Báo cáo cho thấy, mặc cho những thách thức chưa từng diễn ra trước đây, nền kinh tế Việt Nam đã cho thấy khả năng phục hồi mạnh mẽ. Đây là một trong số ít nền kinh tế đạt mức tăng trưởng dương trong năm 2020 với tỷ lệ 2,9% nhờ vào tổ hợp các yếu tố tích cực bao gồm các biện pháp ngăn chặn virus sớm một cách hiệu quả, nhanh chóng quay lại hoạt động bình thường và xuất khẩu các mặt hàng điện tử bùng nổ.

Với bên ngoài, Việt Nam đã có thể chống lại sự gián đoạn chuỗi cung ứng và đang trên đà phục hồi ổn định. Trong khi đó, nhu cầu trong nước cũng duy trì rất tốt, với tiêu dùng tư nhân hồi phục một cách tương đối nhờ vào sự giảm thiểu tác động của dịch bệnh.

"Trong năm 2021, có nhiều lý do để tin tưởng vào đà phát triển mạnh mẽ của Việt Nam. Về mặt đối ngoại, thương mại của Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết trong năm 2020, bao gồm: EVFTA, RCEP và UKVFTA", các chuyên gia HSBC nhận định.

Mức thuế thấp hơn và khả năng tiếp cận các thị trường chính rộng mở hơn sẽ mang lại lợi thế so sánh cho các nhà xuất khẩu Việt Nam và giúp đa dạng hóa các điểm đến xuất khẩu của họ, trong khi dòng vốn FDI vào Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục vì Việt Nam vẫn là một điểm đầu tư hấp dẫn.

HSBC: Tăng trưởng GDP Việt Nam đạt 7,6% trong năm 2021 - Ảnh 1.

HSBC kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)

“Nhìn chung, chúng tôi kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ đạt mức tăng trưởng 7,6% vào năm 2021,” chuyên gia HSBC nhấn mạnh.

Cũng theo chuyên gia của HSBC, sau khi chứng kiến sức bật kinh tế diễn ra trong năm 2020, Việt Nam sẽ bắt đầu năm 2021 bằng một sự kiện chính trị quan trọng. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng dự kiến diễn ra từ ngày 25/1 đến ngày 2/2/2021.

Bất kể kết quả của cuộc cải tổ lãnh đạo như thế nào, chính sách kinh tế vẫn được kỳ vọng sẽ nhất quán và không có nhiều khả năng thay đổi đáng kể. Đại hội này sẽ đặt ra những ưu tiên kinh tế mới trong giai đoạn năm đến 10 năm tới. Tất cả sự chú ý đều dồn về việc làm sao Việt Nam thúc đẩy các mối quan hệ kinh tế với những đối tác thương mại lớn cũng như đẩy mạnh quá trình cải cách đang diễn ra. Ngoài ra, phát triển cơ sở hạ tầng và tăng tốc quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước có thể là hai trong các vấn đề được quan tâm.

Dù khó khăn còn kéo dài, các nhà nghiên cứu của HSBC vẫn lạc quan về triển vọng phát triển của Việt Nam và tin rằng Việt Nam sẽ hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ổn định và công nghệ sẽ dẫn đầu quá trình phục hồi.

HSBC kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021. Trong khi đó, áp lực lạm phát có khả năng tiếp tục ở mức vừa phải, dự báo lạm phát toàn phần ở mức trung bình khoảng 3,3% vào năm 2021, thấp hơn mức trần lạm phát 4% của Ngân hàng Nhà nước.

Theo https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/hsbc-tang-truong-gdp-viet-nam-dat-7-6-trong-nam-2021/20210114094535361