Tại Hội thảo "Kinh tế Việt Nam năm 2020 và Triển vọng 2021: Cải cách, hội nhập và phát triển bền vững" do CIEM tổ chức sáng 15/01/2021 tại Hà Nội, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp - CIEM cho biết: Kinh tế toàn cầu trong nửa cuối năm 2020 tiếp tục bị ảnh hưởng bởi diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch COVID-19. Trong bối cảnh ấy, công tác chỉ đạo và điều hành năm 2020 của Chính phủ đã thể hiện những bước chuyển phù hợp, linh hoạt, song kiên định với “mục tiêu kép”. Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh vẫn là nhiệm vụ xuyên suốt trong cả năm 2020. Trong khi đó, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước còn nhiều hạn chế và chưa hoàn thành một số mục tiêu. Giai đoạn 6 tháng cuối năm 2020, chứng kiến diễn biến khá sôi động về hội nhập kinh tế quốc tế như Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực, ký kết Hiệp định RCEP và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len UKVFTA.

Dẫn số liệu trong báo cáo Kinh tế Việt Nam năm 2020 và triển vọng năm 2021, ông Dương thông tin: Tốc độ tăng GDP đạt 2,91% trong năm 2020, số liệu tăng trưởng 6 tháng cuối năm đã cho thấy sự phục hồi đáng kể so với 6 tháng đầu năm. Kết quả tăng trưởng của Việt Nam ít nhiều được đánh giá khá tích cực.


Quang cảnh Hội thảo "Kinh tế Việt Nam năm 2020 và Triển vọng 2021: Cải cách, hội nhập và phát triển bền vững" do CIEM tổ chức sáng 15/01/2021 tại Hà Nội.

Dự báo về tăng trưởng GDP trong năm 2021, báo cáo của CIEM đưa ra 2 kịch bản. Theo đó, tăng trưởng kinh tế năm 2021 có thể đạt mức 5,98% theo kịch bản 1, và 6,46% trong kịch bản 2. Cả hai kịch bản này đều thấp hơn mục tiêu tăng trưởng khoảng 6,5% do Chính phủ đặt ra (trong khi Quốc hội giao là 6%).

Trong khi đó, mới đây, các chuyên gia của trường Đại học Ngân hàng TP.HCM dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021 vẫn ở mức 6%, và đây sẽ là năm bản lề mà kinh tế Việt Nam tận dụng thời cơ trong nguy khó để hướng đến phát triển mạnh mẽ trong 2 năm tới, khi thế giới hồi phục.

Trong báo cáo vừa phát hành, các chuyên gia phân tích của Ngân hàng UOB cũng cho rằng, tăng trưởng kinh tế của Việt nam phục hồi mạnh ở quý 4/2020 đã tạo thêm tín hiệu lạc quan cho năm 2021. Theo đó, UOB dự đoán tăng trưởng kinh tế đạt 7,1% trong năm nay, nhờ mức tăng trưởng thấp năm 2020 cũng như những yếu tố thuận lợi như các thỏa thuận tự do thương mại đã ký kết thời gian gần đây.

Không quá chủ quan, tự mãn

Đánh giá về kịch bản tăng trưởng GDP của CIEM, TS. Võ Trí Thành cho biết, Chính phủ dù lạc quan nhưng vẫn thận trọng trong việc đánh giá khả năng tăng trưởng kinh tế năm 2021 là 6,5%. Dự báo của CIEM là một trong những dự báo khá thận trọng sau những dự báo về tăng trưởng GDP năm 2020 tương đối chính xác.

"Nếu nhìn vào những dự báo trong và ngoài nước thì đa số đều dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng trên 6,5%, thậm chí có tổ chức còn dự báo tăng tới 8%. Ý của tôi không phải là con số tăng trưởng mà điều tôi quan tâm đằng sau con số là tăng trưởng trong thay đổi, tăng trưởng trong cải cách, tăng trưởng để thích ứng với xu thế mới, tăng trưởng trong quản trị doanh nghiệp. Tức là là chất lượng tăng trưởng thế nào, cải cách thế nào, quản trị rủi ro ra sao, trong bối cảnh thế giới bất định", TS. Võ Trí Thành nói.

Bình luận về nhận định của TS.Võ Trí Thành, TS.Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng CIEM cho biết, để có những con số thực sự khoa học và có định lượng, CIEM đã dựa trên những phân tích có cơ sở. Dự báo của CIEM về tăng trưởng kinh tế qua nhiều báo cáo đều cho thấy rất sát. Dự báo của CIEM về GDP và các chỉ tiêu kinh tế khác dựa trên những phân tích về rủi ro trong năm nay. Đó là khả năng tiếp cận vắc xin, rủi ro phục hồi kinh tế không đều ở các thị trường đối tác, xu hướng nới lỏng tiền tệ và giảm giá đồng nội tệ ở nhiều nước khác tại châu Á trong bối cảnh Covid-19, và sự gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại ở những nước nhập khẩu.

Trong khi đó, PGS.TS. Lê Xuân Bá - nguyên Viện trưởng CIEM đưa ra cảnh báo, không nên quá chủ quan, tự mãn trong bối cảnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp với việc xuất hiện biến thể mới.

"Nếu đâu đó có tư tưởng này thì tôi nghĩ sẽ phải trả giá đắt. Chúng ta có thành tựu tăng trưởng tốt trong năm vừa qua nhưng cũng không nên chủ quan. Theo đó, trong năm 2021 và những năm tiếp theo, dĩ nhiên việc đầu tiên vẫn phải chú ý đến là khống chế và kiểm soát dịch Covid-19. Đừng nên tham bát bỏ mâm, bởi gần đây tôi quan sát thấy dường như có hiện tượng cứ mở toang ra, hàng không khắp nơi, du lịch khắp nơi. Tôi cho rằng, đừng vì lợi ích trước mắt mà phải đi sau giải quyết hậu quả", nguyên Viện trưởng CIEM phát biểu.

Theo ông Lê Xuân Bá, điều căn cơ nhất, vừa là trước mắt, vừa là lâu dài, đó là tiếp tục đẩy mạnh đổi mới thế chế. Nói đến đổi mới thể chế là phải nói đến luật pháp chính sách sao cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam cũng như xu hướng của thế giới. Nói đến đổi mới thể chế là nói đến cải cách bộ máy Nhà nước sao cho tinh gọn, hiệu quả. Cải cách thể chế tốt sẽ có môi trường kinh doanh tốt, doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi. Có thể chế tốt sẽ có đầu tư công tốt, nhân lực tốt, khoa học - công nghệ tốt. Còn nếu thể chế không tốt thì những cái khác cũng không tốt.

Ngoài ra, ông Bá cho rằng, việc tiếp tục tìm cách thu hút FDI là cần thiết và tất nhiên là thu hút FDI chất lượng. Tuy vậy, ông nhấn mạnh cần phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển mạnh. Bên cạnh chính sách hỗ trợ phát triển DNNVV thì cần phải tạo điều kiện để hình thành các DN của Việt Nam.

Việc chú trọng hơn nữa đến nông nghiệp, nhất là trong bối cảnh thế giới bất định, đồng thời nên tìm đủ mọi cách để duy trì và mở rộng các thị trường truyền thống, tránh để mất thị trường cũng được ông Bá lưu tâm.

Nguyệt Minh
Theo https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/du-bao-tang-truong-gdp-nam-2021-thap-hon-6-5-tan-dung-thoi-co-trong-nguy-kho/20210115031114711