GS. Phan Văn Trường, cố vấn thường trực của Chính phủ Pháp - Ảnh: VGP/Thanh Thủy |
GS. Phan Văn Trường, cố vấn thường trực của Chính phủ Pháp, đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ xoay quanh vấn đề này.
Từ “giữ thăng bằng”…
Theo phân tích của GS. Phan Văn Trường, cách đây 13 năm, năm 2008, thế giới rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính và Việt Nam cũng đã chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng lịch sử đó như một năm đầy biến động. Lúc đó, cộng đồng doanh nghiệp gặp vô vàn khó khăn vì suy thoái toàn cầu ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước và xuất nhập khẩu.
Và rồi năm 2020, dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng trầm trọng tới đời sống kinh tế-xã hội của cả thế giới, trong đó có Việt Nam, một đất nước đang có có thế mạnh về xuất khẩu với nhiều mặt hàng chiến lược thuộc tốp đầu thế giới như cà phê, thủy hải sản, nông sản, gạo, trái cây… Dịch bệnh đã tạo ra một rào cản nặng nề tác động đến tình hình sản xuất, kinh doanh nói chung và việc tìm kiếm, phát triển thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt nói riêng.
Có thể nói chưa năm nào nguy cơ về sự mất ổn định trong tăng trưởng kinh tế lại trầm trọng như năm 2020. Đại dịch COVID-19 không chỉ thay đổi, xáo trộn chiến lược phát triển của các doanh nghiệp, mà còn làm tăng trưởng kinh tế suy giảm nghiêm trọng và đảo lộn các định hướng, tầm nhìn của cơ quan quản lý Nhà nước.
Cụ thể, tăng trưởng GDP quý I/2020 chỉ đạt 3,82%, sụt gần một nửa so với cùng kỳ năm 2019, là mức thấp nhất của quý I trong hơn 10 năm gần đây. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chỉ còn 0,5%, mức tăng thấp kỷ lục, trong khi nhập khẩu âm gần 2%. Tính chung cả 6 tháng năm 2020, tăng trưởng GDP chỉ đạt 1,81% - mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2020. Các chỉ số về tiêu dùng, xuất khẩu đều giảm, riêng số lượng khách quốc tế giảm đến 99,3% so với cùng kỳ năm ngoái, còn số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, giải thể tăng 10,8%...
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để giữ thăng bằng cho nền kinh tế-xã hội, mà cụ thể là phòng chống dịch COVID-19 một cách hiệu quả, để từ đó có thể phát triển kinh tế-xã hội, đã được đặt ra cho Chính phủ, từng doanh nghiệp và người dân. Trước những thách thức đó, nhận thức được tầm quan trọng của sự ổn định xã hội, giữ thăng bằng cho nền kinh tế, Chính phủ Việt Nam đã có những quyết sách nhanh, kịp thời, kiên quyết trong việc khống chế và phòng chống dịch bệnh COVID-19, nhất là chỉ đạo cụ thể của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Thực hiện mục tiêu kép”, phòng chống dịch đi đôi với phát triển kinh tế. Chính điều đó đã tạo tiền đề cho các chủ trương, chính sách của Chính phủ để góp phần bảo đảm an sinh xã hội; hỗ trợ trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh, giảm bớt sự ảnh hưởng của chuỗi đứt gẫy cung ứng.
Những quyết sách kịp thời, linh hoạt và táo bạo đó, có thể nói đến Nghị quyết 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 với tổng số tiền khoảng 62.000 tỷ đồng; các chính sách giảm giá điện, giá nước, giá dịch vụ viễn thông cho người dân; Chỉ thị 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19; Nghị định số 41/2020/NĐ-CP của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp tiền thuế và tiền thuê đất.
Hay Thông tư 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19.
GS. Phan Văn Trường khẳng định, nhờ những bước đi sáng tạo và kịp thời nêu trên của Đảng, Chính phủ Việt Nam cho nên khi cả thế giới đã và đang đối mặt với tăng trưởng âm về kinh tế thì Việt Nam vẫn phát triển kinh tế đạt mức tăng 2,91% so với năm trước, là một trong 10 quốc gia trên thế giới đạt được tăng trưởng dương. Việt Nam đã trở thành hình mẫu tiêu biểu của thế giới.
Tuy nhiên, trước sự biến động lớn như đại dịch COVID-19 vừa qua, không chỉ Việt Nam mà đối với tất cả các quốc gia trên thế giới, đối với từng doanh nghiệp, đã đến lúc phải nhìn nhận một cách sâu sắc về phát triển bền vững. Để phát triển bền vững trong bối cảnh mới như hiện nay, trước tiên chúng ta cần giữ thăng bằng tốt bởi vì bất cứ một sự mất thăng bằng nào của ngày hôm nay cũng sẽ tạo ra những thách thức cho sự bền vững trong tương lai.
Theo GS. Phan Văn Trường, có thể rút ra các bài học từ việc giữ thăng bằng rất tốt của Chính phủ Việt Nam trong thời gian vừa qua cũng như năm 2020 là:
Thứ nhất, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì mặt bằng lãi suất thấp, tiếp tục đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng và chủ động đàm phán với các đối tác thương mại lớn trong năm 2020 đã giữ thăng bằng tốt cho nền kinh tế.
