Trong nỗ lực mới nhất nhằm thu hút và giữ chân đầu tư từ nước ngoài, Trung Quốc đã cam kết cho phép các công ty nước ngoài tham gia nhiều hơn vào các lĩnh vực bao gồm viễn thông, y tế và giáo dục trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị ngày càng có xu hướng xấu đi.

Theo kế hoạch hành động đến năm 2025 gồm 20 điểm của Bộ Thương mại và Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia được công bố ngày 18/2/2025, Trung Quốc sẽ mở rộng phạm vi các ngành công nghiệp mà nước ngoài có thể đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi cho việc tài trợ của họ tại quốc gia này.

Ví dụ: Kế hoạch cho biết Trung Quốc sẽ thúc đẩy việc mở cửa có trật tự lĩnh vực y sinh và hỗ trợ các công ty nước ngoài đủ tiêu chuẩn tham gia sản xuất các sản phẩm sinh học. Nước này cũng sẽ xây dựng các biện pháp mở cửa lĩnh vực văn hóa và giáo dục mà không cần điều kiện bổ sung.

Trung Quốc hiện không cho phép các tổ chức giáo dục mầm non, trung học và đại học 100% vốn nước ngoài hoạt động tại đây. Quốc gia này cũng cấm đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực xuất bản, sản xuất tin tức và làm phim.

Theo kế hoạch, chính phủ Trung Quốc sẽ hướng dẫn đầu tư nước ngoài “phục vụ sự phát triển chất lượng cao” của ngành sản xuất Trung Quốc; đồng thời ưu tiên sự tham gia nhiều hơn vào các tỉnh miền Trung, miền Tây và Đông Bắc.

Trung Quốc cũng sẽ đảm bảo rằng hàng hóa do các doanh nghiệp nước ngoài sản xuất tại Trung Quốc sẽ được đối xử giống như hàng hóa của các nhà sản xuất trong nước trong lĩnh vực mua sắm công của chính phủ.

Kế hoạch cho biết, các công ty nước ngoài cũng sẽ được khuyến khích thành lập các công ty con định hướng đầu tư tại Trung Quốc và chính quyền sẽ giúp tạo điều kiện thuận lợi cho họ trong việc quản lý ngoại hối cũng như nhân sự và luồng dữ liệu xuyên biên giới, đồng thời khuyến khích họ đầu tư vào các công ty niêm yết của Trung Quốc.

Các tổ chức tài chính trong nước sẽ được khuyến khích cung cấp nhiều dịch vụ tài chính hơn cho các công ty nước ngoài.

Các biện pháp mới này tiếp nối những động thái tương tự vào năm ngoái trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và viễn thông, khi Bắc Kinh tuyên bố sẽ cho phép thành lập các bệnh viện 100% vốn nước ngoài ở một số thành phố lớn.

Đồng thời, các hạn chế về sở hữu nước ngoài đối với dịch vụ đám mây và các dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng khác được cung cấp tại các khu thí điểm trong nước, đặc biệt là ở các khu vực trọng điểm như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến ở tỉnh Quảng Đông và tỉnh Hải Nam cũng được gỡ bỏ.

Kế hoạch mới cho biết Trung Quốc sẽ tiếp tục mở rộng các khu thí điểm về chăm sóc sức khỏe và viễn thông.

Theo dữ liệu từ Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước, Trung Quốc đã ghi nhận dòng vốn đầu tư nước ngoài ròng là 4,5 tỷ USD vào năm ngoái, giảm 89% so với năm 2023.

Một phát ngôn viên của chính quyền cho rằng sự sụt giảm này là do các doanh nghiệp nước ngoài tăng cường vay nợ ở Trung Quốc trong khi trả các khoản vay nước ngoài, tận dụng chi phí vay bằng đồng Nhân dân tệ thấp hơn so với việc vay đô la Mỹ.

Trong một diễn biến khác, hôm nay (ngày 20/2),Trung Quốc giữ nguyên lãi suất cho vay chuẩn, cho thấy các nhà chức trách đang rất từ tốn trong việc kích thích tiền tệ khi họ ưu tiên ổn định tài chính và tiền tệ.

Đồng Nhân dân tệ suy yếu và biên lãi ròng tại các ngân hàng thương mại bị thu hẹp đã hạn chế phạm vi nới lỏng tiền tệ của Trung Quốc vào thời điểm nước này đang phải đối mặt với căng thẳng thương mại với chính quyền mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn một năm (LPR) được giữ ở mức 3,10%, trong khi LPR kỳ hạn 5 năm không đổi ở mức 3,60%.

Các ngân hàng Trung Quốc đã cho vay mới 5,13 nghìn tỷ Nhân dân tệ (704,35 tỷ USD) trong tháng 1/2025, nhiều hơn gấp 4 lần con số tháng 12/2024, vượt dự báo của các nhà phân tích.

Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái, tốc độ tăng trưởng cho vay này đạt mức thấp kỷ lục, cho thấy nhu cầu tín dụng vẫn chậm chạp trong bối cảnh kinh tế bất ổn.

Đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc đã mất giá 2,4% so với đồng USD kể từ chiến thắng bầu cử của ông Donald Trump vào tháng 11/2024.

Ngân hàng trung ương của Trung Quốc tuần trước cho biết họ sẽ điều chỉnh chính sách tiền tệ vào thời điểm thích hợp để hỗ trợ nền kinh tế, trong bối cảnh những cơn gió ngược bên ngoài đang gia tăng, đặc biệt do mối đe dọa leo thang chiến tranh thương mại với Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Ông Trump đã công bố mức thuế 10% đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc như một phần trong kế hoạch lớn nhằm cải thiện cán cân thương mại của Mỹ.

Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Donald Trump, một loạt thông báo thuế quan ăn miếng trả miếng giữa Mỹ và Trung Quốc đã khiến đồng Nhân dân tệ giảm hơn 12% so với đồng USD trong khoảng thời gian từ tháng 3/2018 đến tháng 5/2020.

Theo V.A/thitruongtaichinhtiente.vn
Theo https://tapchitaichinh.vn/trung-quoc-mo-rong-cac-linh-vuc-chao-don-dau-tu-tu-nuoc-ngoai.html