Trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu gia tăng, nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới đang đẩy mạnh việc chuyển dịch hoạt động sản xuất và đầu tư sang các quốc gia Đông Nam Á. Theo các chuyên gia từ tờ Wall Street Journal, xu hướng này không chỉ mở ra cơ hội phát triển kinh tế cho khu vực, mà còn giúp các nước như Việt Nam tiến lên vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Điểm đến mới của các hoạt động đầu tư công nghệ bán dẫn
Theo công ty nghiên cứu S&P, các tập đoàn công nghệ lớn hiện nay không chỉ dịch chuyển các hoạt động lắp ráp, mà còn chủ động đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất linh kiện như cảm biến, bảng mạch in và thiết bị điện tử tại Đông Nam Á. Các nhà phân tích cho biết, những khoản đầu tư lớn này đang báo hiệu rằng Đông Nam Á sẽ trở thành điểm đến lâu dài và bền vững trong các hoạt động sản xuất công nghệ.
Trong những năm gần đây, các tập đoàn công nghệ hàng đầu như Intel, Infineon Technologies và Micron Technology đã đầu tư hàng tỷ USD vào các quốc gia như Malaysia và Singapore. Trong khi đó, nhà sản xuất máy tính xách tay hàng đầu thế giới HP đã mở rộng cơ sở sản xuất tại Thái Lan.
Không chỉ các công ty phương Tây, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc cũng đang chuyển dịch hoạt động sản xuất sang Đông Nam Á. Theo khảo sát Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc, có tới 30% doanh nghiệp tại nước này cho biết họ đang cân nhắc hoặc đã bắt đầu chuyển sản xuất sang các nước lân cận, và khoảng 25% công ty công nghệ cho biết họ đã bắt đầu các hoạt động dịch chuyển.
Trong đó có công ty Eoptolink Technology, nhà sản xuất máy thu phát quang cho các trung tâm dữ liệu AI, đã mở rộng nhà máy tại Thái Lan để đáp ứng nhu cầu của khách hàng quốc tế như Meta và Amazon. Tương tự, tập đoàn công nghệ Vital New Material có trụ sở tại Thâm Quyến gần đây đã thành lập các công ty con tại Đông Nam Á để đa dạng hóa nguồn nhân lực.
Chính những khoản đầu tư này đã thúc đẩy sự phát triển của các ngành sản xuất sản phẩm điện tử tại Đông Nam Á. Trong năm 2024, kim ngạch xuất khẩu chất bán dẫn, máy tính và các sản phẩm điện tử khác của Malaysia đã đạt mức kỷ lục 137 tỷ USD, với hoạt động xuất khẩu sang Mỹ đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể.
Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu máy tính xách tay của Thái Lan đã tăng gần gấp 8 lần trong bốn năm qua, nhờ vào sự hợp tác chặt chẽ với các tập đoàn công nghệ lớn như HP, Quanta và Inventec. Đáng chú ý, theo trang thông tin Trendforce, Việt Nam được dự báo sẽ chiếm 6% thị phần máy tính xách tay toàn cầu trong năm nay, qua những nỗ lực hợp tác với các "ông lớn" như Dell và Apple.
Việt Nam: "Ngôi sao sáng" trong ngành công nghiệp bán dẫn
Wall Street Journal nhận định, Việt Nam là một trong những quốc gia hưởng lợi lớn nhất từ xu hướng dịch chuyển sản xuất và đầu tư từ các tập đoàn công nghệ lớn. Tờ báo này cũng đặc biệt đánh giá cao những nỗ lực của chính phủ Việt Nam trong việc đầu tư và thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn, như việc tổ chức các hội thảo, đề xuất giảm thuế và mục tiêu đào tạo 50.000 nhân sự để hỗ trợ ngành này.
Chính nhờ những nỗ lực đó đã giúp Việt Nam trở thành điểm đến tiếp theo của "gã khổng lồ công nghệ" NVIDIA. Vào tháng 12/2024, tập đoàn này đã thông báo sẽ mở trung tâm nghiên cứu và phát triển chip bán dẫn tại Việt Nam.
Marvell Technology, tập đoàn chuyên thiết kế chip cao cấp cho ngành ô tô và điện toán đám mây, cũng đang mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Theo Tiến sĩ Lê Quang Đạm, Tổng giám đốc Marvell Technology tại Việt Nam, tập đoàn này đã tăng số lượng kỹ sư công nghệ từ 300 lên gần 470 người trong năm 2024 và dự kiến sẽ tuyển dụng thêm 20% nhân lực mỗi năm.
Trong năm 2023, tập đoàn công nghệ Amkor Technology (Hàn Quốc) USD đã công bố khoản đầu tư 1,6 tỷ USD để xây dựng một nhà máy rộng 200.000m² tại Việt Nam, nơi sẽ phát triển công nghệ đóng gói bán dẫn tiên tiến.
Sau khi Samsung Display thành lập nhà máy OLED trị giá khoảng 1,7 tỷ USD tại Việt Nam, một số nguồn tin của tờ Chosun Daily cho biết, bộ phận bán dẫn (DS) của tập đoàn này cũng đang có ý định mở rộng đầu tư vào nước ta. Tờ Chosun Daily cũng đề cập rằng, hoạt động này cũng khuyến khích các công ty đối tác của Samsung tăng cường đầu tư vào Việt Nam.
Ông Stephen Bates - Giám đốc tư vấn giao dịch tại Công ty tài chính KPMG ở Singapore - nhận định: "ASEAN tiếp tục là trung tâm chính trong lĩnh vực sản xuất điện tử và điện, thu hút FDI đáng kể từ các gã khổng lồ công nghệ toàn cầu”.
Ông Bates cũng nói thêm rằng, đầu tư vào sản xuất điện tử có giá trị gia tăng cao, chẳng hạn như chất bán dẫn và màn hình, có thể thúc đẩy đổi mới và thịnh vượng kinh tế. Đồng thời, chuyên gia này đã dành lời khen tới các quốc gia Đông Nam Á, vì đã tích cực thúc đẩy quan hệ đối tác công tư, qua đó, thu hút vốn đầu tư tư nhân và đẩy nhanh phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ trên khắp khu vực.