Vị thế Việt Nam trên đường hội nhập

Năm 2020 đã chứng kiến sự trụ vững thành công của kinh tế Việt Nam trong bối cảnh tăng trưởng âm hầu khắp thế giới do đại dịch COVID-19. Theo dự báo của nhiều tổ chức quốc tế, năm 2021, kinh tế Việt Nam sẽ lấy lại đà phục hồi ấn tượng từ 5,8 đến trên 6%.

Để đạt được mục tiêu này, tại cuộc họp Chính phủ đầu tháng 2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh phải thúc đẩy cả 3 không gian kinh tế ngay trong 6 tháng đầu năm nay: kinh tế trong nước với thị trường gần 100 triệu dân, kinh tế quốc tế với hội nhập được đẩy mạnh và kinh tế số. Trong đó, kinh tế quốc tế với hội nhập đang cho thấy vị thế ngày càng vững chắc của Việt Nam trong dòng chảy thương mại toàn cầu.

Việt Nam được đánh giá là tâm điểm của các dòng chảy với 14 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực. Những kết quả này có được là nhờ định hướng chiến lược lớn của Đảng và Nhà nước về "chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực", tự cường trên "Đại lộ" hội nhập.

FTA “mở toang” cánh cửa giúp Việt Nam hội nhập quốc tế - Ảnh 1.

Năm 2020 đầy khó khăn nhưng lại chính là cơ hội để Việt Nam thử sức với những FTA chất lượng cao, độ mở lớn. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)

Với 14 Hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực, Việt Nam có thể tiếp cận gần 60 quốc gia có tổng GDP chiếm gần 90% GDP thế giới. Trong đó phải kể đến các Hiệp định thương mại có quy mô lớn như: Liên minh kinh tế Á - Âu, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định EVFTA, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) - hiệp định thương mại lớn nhất thế giới tiếp cận với thị trường 2,2 tỷ người, chiếm 30% GDP toàn cầu…

FTA thúc đẩy chuyển đổi sản xuất chất lượng cao

Các FTA thế hệ mới với tiêu chuẩn cao góp phần đưa Việt Nam trở thành một "mắt xích" quan trọng trong mạng lưới liên kết với các nền kinh tế hàng đầu và chuỗi giá trị toàn cầu.

Riêng trong năm nay, thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy, trị giá hàng xuất khẩu đều duy trì qua các tháng từ 2 - 5,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây tiếp tục là điểm tựa cho tăng trưởng xuất khẩu năm 2021.

Có thể thấy, dù một năm khó khăn do dịch, nhưng chúng ta lại thấy rõ hơn sự chuyển mình của các doanh nghiệp, của những nông dân biết áp dụng công nghệ cao, nắm bắt thị trường.

 

Một năm chao đảo cả đầu ra và đầu vào do đại dịch với ngành dệt may. Việc tái cấu trúc không chỉ tính theo tháng, theo tuần, mà thực tế, việc tái cấu trúc chạy theo từng ngày. Nhờ vậy, 6 tháng cuối năm 2020, với việc gia tăng thêm gần gấp đôi lượng đơn hàng, Tổng Công ty May 10 đã hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh, với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 120 triệu USD, riêng thị trường châu Âu đã chiếm tỷ trọng trên 37%.

Còn với nông sản, ngay từ tháng 9, liên tiếp những lô hàng thủy sản, trái cây, cà phê... được xuất đi châu Âu đã cho thấy sự thay đổi nhận thức và chuẩn bị trước đó của nông dân và doanh nghiệp. Vùng quê Trấn Yên cũng là một ví dụ. Chuyển sang canh tác hữu cơ là cách để cả hợp tác xã và nông dân có thể tận dụng cơ hội thị trường.

"Chúng tôi rất phấn khởi vì đã trồng được quế và đã xuất khẩu cho các nước có hiệu quả cao", bà Nguyễn Thị Mùi (xã Đào Thịnh, Trấn Yên, Yên Bái), chia sẻ.

Với hơn 15 dòng sản phẩm, từ quế thanh, quế ống đến tinh dầu quế, nhờ tập trung vào sản phẩm hữu cơ, HTX Quế hồi Việt Nam đã xuất khẩu được hơn 1.000 tấn quế. Những đặc thù của thị trường châu Âu cũng là cơ hội để thay đổi về tư duy sản xuất bền vững.

"Họ không chỉ mua sản phẩm chỉ đơn thuần là sản phẩm có chất lượng tốt , mà họ còn hướng đến rất nhiều yếu tố, như những giá trị xã hội, hỗ trợ cho những người nghèo tăng thu nhập, có thể là hướng đến chống biến đổi khí hậu, có thể là bảo vệ môi trường, có thể tôn trọng quyền con người, có thể là không sử dụng lao động trẻ em", bà Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc HTX Quế hồi Việt Nam, cho biết.

