Chính sách hỗ trợ ban hành nhiều, tại sao số doanh nghiệp phải giải thể, dừng hoạt động lại lớn?

Như tin đã đưa, sáng nay 7/12, HĐND TP Đà Nẵng khóa IX đã khai mạc kỳ họp thứ 16 (kỳ họp cuối năm 2020) trong bối cảnh “lần đầu tiên tăng trưởng GRDP của TP âm 9,77%, dự kiến đến cuối năm có 8/11 chỉ tiêu không đạt kế hoạch, thu ngân sách chỉ đạt 70%” như ông Nguyễn Nho Trung, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng đã nêu trong phát biểu khai mạc kỳ họp.

Kỳ họp thứ 16 HĐND TP Đà Nẵng khóa IX khai mạc sáng 7/12

Kỳ họp thứ 16 HĐND TP Đà Nẵng khóa IX khai mạc sáng 7/12.

Ông Trần Chí Cường, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Đà Nẵng lưu ý thêm, năm 2020, TP phải chứng kiến số doanh nghiệp (DN) giải thể, dừng hoạt động lớn. Tính từ ngày 1/1 đến 15/11/2020, toàn TP có 3.743 DN và đơn vị trực thuộc thành lập mới, giảm 31,3% so với cùng kỳ với tổng vốn đăng ký đạt 19.749 tỷ đồng, giảm 23,6%; hoàn tất thủ tục giải thể cho 1.029 DN, đơn vị trực thuộc; có 1.936 DN và đơn vị trực thuộc tạm ngừng hoạt động và có 1.108 DN chi nhánh và văn phòng đại diện quay trở lại hoạt động.

Trong khi đó, báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Đà Nẵng tại phiên khai mạc kỳ họp HĐND TP sáng 7/12 cho biết: “Cùng với các chính sách của Trung ương, thời gian qua, TP Đà Nẵng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ DN”. Từ đó, câu hỏi đặt ra là chính sách ưu đãi, hỗ trợ được TP Đà Nẵng ban hành nhiều, tại sao số DN phải giải thể, dừng hoạt động lại lớn?

Theo Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Đà Nẵng, thời gian qua chính quyền TP đã bàn hành hàng loạt cơ chế, chính sách như: chính sách cho vay đầu tư của Quỹ Đầu tư phát triển TP Đà Nẵng; chính sách hỗ trợ lãi suất; chính sách hỗ trợ DN đổi mới công nghệ; chính sách hỗ trợ DN tiếp nhận lao động vào đào tạo và giải quyết việc làm; chính sách hỗ trợ phát triển CNTT; chính sách khuyến công; chính sách phát triển sản xuất sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch; chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Tuy nhiên ông Trần Chí Cường cho hay: “Hiệu quả thực thi các cơ chế, chính sách hỗ trợ DN đã ban hành chưa cao; một số chính sách ban hành nhiều năm nhưng chưa có DN thụ hưởng. Công tác thông tin tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn để DN tiếp cận chính sách chưa rộng rãi; các chính sách nằm rải rác, manh mún ở nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau; các hồ sơ thủ tục thực hiện còn rườm rà, phức tạp”.

Qua đó, ông Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Đà Nẵng nhấn mạnh: “Nhiều ý kiến cho rằng điều này đã phần nào làm suy giảm niềm tin của các DN đối với các cơ chế, chính sách hỗ trợ của TP được ban hành, nhất là trong giai đoạn DN đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay”.

Việc tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp còn chậm

Theo ông Nguyễn Nho Trung, tình hình sụt giảm của Đà Nẵng trong năm 2020 là do những hậu quả vô cùng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 và thiên tai bão lụt… đã tác động rất lớn đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà TP Đà Nẵng đã đặt ra. Tuy nhiên ông cũng chỉ rõ, sự sa sút của Đà Nẵng thời gian qua còn bắt nguồn từ những nguyên nhân chủ quan.

“Một số chủ trương lớn chưa được triển khai hiệu quả, việc tháo gỡ vướng mắc cho DN tuy có chuyển biến nhưng vẫn còn chậm!” – Ông Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng có chung nhận định với ông Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.

Ông Nguyễn Nho Trung, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng khóa IX phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 16 sáng 7/12

Ông Nguyễn Nho Trung, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng khóa IX phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 16 sáng 7/12

Cùng với đó, ông cũng chỉ ra thêm các nguyên nhân như “giải ngân đầu tư công dù đã rất nỗ lực nhưng con số đến thời điểm này còn khá khiêm tốn so với kế hoạch; các bức xúc kéo dài trên một số lĩnh vực đời sống xã hội như ô nhiễm môi trường, an ninh nguồn nước, ùn tắc giao thông chưa được xử lý dứt điểm, trật tự xã hội còn diễn biến phức tạp; tinh thần trách nhiệm, tâm huyết vì sự phát triển của TP trong một số cán bộ, công chức chưa cao”.