Thứ hai, việc hoàn thành xuất sắc vai trò chủ tịch ASEAN theo một cách thức chưa từng có tiền lệ. Việt Nam đã ký kết thành công những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới song phương và đa phương quan trọng cũng như Đảng và Chính phủ đã tiến hành sửa đổi và ban hành những đạo luật cơ bản, khơi thông các điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân phát triển sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, sự linh hoạt và khả năng ứng phó của doanh nghiệp Việt đã được thể hiện rõ nét bằng việc duy trì và tăng trưởng xuất khẩu trong những tháng cuối năm 2020. Trong bối cảnh đại dịch, doanh nghiệp Việt đã dùng nhiều cách để vượt qua khó khăn như: Chuyển đổi sản phẩm, linh hoạt trong tiếp cận với khách hàng, linh hoạt trong cách kinh doanh, nhất là sự “lên ngôi” của thương mại điện tử và kinh tế số.
Thành quả đạt được của năm 2020 trên các phương diện kinh tế-xã hội trong nước cũng như trên thế giới đã nâng cao vai trò, vị thế và thương hiệu của Việt Nam trên trường quốc tế. Do đó, sẽ là tiền đề cho khởi đầu cho một giai đoạn phát triển kinh tế-xã hội 5 năm, 10 năm quan trọng của Việt Nam.
Sự linh hoạt và khả năng ứng phó của doanh nghiệp Việt đã được thể hiện rõ nét bằng việc duy trì và tăng trưởng xuất khẩu trong những tháng cuối năm 2020. Ảnh: VGP/Thanh Thủy |
… đến phát triển bền vững
Để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, GS. Phan Văn Trường cho rằng, năm 2021 là năm khởi đầu triển khai thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam thời kỳ 2021-2030. Theo đó, Việt Nam đã đặt mục tiêu đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại; đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Điều đó hoàn toàn có cơ sở bởi vì trong Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới, IMF đã dự báo bước sang năm 2021, nền kinh tế Việt Nam sẽ có bước phục hồi mạnh mẽ với GDP dự kiến tăng lên 6,5% do nền kinh tế thế giới sẽ có sự mở cửa trở lại của các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản và EU. Điều này sẽ giúp hàn gắn lại chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã bị phá hủy một phần do tác động của COVID-19, cũng như giúp gia tăng nhu cầu đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc nối lại các chuyến bay quốc tế với mục đích thương mại sẽ thúc đẩy sự hồi phục của ngành du lịch, một trong 2 động lực tăng trưởng chính của ngành dịch vụ Việt Nam trong năm 2021, bên cạnh sự phục hồi của tiêu dùng nội địa.
Trong bối cảnh thế giới vẫn đang chịu tác động nặng nề từ đại dịch COVID-19, Việt Nam đã chủ động và sẵn sàng chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để thúc đẩy đà tăng trưởng và xây dựng chiến lược phát triển kinh tế đất nước bền vững giai đoạn 5 năm 2021-2025.
Vì vậy, GS. Phan Văn Trường cho rằng, cần xác định động lực tăng trưởng cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2021 sẽ đến từ phục hồi sức mua thị trường nội địa, đầu tư tư nhân và xuất khẩu sang EU và ASEAN. Tiếp đến, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì mặt bằng lãi suất thấp, tiếp tục đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng và chủ động đàm phán với các đối tác thương mại lớn
phải là ưu tiên chính sách trong năm 2021 và những năm tới để hỗ trợ tăng trưởng trong bối cảnh Việt Nam và các nước trên thế giới vẫn đang phải đối mặt với đại dịch COVID-19.
Tiếp đến, GS. Phan Văn Trường cũng chỉ rõ, Việt Nam cần tận dụng tối đa các lợi thế từ việc thiết kế và đàm phán thành công các FTA thời gian gần đây vì điều này đã giúp Việt Nam tham gia sâu và nhanh hơn với phần còn lại của thế giới, thông qua việc giao thương kết nối với hầu hết các nền kinh tế chủ đạo trên toàn cầu mà FTA chính là con đường ngắn nhất đã được xây dựng nên.
Bên cạnh đó, để phát triển bền vững, xuyên xuốt trong quá trình xây dựng chính sách, chiến lược, Chính phủ hay các doanh nghiệp phải nhận thức sâu sắc và đầy đủ vai trò và ý nghĩa của việc làm thế nào để Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong phục hồi xanh. Phải nhận thức được rằng, cũng giống như đại dịch, những thảm họa về khí hậu và môi trường cũng gây ra thiệt hại rất lớn về kinh tế-xã hội cũng như sự phát triển chung của đất nước và toàn cầu.
Đợt bão lụt lịch sử tại miền Trung vừa qua cũng như tình trạng ô nhiễm không khí đang tăng lên ở các thành phố lớn ở Việt Nam trong thời gian qua là một minh chứng cho những yêu cầu cấp bách để bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.
“Phải xử lý những thách thức về khí hậu và môi trường với tinh thần khẩn trương như đã làm với COVID-19, chắc chắn Việt Nam sẽ thành công trong thực hiện hiện mục tiêu phát triển bền vững”, GS. Phan Văn Trường khẳng định.
Giáo sư Phan Văn Trường là cố vấn thường trực của Chính phủ Pháp về thương mại quốc tế từ năm 1990. Ông đã hai lần được Tổng thống Pháp phong làm Hiệp sĩ (Đài ghi công năm 1990 và Bắc Đẩu Bội tinh năm 2006). Chủ tịch Nguyễn Minh Triết cũng đã trao tặng ông Huy chương “Vì sự nghiệp Giáo dục” năm 2010. Ông từng giữ nhiều vị trí lãnh đạo cao cấp tại các tập đoàn hàng đầu thế giới. Giáo sư là tác giả của nhiều cuốn sách được độc giả quan tâm như: Một đời thương thuyết (được vinh danh giải sách hay năm 2016 trong hạng mục quản trị và đã tái bản 18 lần); Một đời quản trị (năm 2017, đã tái bản 11 lần) và Một đời như kẻ tìm đường (năm 2019, đã tái bản 6 lần).
|