Chia sẻ với phóng viên về lịch sử của làng nghề trồng quất cảnh, Chủ tịch UBND xã Tàm Xá Lê Huy Du cho biết, từ xa xưa, xã Tàm Xá có nghề truyền thống là trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, kéo sợi, dệt lụa, ngoài ra người dân còn trồng xen canh các loại cây rau màu trên vùng đất bãi. Nghề buôn bán ở Tàm Xá trước đây cũng có nhưng chủ yếu là trao đổi mặt hàng tơ tằm và những hàng tạp hóa chưa phát triển mạnh. Trong khi đó điều kiện tự nhiên khắc nghiệt làm cho cuộc sống của người dân trong xã bấp bênh. Hằng năm cứ đến mùa mưa, nước sông Hồng lên cao, muốn đi lại phải dùng thuyền mảng. Đến khi nước rút thì chỉ toàn cảnh tượng tường đổ, mái xiêu, đường làng ngõ xóm lầy thụt.
Quất cảnh được chăm sóc cẩn thận trước Tết. Ảnh: Thiện Tâm/VGP |
Trước thực trạng đó, cấp ủy, chính quyền từ huyện tới xã đã tập trung chỉ đạo, tìm hướng đi mới trong sản xuất, khai thác hết tiềm năng đất bãi. Đến năm 1990, xã chuyển đổi sang trồng quất, tuy nhiên diện tích chưa nhiều. Đến năm 2010, cảm nhận được quá trình đô thị hóa ngày càng nhanh của Thủ đô Hà Nội làm cho diện tích trồng quất cảnh ở các địa phương có nghề truyền thống bị thu hẹp, cấp ủy và chính quyền huyện Đông Anh và xã Tàm Xá đã chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đầu tư, cứng hóa đường giao thông nội đồng. Đồng thời lắp đặt hệ thống điện, hỗ trợ nhân dân khoan giếng nước trên đồng bãi, mở các lớp tập huấn kỹ thuật, động viên bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo điều kiện để các hộ dân xã Tám Xá tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để chuyển đổi sang trồng cây quất cảnh nhằm đem lại lợi ích kinh tế cao, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Tàm Xá Lê Thị Thanh cho biết, để thúc đẩy làng nghề trồng quất cảnh phát triển, xã Tàm Xá đã dành hẳn 1 ha giao cho một số hộ gia đình trồng thí điểm quất cảnh và một số loại cây ăn quả để nhân rộng. Do vậy, từ chỗ ban đầu là một xã thuần nông với 218 ha đất nông nghiệp chỉ trồng ngô, khoai… mang lại giá trị kinh tế thấp, đến nay, toàn xã có khoảng 500 hộ gia đình chuyển đổi sang trồng quất, chiếm khoảng 85 ha. Quất Tàm Xá dần trở thành một thương hiệu, phục vụ cho thị trường nội thành và cả các tỉnh lân cận. Từ chỗ chủ yếu làm những cây quất đơn giản theo hình tháp, hình tròn, hiện nay, nhiều gia đình ở Tàm Xá đã làm quất thế, quất giống... đem lại giá trị kinh tế cao. Có những cây quất trị giá hàng chục triệu đồng, riêng tiền cho thuê cũng vài triệu đồng. Nhiều hộ gia đình đã trở thành hộ khá, giàu khi có thu nhập trung bình mỗi ha quất khoảng 1,7 tỷ đồng.
Quất cảnh được đánh vào chậu chuẩn bị mang đi tiêu thụ. Ảnh: Thiện Tâm/VGP |
Lượng tiêu thụ ổn định
Năm nay, trong bối cảnh ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng do xã không nằm trong vùng dịch nên hoạt động thu mua quất cảnh vẫn diễn ra khá bình thường. Tuy giá thành có thấp giảm hơn so với năm trước khoảng 1/4 lần nhưng ước tính thu nhập bình quân của người làm nghề trồng quất cảnh năm 2021 đạt khoảng 72 triệu/người/năm. Còn mức thu nhập bình quân chung của người lao động trong xã đạt khoảng 56 triệu/người/năm.
Chị Nguyễn Thị Toan, chủ vườn quất 1 mẫu cho biết, năm nay gia đình chị bán quất thế ước cho thu nhập khoảng 400-500 triệu đồng.
Trung bình hằng năm các hộ sản xuất ra được khoảng 260.000 cây quất, giá trị sản xuất của nghề trồng quất đầu năm 2020 ước đạt 2,5 tỷ đồng/ha, tăng 8 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019, tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động tại địa phương. Diện tích trồng quất cảnh bình quân của mỗi hộ khoảng 1.000 m2, nhờ đó đã giải quyết cho 2 lao động có việc làm ổn định, vào vụ chính có từ 3-4 lao động.
Nhờ có nghề trồng quất phát triển mà đời sống vật chất của nhân dân ngày càng được nâng cao, tỉ lệ hộ giàu tăng cao. Các hộ sản xuất trong làng chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và những quy định của địa phương. Đến nay Tàm Xá đã được công nhận là Làng nghề trồng cây cảnh Tàm Xá.
Thiện Tâm