Theo ông Trần Chí Cường, nhiệm vụ đặt ra cho TP Đà Nẵng trong thời gian tới là tiếp tục kiên định thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội. Xem việc chống dịch hiệu quả trong bối cảnh mới là nền tảng, là giải pháp căn cơ để kinh tế TP phát triển ổn định, bền vững.

Ông kiến nghị chính quyền TP Đà Nẵng cần tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu hiệu quả các ngành kinh tế; tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, thông thoáng; tạo hành lang pháp lý an toàn; tăng cường thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao và nền kinh tế số.

Rà soát, đánh giá, nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung, tích hợp, xâu chuỗi đầu mối, nâng cao hiệu quả các chính sách hỗ trợ DN do chính quyền TP ban hành. Tiến hành khảo sát giá thị trường, đề xuất việc bổ sung, điều chỉnh bảng giá đất trên địa bàn TP theo quy định.

Kiến nghị TP Đà Nẵng quyết tâm đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2021 trên 6%

Về tốc độ tăng trưởng GRDP của Đà Nẵng năm 2021, có 03 kịch bản dự báo tăng GRDP 8.5-9%; 5-6%; 3-3,5%. Trong đó, UBND TP Đà Nẵng đề nghị chọn kịch bản 2. Theo Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Đà Nẵng thì đề nghị này là phù hợp trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, năm 2020 cả nước tăng trưởng dương 2%; Chính phủ đặt mục tiêu 2021 tiếp tục tăng khoảng 6%.

Trong khi đó, năm 2020 TP Đà Nẵng đã sụt giảm âm 9,77%, tính trong tương quan GDP cả nước, nếu năm 2021 chỉ tăng từ 5-6% so với năm 2020 thì tốc độ tăng trưởng này sẽ tạo ra áp lực sụt giảm khá xa so với tốc độ chung. Do vậy Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Đà Nẵng HĐND TP xem xét đặt mục tiêu quyết tâm phấn đấu năm 2021 đạt tốc độ tăng trưởng trên 6%.

Tại kỳ họp, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Đà Nẵng cũng kiến nghị khẩn trương hoàn thành công tác đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư 03 KCN mới (Hòa Cầm - giai đoạn 2, Hòa Ninh, Hòa Nhơn) theo hướng KCN đô thị, dịch vụ, sinh thái. Hoàn thành và sớm đưa cụm công nghiệp Cẩm Lệ đi vào hoạt động theo tiến độ đã cam kết; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ giải tỏa đền bù và đầu tư 03 cụm công nghiệp còn lại (Hòa Nhơn, Hòa Khánh Nam, Hòa Hiệp Bắc).

Hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và thu hút các nhà đầu tư có năng lực, uy tín, kinh nghiệm theo hướng đồng bộ, hiện đại và thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù đối với Khu công nghệ cao. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đã trao Thông báo nghiên cứu đầu tư tại “Tọa đàm Mùa Xuân năm 2019”; chú trọng công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ thông qua việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp triển khai dự án đầu tư.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Đà Nẵng là điểm đến an toàn, tạo sự an tâm cho du khách quay lại Đà Nẵng. Thực hiện có hiệu quả các Chương trình kích cầu du lịch nội địa, nhất là trong dịp lễ, tết và Năm mới Tân Sửu 2021. Nghiên cứu tổ chức các sự kiện lễ hội, văn hóa - thể thao, khởi động Lễ hội pháo hoa quốc tế 2021 để thu hút du khách.

Sớm hình thành sản phẩm du lịch mới, sản phẩm du lịch Vịnh Đà Nẵng, sản phẩm du lịch đường sông. Nhanh chóng đưa vào khai thác các tuyến du lịch đêm gắn với các điểm vui chơi giải trí về đêm. Nghiên cứu hỗ trợ, khuyến khích một số cơ sở kinh doanh dịch vụ vui chơi, giải trí ban đêm được thí điểm kéo dài thời gian phục vụ khách. Tập trung tháo gỡ các vướng mắc về đất đai, kêu gọi và có chính sách ưu đãi cho một số nhà đầu tư lớn có thể triển khai dự án trong giai đoạn khó khăn, nhất là tập trung các dự án có thể tạo cú hích thu hút khách.

Xúc tiến nhanh các dự án, đặc biệt là điều kiện về đất đai để sớm triển khai các dự án về CNTT như: Khu đô thị sáng tạo tại Hòa Xuân, Khu Danang Bay, Dự án Viettel; đẩy nhanh thực hiện dự án Khu Công viên phần mềm số 2. Tập trung kêu gọi thu hút đầu tư vào Khu CNTT tập trung tại Hòa Liên. Triển khai đồng bộ, có hiệu quả Đề án “Thành phố thông minh”, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, chính quyền số, xã hội số. Áp dụng hiệu quả các phần mềm ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội…

Hải Châu
Theo https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/kinh-doanh/da-nang-doanh-nghiep-suy-giam-niem-tin-doi-voi-cac-co-che-chinh-sach-ho-tro-cua-thanh-pho/20201207010019372