Tăng trưởng nhanh nhưng chưa bền vững

Đánh giá tổng thể tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2011-2020, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nền kinh tế có mức tăng trưởng khá tốt, chất lượng tăng trưởng được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, tăng trưởng khá nhanh song chưa bền vững, nhân tố đột phá chưa xuất hiện, hoặc có nhưng còn mờ nhạt, cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm và chưa đi vào chiều sâu. Hoạt động đổi mới, sáng tạo còn nhiều hạn chế và chưa phát huy, tận dụng được nhiều cơ hội phát triển trong bối cảnh Cách mạnh công nghiệp 4.0.

“Kinh tế Việt Nam phát triển từ nước có thu nhập thấp lên nước có thu nhập trung bình thấp từ năm 2009, nhưng công nghệ, máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất chưa được đầu tư cải tiến, chưa có nhiều mô hình, hình thái kinh tế mới (có ứng dụng công nghệ cao) được áp dụng hiệu quả tại Việt Nam do thể chế, nhận thức, hạ tầng cơ sở kỹ thuật còn bất cập, không đồng bộ và phân bổ nguồn lực đầu tư chưa hợp lý”, TS. Cấn Văn Lực chỉ rõ.

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thời gian qua khá nhanh song chưa bền vững. Ảnh minh họa.

Trong khi đó, hoạt động đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu và phát triển trong doanh nghiệp vẫn còn hạn chế. Theo TS. Lực, để đến năm 2030 trở thành quốc gia đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đột phá đầu tiên và quan trọng nhất là phải đẩy nhanh hoàn thiện hệ thống thể chế kinh tế, gắn với cải cách thực chất thủ tục hành chính hướng tới lợi ích của doanh nghiệp, của nhà đầu tư và người dân.

“Cởi trói mọi bó buộc của các quy định không phù hợp để tạo môi trường đầu tư - kinh doanh hấp dẫn, lành mạnh, công bằng. Đồng thời, cần quyết tâm xây dựng bộ máy quản lý gọn nhẹ, với đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức, liêm chính, tinh thần kiến tạo, có năng lực chuyên môn, sáng tạo, hết lòng phụng sự”, TS. Lực nêu ý kiến.

Bên cạnh đó, cần phát triển nguồn nhân lực có tri thức hiện đại, có kỹ năng, giàu động lực sáng tạo, mạnh dạn chấp nhận rủi ro. Nguồn nhân lực tới đây còn phải là những con người hành động, dám nghĩ, dám làm, tinh thần sáng tạo, đổi mới gắn với khởi nghiệp, dám chấp nhận thất bại để từ đó rút ra bài học kinh nghiệm để làm tốt hơn.

Theo TS. Cấn Văn Lực, trong 10 năm tới cần phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại, có tầm nhìn và chất lượng, có khả năng ứng dụng công nghệ cao, vận hành và quản lý dựa trên nền tảng dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, gắn liền với mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất và sức cạnh tranh của nền kinh tế, tận dụng tốt thời cơ đến từ xu hướng kinh tế số, xã hội số và các hình thái kinh tế mới.

“Cần phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, như một động lực mềm gắn kết, bền vững. Tôi vẫn nhớ một câu nói của một tập đoàn công nghiệp hàng đầu của Hàn Quốc từ những năm 1990 nay vẫn còn nguyên giá trị, đó là: “tài nguyên luôn có hạn, sáng tạo của con người là vô hạn”. Phải chăng đã đến lúc, Việt Nam chúng ta cần truyền tải và thực thi tinh thần đó?”, TS. Cấn Văn Lực đặt vấn đề.

Phải tạo ra những “dư địa” tăng trưởng mới

Còn theo GS. TS. Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, chuyển đổi mô hình tăng trưởng cần được xác định là một quá trình thường xuyên để nền kinh tế luôn năng động, liên tục có cải thiện về năng lực cạnh tranh, sức chống chịu với các cú sốc từ bên ngoài, từ nội tại nền kinh tế luôn tạo ra được những “dư địa” tăng trưởng mới.

GS. TS. Trần Thọ Đạt cho rằng, tăng trưởng kinh tế trong thời gian qua đã cao hơn giai đoạn trước nhưng chưa đủ để thu hẹp khoảng cách về thu nhập với các nước trong khu vực; tăng năng suất lao động chủ yếu vẫn do tăng vốn đầu tư và sử dụng lao động chi phí thấp.

“Chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào đầu tư nước ngoài, đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp và tăng trưởng năng suất lao động chưa bền vững. Hơn nữa, đối với các ngành được coi là thế mạnh của Việt Nam hiện nay (điện tử, dệt may, da giày, du lịch, thủy sản), chúng ta vẫn chủ yếu đang hoạt động ở phân khúc thấp trong chuỗi giá trị, nơi tạo ra giá trị gia tăng thấp”, GS. TS. Trần Thọ Đạt nêu rõ.

Do đó, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa mô hình tăng trưởng để tăng sức cạnh tranh, sức chống chịu của nền kinh tế vẫn tiếp tục là sự lựa chọn, là định hướng và việc phải làm hiện nay cũng như giai đoạn tới.

“Mô hình tăng trưởng trên cơ sở sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tiến bộ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là đẩy mạnh đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ tạo nền tảng thúc đẩy sự phát triển của những ngành mới, lĩnh vực mới, nhất là kinh tế số, xã hội số và chính phủ số, đó là những định hướng rất trúng và đúng về mô hình tăng trưởng của ta trong thời gian tới để đảm bảo duy trì được tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững”, GS. TS. Trần Thọ Đạt nhấn mạnh.

Theo GS. TS. Trần Thọ Đạt, Đảng và Nhà nước đã luôn quan tâm, sớm có nhiều chủ trương, giải pháp thúc đẩy áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ tạo nền tảng thúc đẩy sự phát triển của những ngành mới, lĩnh vực mới, nhất là kinh tế số, xã hội số và chính phủ số để làm cơ sở duy trì tăng trưởng cao trong một thời gian dài.

“Trong vai trò dẫn dắt phát triển của kinh tế số, có hai nhiệm vụ quan trọng là chiến lược phát triển kinh tế số và quản lý nhà nước về kinh tế số. Nhà nước cần là một bên tham gia “chủ động và đi đầu”, một người dùng tiên phong trong nền kinh tế số quốc gia. Việt Nam với một nền kinh tế năng động và dễ thích ứng, và với lợi thế của người đi sau sẽ có cơ hội có thể “đi tắt, đón đầu” trong việc chuyển đổi thành công từ nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế số”, GS. TS. Trần Thọ Đạt khuyến nghị.

Theo https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/doi-moi-mo-hinh-tang-truong-de-tang-suc-chong-chiu-cua-nen-kinh-te/20210123022041544