Sau 13 năm gia nhập WTO, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu cũng như đón nhận cả những thách thức trong phát triển kinh tế. Một trong những điểm nổi bật là, dù có xuất phát điểm thấp nhưng trong mọi hoàn cảnh khó khăn của quá trình hậu hội nhập, nông nghiệp vẫn thể hiện rõ vai trò trụ đỡ, tấm đệm của nền kinh tế.

Năm 2020, mặc dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng ngành Nông nghiệp Việt Nam vẫn đạt kim ngạch xuất khẩu ấn tượng với 41,25 tỉ USD (cao nhất từ trước đến nay) tăng 1,6% so với năm 2019.

Bà Phùng Thị Thu Hương, Tổng Giám đốc công ty Green path Việt Nam cho biết, việc mở cửa thị trường, cắt giảm các dòng thuế đã tạo cơ hội cho nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam vươn xa trên thị trường thế giới, vươn lên đứng ở vị trí Top đầu về sản lượng cũng như kim ngạch xuất khẩu.

Ngành nông nghiệp thể hiện tăng trưởng trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh.

Các chuyên gia kinh tế đánh giá, sau khi ra nhập tổ chức WTO đã xác lập một giai đoạn mới, tiến tới hội nhập hoàn toàn, sâu rộng với tâm thế chủ động, cũng như đánh giá bản lĩnh, định hướng mở cửa của Việt Nam trong quan hệ kinh tế quốc tế. Đây là điều kiện cơ bản, có tính chất đột phá để nước ta có điều kiện tăng trưởng nhanh, với nền tảng dựa trên việc mở rộng thị trường, nâng cao kim ngạch xuất khẩu bên cạnh việc hấp dẫn đầu tư nước ngoài.

Cùng với đó, Việt Nam đã có bước phát triển nhanh. Đặc biệt cùng với việc tham gia WTO chúng ta liên tiếp tham gia các FTA đã thúc đẩy xuất khẩu đạt được nhiều thành tựu.

“Với việc gia nhập tổ chức thương mại thế giới WTO bây giờ chúng ta trở thành một cường quốc xuất khẩu gạo. Trước đây, chúng ta phải nhập khẩu gạo, nhập khẩu lương thực, bây giờ chúng ta thay đổi rất nhiều và cơ cấu cây trồng, vật nuôi của chúng ta cũng mới được thay đổi rất mạnh mẽ khoa học công nghệ trong nông nghiệp cũng tiến bộ” - chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh đánh giá.

Mặc dù vây, các chuyên gia khuyến nghị, thực tế cũng đòi hỏi ngành nông nghiệp tiếp tục có chủ trương, chính sách đúng đắn để tối đa hóa lợi ích của hội nhập, giảm những tác động bất lợi. Ngành nông nghiệp phải tiến hành tái cơ cấu từ bên trong, phát triển thị trường nội địa lẫn xuất khẩu, kiên quyết hướng vào các ngành hàng có lợi thế để dồn tài nguyên và đầu tư vào đó.

Theo https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/nganh-nong-nghiep-phat-trien-vuot-troi-sau-khi-gia-nhap-wto/20210125025104560