lạc quan về sự phục hồi của nền kinh tế thích ứng an toàn, linh hoạt để bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh của Việt Nam.
"Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh diễn ra ngày hôm nay là minh chứng quan trọng cho sự lạc quan và tin tưởng của DN Hoa Kỳ đối với môi trường đầu tư kinh doanh Việt Nam. Đây là cơ hội để các DN Việt Nam và Hoa Kỳ cùng hiến kế, đưa ra các đưa các kiến nghị thực tế và hữu ích để giúp Việt Nam ổn định sản xuất trong tình trạng bình thường mới, tăng tốc và tiếp tục bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hóa sang Hoa Kỳ", Chủ tịch VCCI nói.
Để ứng phó với các cú sốc kinh tế trong tương lai, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh: DN hai nước càng cần có sự tin tưởng lẫn nhau, chủ động, sáng tạo và đoàn kết hơn nữa để vượt qua khó khăn, nắm bắt thời cơ của cách mạng công nghệ số để phát triển bền vững, đặc biệt trong những dư địa hai bên còn rất nhiều tiềm năng hợp tác, đầu tư như phát triển kinh tế số, năng lượng sạch và bền vững, chế tạo – chế biến, hàng không, y tế, dược phẩm...
Anh Minh