Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. - Ảnh: VGP |
Tại cuộc họp Chính phủ ngày 02/2 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu tập trung triển khai các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2021. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh phải thúc đẩy cả 3 không gian kinh tế: Kinh tế trong nước với thị trường gần 100 triệu dân, kinh tế quốc tế với hội nhập được đẩy mạnh và kinh tế số.
Tại phiên họp này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã đã nhấn mạnh, “nếu dịch bệnh không nhanh chóng được khống chế mà tiếp tục lan rộng thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người lao động và nguy cơ bị đình trệ sản xuất kinh doanh của các tập đoàn. Về lâu dài, nguy cơ này sẽ ảnh hưởng đến cả hoạt động thương mại quốc tế của chúng ta”.
Cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, năm 2021, mục tiêu ưu tiên hàng đầu của ngành Công Thương là thực hiện đầy đủ, nghiêm túc và kịp thời những chỉ thị, chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho người dân. Mặt khác, Bộ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp trong khuôn khổ công việc của ngành nhằm mục tiêu góp phần khôi phục nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường, bảo đảm sự ổn định đời sống của nhân dân.
Trao đổi với phóng viên, làm rõ hơn về các mục tiêu và giải pháp của ngành để thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trở lại, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, ngay khi Nghị quyết 01 và 02 năm 2021 được Chính phủ ban hành, Bộ đã ban hành các Chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết này để thống nhất tổ chức triển khai trong toàn ngành, đồng thời xây dựng kịch bản tăng trưởng của toàn ngành theo từng quý và cả năm 2020 để triển khai thực hiện.
Với việc cơ bản kiểm soát thành công đại dịch COVID-19 trong năm 2020, tình hình kinh tế vĩ mô tháng 01 năm 2021 cơ bản ổn định, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì đà phục hồi. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 1 tăng 22,2% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, tốc độ tăng trưởng ngành chế biến, chế tạo đạt 27,2%.
Thương mại trong nước có mức tăng trưởng tích cực, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước nhờ nhu cầu tiêu dùng, chuẩn bị đón Tết gia tăng và các doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị... chủ động đưa ra nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá nhằm kích cầu, thu hút tiêu dùng của người dân.
Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa duy trì mức tăng trưởng ấn tượng, ước tính tháng 01/2021, Việt Nam tiếp tục xuất siêu 1,3 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 54,1 tỷ USD, tăng 45,7% so với cùng kỳ năm trước. Xuất siêu tiếp tục là điểm sáng với động lực xuất khẩu từ ngành chế biến, chế tạo.
Tuy nhiên, dịch COVID-19 xuất hiện trở lại trong cộng đồng vào cuối tháng 01 với biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh, đòi hỏi cần khẩn trương, quyết liệt trong việc thực hiện khoanh vùng, cách ly, không để dịch bệnh lan rộng cũng đã có những tác động đáng kể đến hoạt động giao thương hàng hóa.
Đáng chú ý, dịch bệnh xảy ra vào dịp gần Tết đã ảnh hưởng đến tiêu thụ hàng hóa của bà con nông dân; một số nhà máy sản xuất ở các khu công nghiệp đã bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp bởi dịch bệnh như ở Hải Dương...
“Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và kinh nghiệm chống dịch trong năm 2020, chúng ta có thể hy vọng dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát, hoạt động sản xuất và thương mại tiếp tục được phục hồi và tăng trưởng”, Thứ trưởng cho biết.
Theo Thứ trưởng, nếu dịch được khống chế kịp thời trong quý I, giá trị gia tăng (VA) ngành công nghiệp trong quý I có thể giảm nhẹ so với mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP (giảm khoảng 0,07 điểm phần trăm) nhưng ngành phấn đấu đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra cho cả năm là 9,45%. Xuất khẩu hàng hóa phấn đấu đạt mức tăng trưởng 4,4% trong quý I như mục tiêu đã đặt ra với tác động tích cực của các Hiệp định thương mại tự do, cả năm ước tăng 4-5%.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng của toàn ngành Công Thương góp phần vào thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP của cả nước năm 2021, Bộ tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế, cải cách quy trình, thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện, kịp thời. Hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong việc tìm thị trường nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu, phụ tùng, linh kiện thay thế nhằm vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch.
Chú trọng phát triển thị trường trong nước, chủ động kết nối, phát triển các kênh phân phối sản phẩm hàng hóa của Việt Nam. Tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến của đại dịch trên thế giới để có các biện pháp ứng phó kịp thời. Ưu tiên triển khai các hoạt động xúc tiến xuất khẩu và các thị trường xuất khẩu sớm khôi phục sau đại địch; tập trung theo dõi sát tình hình từng thị trường để rà soát, xác định các chủng loại hàng hóa mà các nước đang có nhu cầu nhập khẩu để khai thác, thúc đẩy xuất khẩu.
Củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, đặc biệt là các thị trường nhỏ và thị trường ngách; đa dạng hoá cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu, phát triển thương hiệu. Phổ biến thông tin rộng rãi về Hiệp định nhất là Hiệp định UKVFTA và RCEP, cách thức, điều kiện tận dụng ưu đãi…, đặc biệt với các doanh nghiệp thuộc ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng do đại dịch.
Kỳ vọng từ 3 không gian kinh tế
Phân tích thêm về 3 không gian kinh tế mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, thương mại trong nước đã trở thành trụ cột quan trọng của phát triển ngành với thị trường gần 100 triệu dân.
“Hiện nay thị trường phân phối của Việt Nam được đánh giá là hấp dẫn khi thu nhập bình quân của người dân ngày càng cao, tầng lớp trung lưu đang tăng rất nhanh, tỷ lệ tiêu dùng so với GDP của Việt Nam cũng thuộc loại cao so với các nước trong khu vực (trên 70%)”, ông nói.
Để tận dụng tối đa tiềm năng và cơ hội phát triển, khai thác hiệu quả thị trường trong nước, trọng tâm tới đây là tiếp tục tập trung thúc đẩy tái cơ cấu, nâng cao năng lực nội tại, phát triển đội ngũ doanh nghiệp Việt, củng cố các doanh nghiệp lớn, nòng cốt trong lĩnh vực thương mại trong nước.
Từ những định hướng như vậy, các giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai để phát triển thương mại trong nước thời gian tới là tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để cho các doanh nghiệp, nhất là nắm bắt, tận dụng cơ hội mới của thương mại điện tử. Hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng hàng hóa, trước hết là chuỗi cung ứng hàng nông sản thực phẩm thiết yếu của thị trường nội địa. Đẩy mạnh liên kết chuỗi, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất với các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ và đẩy mạnh liên kết trong toàn chuỗi cung ứng…
Về đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, trong năm 2021, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục ưu tiên xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách để thực hiện đầy đủ các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế theo lộ trình đã đề ra. Trong việc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp quy hiện hành cần đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả, duy trì ổn định môi trường đầu tư, kinh doanh, không gây xáo trộn, ảnh hưởng đến lợi ích của các doanh nghiệp đang hoạt động cũng như các nhà đầu tư mới.
Tập trung triển khai có hiệu quả các FTA mà Việt Nam đã tham gia, đặc biệt là triển khai Kế hoạch thực thi các Hiệp định FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA… Xây dựng và triển khai Đề án vận hành và nâng cấp Cổng thông tin điện tử về FTA (FTAP).
Về kinh tế số, Thứ trưởng cho rằng, thương mại điện tử là một trong những lĩnh vực mấu chốt, tiền đề quan trọng của nền kinh tế số mà Việt Nam đang phát triển. Trong bối cảnh đại dịch, năm 2020 vừa qua, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử đạt mức 18% và quy mô đạt 11,8 tỷ USD và là nước duy nhất ở Đông Nam Á có tăng trưởng thương mại điện tử ở mức hai con số. Theo tính toán của các tập đoàn lớn thế giới như Google, Temasek và Bain&Company, với tốc độ tăng trưởng 29% trong cả giai đoạn 2020-2025, nhiều khả năng quy mô của nền kinh tế số Việt Nam sẽ vượt ngưỡng 52 tỷ USD và giữ vị trí thứ 3 trong khu vực ASEAN vào năm 2025.
“Chưa bao giờ sự phát triển của kinh tế số cũng như thương mại điện tử nhận được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Đảng và Chính phủ như thời điểm hiện nay, thể hiện ở các chính sách đã ban hành”, Thứ trưởng nhận định.
Năm 2021, Bộ Công Thương sẽ đẩy nhanh và triển khai toàn diện chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam, trong đó chú trọng doanh nghiệp nhỏ và vừa đối với các nội dung do Bộ Công Thương phụ trách, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, mở rộng tiêu thụ hàng hóa nội địa và thúc đẩy phát triển thương mại điệntử ở các địa phương với tỷ lệ tăng trưởng thị trường thương mại điện tử từ doanh nghiệp tới khách hàng là 20-22%; tỷ lệ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử là 55%; hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ thúc đẩy dịch vụ hậu cần thông minh trong thương mại điện tử…
Đẩy mạnh hoạt động thực thi pháp luật, bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh cho thương mại điện tử. Đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, đẩy mạnh tích hợp dịch vụ thanh toán trên Cổng Dịch vụ công quốc gia…
“Dự kiến năm 2021, Hiệp định ASEAN về thương mại điện tử chính thức có hiệu lực, Bộ sẽ chủ trì thực thi và đẩy mạnh tuyên truyền về Hiệp định ASEAN về thương mại điện tử cũng như các cam kết về thương mại điện tử tại các Hiệp định song phương và khu vực mà Việt Nam đã ký kết và phê chuẩn. Đối với hợp tác APEC, thương mại điện tử, thương mại số, kinh tế số tiếp tục là một trong những ưu tiên của APEC 2021”, Thứ trưởng cho biết.
(còn tiếp)
Phan Trang