Có thể thấy, năm 2020, thị trường bất động sản chịu nhiều yếu tố chi phối. Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường bất động sản, làm suy giảm sự phát triển và suy yếu lực cầu thị trường. Giai đoạn 6 tháng đầu năm, thị trường gần như tê liệt bởi giãn cách xã hội để chống dịch, dự án ngưng trệ, hàng loạt sàn giao dịch tạm dừng hoạt động. Nhưng 6 tháng cuối năm, mặc dù dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát triệt để, song thị trường đã thể hiện được sức mạnh, vượt qua khó khăn.

Dự báo về lượng cung, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, các dự án đang bị vướng mắc trong quy định pháp luật sẽ tiếp tục được tháo gỡ. Do đó, nguồn hàng cả nước sẽ tăng mạnh so với năm 2020.

Theo các số liệu khảo sát của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam tại Hà Nội và TP.HCM, hai thị trường bất động sản lớn nhất, cho thấy tại TP.HCM, khảo sát cho thấy khoảng 20 dự án sẽ chào hàng trong 6 tháng đầu năm 2021, cung cấp ra thị trường khoảng 30.000 sản phẩm với đủ loại phân khúc sản phẩm. Điều này hứa hẹn một thị trường chất lượng hơn cho hoạt động kinh doanh và môi giới bất động sản.

Còn ở Hà Nội, ngay trong quý I và quý II năm 2021, dự kiến sẽ có hàng vạn sản phẩm đa dạng các phân khúc sẽ được chào hàng thị trường. Trong đó khu vực phía Bắc và Tây Hà Nội sẽ chiếm tỉ trọng nhiều nhất.

Thị trường BĐS kỳ vọng sẽ bứt phá mạnh mẽ trong năm 2021.

Thị trường BĐS kỳ vọng sẽ bứt phá mạnh mẽ trong năm 2021.

Về lực cầu, theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, kinh tế Việt Nam sẽ giữ nhịp và đạt tốc độ tăng trưởng tốt hơn nên nhu cầu đầu tư và mua nhà tăng trở lại. Dự báo sức cầu của nhóm này sẽ đạt 70% lực cầu năm 2019.

Kinh tế tăng trưởng tốt hơn, đồng nghĩa một số ngành kinh tế khác sẽ hồi phục. Một phần nhóm đầu tư ngắn hạn vào thị trường bất động sản sẽ quay trở lại thị trường truyền thống của mình.

Dự báo nhu cầu về phân khúc căn hộ tại Hà Nội và TP.HCM vẫn chiếm tỉ trọng lớn. Phân khúc căn hộ trung cấp loại căn hộ có 2 phòng ngủ tiếp tục được giao dịch nhiều nhất. Theo dự báo, trong năm 2021 có thể đạt từ 90.000 đến 100.000 sản phẩm căn hộ được giao dịch tại hai thị trường lớn này.

Những diễn biến trên thị trường cũng cho thấy, đất nền vẫn là sản phẩm được giới đầu tư quan tâm nhiều nhất tại các địa phương ngoài Hà Nội và TP.HCM. Tuy nhiên, sản phần này sẽ khan hiếm dần vì các địa phương cũng hạn chế cho phát triển dự án đất nền, chỉ còn chủ yếu ở những dự án đấu giá.

Nhà ở xã hội vẫn có nhu cầu rất lớn đặc biệt nhà ở xã hội cho công nhân tại các khu công nghiệp. Trong khi đó nhà ở tái định cư có nhu cầu sử dụng rất thấp từ nhiều năm nay. Kiến nghị nên bỏ hẳn phát triển loại sản phẩm này.

Về giá bất động sản, giá căn hộ tại Hà Nội có thể giữ nguyên hoặc tăng nhẹ so với 2020. Tại TP.HCM, trong 6 tháng đầu năm 2021, giá vẫn có chiều hướng tăng, chủ yếu là khu vực thành phố Thủ Đức. Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, về cuối năm, có thể nguồn cung tăng mạnh, giới đầu tư F0 sẽ rút khỏi thị trường nhiều, các nhà đầu cơ xả hàng mạnh.

Thời điểm này, giá có thể sẽ chững lại, thậm chí bị áp lực giảm giá nhưng trong năm 2021 sẽ chưa xuất hiện giảm giá. Tuy nhiên, những dự án mới ra giai đoạn cuối năm sẽ được xây dựng giá bán phù hợp hơn.

Cùng với đó, giá nhà đất tại các khu đô thị được đầu tư tốt, chất lượng tại Hà Nội và TP.HCM sẽ tiếp tục tăng trong năm 2021. Dự báo tăng khoảng 5-10% so với năm 2020.

Chuyên gia tài chính - TS Cấn Văn Lực cho biết, năm 2021, thị trường bất động sản sẽ đón thêm nhiều xung lực mới, dựa vào những yếu tố, như thị trường đã điều chỉnh nhanh nhạy theo tình tình dịch bệnh, chủ đầu tư và sàn giao dịch đã đưa công nghệ vào bán hàng, tạo ra một hệ sinh thái mới đem lại cơ hội tiếp cận khách hàng dễ dàng hơn. Toàn cảnh ngành bất động sản 2021 sẽ có những bước tiến khả quan, khi tăng trưởng kinh tế dự báo tăng 6,5 - 7%, bình quân 10 năm tới có thể đạt 7%/năm, nếu Việt Nam làm tốt những khâu đột phá đã xác định cho giai đoạn tới.

Rồi một số luật sửa đổi bổ sung với nhiều điểm tinh giản đáng kể. Luật Chứng khoán bắt đầu có hiệu lực thi hành từ đầu năm có điểm nhấn là huy động vốn từ các quỹ sẽ là động lực cho doanh nghiệp. Trong bối cảnh doanh nghiệp nước ngoài tìm đến những vùng đất mới an toàn và rẻ hơn đã tạo ra nhiều cơ hội cho Việt Nam.

Theo TS Cấn Văn Lực, khi kinh tế suy thoái, đầu tư công là kênh đầu tư rất tốt, mức độ lan tỏa nhanh hơn. Giải ngân công nhanh đóng góp chung cho sự tăng trưởng chung của nền kinh tế cả nước, tương đương 0,2%. Xung lực cuối cùng liên quan đến lãi suất ngân hàng. Đây là thời điểm lãi suất thấp nhất trong 15 năm qua, vì vậy các hộ gia đình, người trẻ sẽ thuận lợi để mua nhà hay đầu tư.

Văn Đức
Theo https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/bat-dong-san/nhieu-tin-hieu-lac-quan-cho-thi-truong-bat-dong-san-nam-2021/20210212113707058