 

Khả năng tận dụng CPTPP, EVFTA để vượt qua COVID-19 phụ thuộc rất nhiều vào sự đầu tư và chủ động của các doanh nghiệp, cùng với hỗ trợ hiệu quả từ các bộ, ngành, địa phương. Thế nhưng về lâu dài, nâng cao chất lượng sản phẩm sẽ là câu chuyện bền vững với những FTA thế hệ mới, ngày càng lồng ghép các điều khoản có "tiêu chuẩn cao".

Các FTA thúc đẩy tăng trưởng

Năm 2020 đầy khó khăn nhưng lại chính là cơ hội để Việt Nam thử sức với những FTA chất lượng cao, độ mở lớn. Có thể thấy, từ 2016 - 2020, xuất siêu năm sau luôn cao hơn năm trước, góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP. Ấn tượng nhất là con số xuất siêu kỷ lục năm 2020 với gần 20 tỷ USD. Có được điều đó là nhờ Việt Nam tận dụng rất tốt độ phủ của các thị trường có FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới như EVFTA, CPTPP với thị trường rộng lớn và các cam kết sâu rộng.

Ngay tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu khởi sắc với 27,7 tỷ USD, tăng 50,5% so với cùng kỳ năm 2020. Điểm nhấn là 6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD: gỗ, thủy sản, gạo, cà phê, trái cây, cao su... đều vào các thị trường lớn có FTA như: EU, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc…

FTA “mở toang” cánh cửa giúp Việt Nam hội nhập quốc tế - Ảnh 2.

Năm 2020, kinh tế Việt Nam đã vượt khó ngoạn mục và là một trong hiếm hoi các nền kinh tế trên thế giới có mức tăng trưởng GDP cao nhất. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)

 

Dệt may đang có dấu hiệu dần ổn định trở lại khi có tới một nửa nhãn hàng thời trang sẽ tăng mua từ Việt Nam. Da giày, túi xách dự báo cũng sẽ tăng trưởng 15 - 20%.

"Đóng góp rất lớn cho tăng trưởng ấn tượng sang EU đó là các ngành hàng thủy sản, tôm, gạo, điện tử, máy móc... Nhìn vào xu hướng chung xuất khẩu Việt Nam sang EU trong giai đoạn 20 năm vừa qua, hầu hết qua các năm đều có sự tăng trưởng rất tích cực, trung bình 12%. Khi nhìn vào khu vực ASEAN, các nhà đầu tư nhìn vào Việt Nam với vai trò là một trung tâm sản xuất trong khu vực. Đây tiếp tục là điểm sáng đóng góp cho tăng trưởng 2021", ông Giorgio Aliberti (Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam) nhận định.

Từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, các tổ chức được ủy quyền đã cấp gần 70.000 bộ chứng nhận xuất xứ (C/O) để hưởng ưu đãi vào châu Âu với kim ngạch hơn 2,6 tỷ USD ngay trong năm 2020.

Thống kê Bộ Công Thương cho thấy tỷ lệ khai thác và sử dụng C/O cho những ưu đãi ở các thị trường mới có FTA thường xuyên từ 30% đến hơn 80%, tập trung vào các ngành hàng giày dép, dệt may; nông thủy sản; sản phẩm mây, tre, đan; hàng điện tử... Điều này cho thấy, hiệu quả khai thác lợi ích ngay sau khi Hiệp định được thực thi.

Nội dung của các hiệp định cho thấy tác động với tăng trưởng kinh tế Việt Nam là đáng kể, lâu dài (10 - 15 năm trở lên), như đối với EVFTA, tạo lực đẩy tích cực tới GDP, tăng thêm lũy tiến 2,5%, 4,6% và 4,3% tương ứng vào các năm 2020, 2025 và 2030 so với trường hợp không có hiệp định. Tính trung bình, với hiệp định này, GDP tăng thêm mỗi năm 5,3 tỷ USD, tương đương 0,34 điểm phần trăm.

 

Năm 2020, kinh tế Việt Nam đã vượt khó ngoạn mục và là một trong hiếm hoi các nền kinh tế trên thế giới có mức tăng trưởng GDP cao nhất. Đó chính là nguồn lực lớn để kinh tế Việt Nam tiếp đà trong năm mới này. Tuy nhiên, với diễn biến khó lường của đại dịch COVID-19, Việt Nam vẫn đứng trước thách thức nặng nề khi độ mở của nền kinh tế rất cao, tới 200%. Các FTA mà Việt Nam đang và sẽ tham gia sẽ mở ra những cánh cửa mới, nhưng thách thức và cơ hội luôn đan xen.

Theo https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/fta-mo-toang-canh-cua-giup-viet-nam-hoi-nhap-quoc-te/20210217092214275