Thời gian qua, có rất nhiều dự báo được các tổ chức quốc tế đưa ra về kinh tế Việt Nam. ADB, VinaCapital, IMF, World Bank dự đoán GDP Việt Nam trong năm 2021 tăng trưởng từ 6,1-6,8%
Các ngân hàng Citigroup, Standard Chartered, HSBC dự báo ở mức 7,1- 7,8%
Đáng chú ý, ngày hôm qua, đại diện Fitch Solutions chia sẻ với phóng viên bản tin Tài chính Kinh doanh mức dự báo tới 8,6%, với 2 động lực chính được nhắc tới.
Thứ nhất là xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng chế biến chế tạo, sẽ hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do mới ký, mà điển hình là EVFTA.
Thứ 2, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, cùng với luật PPP có hiệu lực năm nay, sẽ là cú hích cho tăng trưởng của Việt Nam. Tuy nhiên, dự báo này dựa trên giả thiết dịch bệnh trên thế giới sẽ được phần nào khống chế trong nửa sau của năm và du lịch và vận chuyển hành khách quốc tế của Việt Nam sẽ được tái khởi động.
Thành công mục tiêu kép hình thành lợi thế cạnh tranh của Việt Nam
Xuất khẩu Việt Nam năm qua đạt mức tăng 17,8%, trong khi ngược lại, dòng lưu chuyển thương mại toàn cầu ước giảm hơn 10%. Nói cách khác, đó là cơ hội để Việt Nam tăng thị phần thương mại toàn cầu.
Còn lượng vốn FDI thực hiện năm qua đạt gần 20 tỷ USD, chỉ giảm 2% so với năm trước, trong khi bối cảnh chung toàn cầu sụt giảm tới 30-40%. Việt Nam được nhận định là 1 điểm đến đầu tư hấp dẫn hàng đầu khu vực.
Ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia của ADB tại Việt Nam nhấn mạnh: Với các mặt hàng chế biến chế tạo có giá trị gia tăng cao, như máy giặt, hay máy tính chẳng hạn, Việt Nam vừa là một thị trường tiêu dùng hấp dẫn, vừa là địa điểm sản xuất lý tưởng. Đó chính là sức hút với các dòng vốn ngoại.
Cũng theo ông Andrew Jeffries, thành công chống dịch của Việt Nam được cả thế giới nhìn nhận, đặc biệt là với du khách quốc tế. Điều này sẽ thúc đẩy du lịch Việt Nam phục hồi nhanh hơn và mạnh hơn rất nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Việc kiểm soát tốt dịch bệnh đã tạo cơ hội bứt phá cho kinh tế Việt Nam.
Trong khi đó, ông Brian Spence, Đồng sáng lập S&P Investment cũng cùng chung nhận định. Ông Spence cho rằng: Kết quả trong thành công chống dịch của Việt Nam và chính phủ Việt Nam khiến thế giới kính nể. Từ đó vun đắp hình ảnh một môi trường kinh doanh an toàn tại Việt Nam. Năm qua, trong khi Việt Nam vẫn mở cửa nội địa thì quốc tế phải đóng cửa, thậm chí tiếp tục đóng cửa năm nay, với nhiều hệ lụy nợ quốc gia tiếp tục tăng.
Tuy nhiên, có ý kiến lưu ý, đây vẫn là lợi thế cạnh tranh ngắn hạn, khi nhiều nước đóng cửa, còn Việt Nam mở cửa. Tới khi thế giới đều mở cửa, điều quan trọng là Việt Nam cần biết cách chuyển lợi thế cạnh tranh ngắn hạn, thành dài hạn.
Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định: "Trước tiên, những chính sách để tiếp tục thúc đẩy đà tăng trưởng của kinh tế số và chuyển đổi số, bởi đây sẽ là nhân tố nâng cao năng suất dài hạn cho Việt Nam. Và thứ 2, cần chú trọng hơn tới kinh tế xanh, để đảm bảo rằng thành quả tăng trưởng của Việt Nam là bền vững".
Sự lạc quan của năm 2021 là bởi nền tảng của năm 2020. Thế nhưng, quan trọng hơn cả, đây lại chính là sự chuẩn bị của cả 1 nhiệm kỳ. Một nhận định chung khi nhìn lại cả nhiệm kỳ 5 năm vừa qua. Đó không chỉ là những con số tăng trưởng GDP, mà quan trọng hơn thế, đó chính là chất lượng tăng trưởng như nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế.
Chuyển lượng thành chất, đây cũng chính là nền tảng, là hướng đi vững chắc cho cả giai đoạn 5 năm tiếp theo và xa hơn thế nữa. Như cách mà tờ Nikkei Asia đã gọi, đây là khoảnh khắc bứt phá của Việt Nam – “The breakout moment”. Tờ báo này cũng khẳng định, COVID – 19 và cách ứng xử của Việt Nam với đại dịch, đã tạo ra cơ hội kinh tế chưa từng thấy cho Việt Nam trong hàng thập kỷ qua.