Các mô hình sản xuất phương thức quản lý mới cùng sự gắn kết của người nông dân đã giúp những hợp tác xã kiểu mới trở thành nền tảng cho sự phát triển kinh tế nông lâm nghiệp địa phương.
Năm 2017, HTX Nông nghiệp Tân Thành được thành lập tại thôn Tân Thành, xã Nông Thượng, thành phố Bắc Kạn, chuyên sản xuất sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ cây nghệ nếp đỏ và cây nghệ nếp đen. Đây là một quyết định táo bạo, bởi khi đó cây nghệ vốn trồng nhỏ lẻ ở địa phương, ít người dám nghĩ tới việc phát triển ở quy mô lớn.
HTX Tân Thành mạnh dạn đầu tư nhà xưởng để chế biến tại chỗ, diện tích cây nghệ đã tăng từ hơn 30 ha lên đến 120 ha, dự kiến sẽ lên khoảng 200ha vào năm 2021. Hiện HTX Tân Thành cũng ký hợp đồng cung ứng giống, bao tiêu sản phẩm cho hơn 300 hộ dân của 3 huyện trên địa bàn.
Chị Nguyễn Thị Hồng Minh, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Thành cho biết: “Khi liên kết với HTX chúng tôi để sản xuất, người dân đã nghiên cứu rất kỹ và tin tưởng chúng tôi. Hiện giácủ nghệ ở Bắc Kạn chúng tôi ký 5.000 đồng/kg, nếu thị trường có xuống 200 - 300 đồng/kg chúng tôi vẫn mua giá 5.000 đồng/kg, còn nếu thị trường lên 10.000 - 20.000 đồng/kg chúng tôi cũng sẽ mua theo giá thị trường cho bà con. Khi ký hợp đồng rồi thì bà con có trách nhiệm hơn, bà con cũng dùng các loại giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch theo đúng định hướng của HTX”.
Cả tỉnh Bắc Kạn có 220 hợp tác xã kiểu mới. Đã có 97/108 xã có mô hình hợp tác xã, trong đó trên 80% hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và hơn một nửa trong số 131 sản phẩm OCOP của địa phương này được sản xuất từ các hợp tác xã kiểu mới.
Bắc Kạn đã có hàng chục chuỗi liên kết lớn và nhiều chuỗi liên kết nhỏ, đảm bảo từ khâu nuôi trồng đến thu mua, chế biến và tiêu thụ, dần hình thành các vùng chuyên canh tập trung cây trồng. Đơn cử như miến dong ở huyện Na Rì, Bí xanh thơm ở Ba Bể, cây nghệ ở Pác Nặm, cây gừng ở huyện Chợ Mới...
“Tôi thấy vui lắm, trồng dong rất yên tâm vì có hợp đồng bao tiêu rồi. Hơn nữa là được hỗ trợ giống, phân lân, sau đó được tập huấn nhiều lần. Xung quanh đây cũng có rất nhiều người cùng làm, cùng hợp tác nên cũng thấy yên tâm hơn" - ông Hoàng Văn Chương ở thôn Nà Buốc, xã Quang Phong, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn nói.
Ông Dương Văn Huấn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Bắc Kạn cho biết, địa phương sẽ tiếp tục có những chính sách mạnh mẽ nhằm củng cố hoạt động các HTX đang có, chú trọng nâng cao chất lượng, đồng thời tiếp tục hỗ trợ các HTX mở rộng thị trường tiêu thụ.
“Trước đây, các sản phẩm của Bắc Kạn có nhưng rất đơn điệu, bao bì thô sơ đơn giản, phần lớn tiêu thụ tại chỗ. Như miến dong có nổi tiếng thì cũng chỉ bán tại chỗ, các tư thương tự đến lấy, thậm chí mang cả củ dong về xuôi bán. Từ 2016, khi tổ chức lại các HTX theo Luật Hợp tác xã 2012 đã tổ chức lại sản xuất, quan tâm đến chất lượng, thương hiệu, mẫu mã, bao bì. Hiện các sản phẩm nhìn chung khá đẹp mắt, phòng phú có chất lượng và là một trong số ít các địa phương có nhiều sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên” - ông Dương Văn Huấn nói.
Với một địa phương miền núi như Bắc Kạn, các HTX đang làm thay đổi thói quen sản xuất của người dân, từ manh mún nhỏ lẻ sang tập trung, quy mô lớn mang tính hàng hóa và bước đầu tạo ra được những chuỗi liên kết trong sản xuất. Đây là nền tảng quan trọng để nông, lâm nghiệp Bắc Kạn có thêm những bước phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.