Ngày 5/11, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức Diễn đàn “Đẩy mạnh chiến lược thị trường sản phẩm cho các doanh nghiệp Việt Nam thập kỷ 2020 - 2030”.
Tại diễn đàn, các đại biểu nhận định, trong những năm tới, nền kinh tế Việt Nam và cả thế giới sẽ chịu tác động của các xu thế chính trị, xu hướng già hóa dân số, cách mạng công nghệ 4.0, xu thế hình thành và gia tăng tính kết nối khu vực... Ngoài ra, sự biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng. Đặc biệt, từ đầu năm 2020, dịch bệnh Covid-19 đã và đang bùng phát trên hơn 200 quốc gia, đã để lại tác động nặng nề lên nền kinh tế và xã hội trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Dịch Covid-19 đã làm đứt gãy một số chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào và tiêu thụ đầu ra sản phẩm của doanh nghiệp; gây ra tổn thất nặng nề đối với ngành du lịch và thậm chí có thể kéo đến cuộc khủng hoảng kinh tế trên phạm vi toàn cầu.
Phát biểu tại diễn đàn, bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương), khẳng định Việt Nam rất có tiềm năng phát triển kinh tế số. Quy mô nền kinh tế số Việt Nam đứng hàng đầu Đông Nam Á và chỉ đứng sau Indonesia. Thương mại điện tử đang là cấu phần quan trọng của kinh tế số. Tốc độ tăng trưởng trên 25%, tiếp tục tăng trưởng trong 5 năm tới. Du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến và gọi xe trực tuyến… đang là xu hướng tiêu dùng công nghệ. Đây là cơ hội cho phát triển kinh tế số, đặc biệt trong bối cảnh COVID-19 thì đây là hướng đi tốt nhất cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất cho các doanh nghiệp đó là nguồn nhân lực có kỹ năng số, theo dự đoán năm 2020 Việt Nam thiếu khoảng 500.000 chuyên gia trong lĩnh vực dữ liệu.
Ông Vũ Xuân Trường, Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cho biết hiện nay Việt Nam có khoảng 500.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó 90% là doanh nghiệp nhỏ. Trước đây, các doanh nghiệp nhỏ chưa quan tâm đến tầm nhìn chiến lược, bởi họ còn phải "chạy ăn từng bữa", tuy nhiên 3 - 5 năm nay tư duy này đã thay đổi.
Theo ông Vũ Xuân Trường doanh nghiệp phải coi thương hiệu là vũ khí cạnh tranh và đổi mới tư duy về lĩnh vực này. Cùng với đó là thay đổi cách nhìn từ các lãnh đạo trong quản trị doanh nghiệp và coi mỗi nhân viên là một điểm tiếp xúc thương hiệu.
Trong phần thảo luận mở, các chuyên gia, các nhà khoa học tham dự đóng góp nhiều ý kiến, nhận xét, thảo luận, phân tích kinh nghiệm của một số doanh nghiệp trong nước; xây dựng, phát triển nền kinh tế số; doanh nghiệp sẽ theo đuổi chiến lược kinh doanh số thế nào, cần đầu tư bao nhiêu để đủ cho một doanh nghiệp thương mại điện tử; doanh nghiệp phải lựa chọn mô hình kinh doanh nào, cần thay đổi những gì để phù hợp với kinh doanh số trong bối cảnh mới.
Diễn đàn đã thảo luận về những chiến lược thương hiệu cho doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường mở, đặc biệt là sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng trong bối cảnh COVID-19. Theo đó, những sản phẩm liên quan đến sức khỏe, gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững được đánh giá sẽ chiếm ưu thế trong tương lai./.
Thanh Thúy