Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong tham luận tại Đại hội XIII. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Với lợi thế của một đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, thời gian qua, TPHCM đã từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng gia tăng hàm lượng tri thức, tập trung phát triển các ngành công nghệ cao, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Hình thành nền tảng kinh tế tri thức

TPHCM đã hình thành những nền tảng của kinh tế tri thức, bao gồm đội ngũ trí thức đông đảo, đô thị thông minh, khu công nghệ cao, trung tâm khởi nghiệp sáng tạo, các tập đoàn lớn về công nghệ, các trung tâm nghiên cứu phát triển, hạ tầng công nghệ thông tin trên nền tảng mạng 5G.

Cụ thể là thành lập và phát triển chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung, Khu Công nghệ cao, Khu Nông nghiệp Công nghệ cao, Trung tâm ươm tạo chuyên về trí tuệ nhân tạo, Công viên Khoa học và công nghệ tại Khu Công nghệ cao, Viện Khoa học và Công nghệ tính toán… Riêng Khu Công nghệ cao đến nay đã thu hút 162 dự án với tổng mức đầu tư hơn 7,65 tỷ USD, giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao năm 2020 đạt hơn 20 tỷ USD, năng suất lao động bình quân gấp 20 lần bình quân của Thành phố và hơn 60 lần bình quân cả nước, thu hút nhiều tập đoàn đa quốc gia mạnh về công nghệ như Intel, Samsung, Nidec…

TPHCM là địa phương đầu tiên ban hành Chương trình chuyển đổi số nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số, chính quyền số và xã hội số. Ban hành Chương trình xây dựng Thành phố trở thành đô thị thông minh với 4 trụ cột: Kho dữ liệu dùng chung và hệ sinh thái dữ liệu mở; Trung tâm điều hành đô thị thông minh; Trung tâm mô phỏng dự báo kinh tế-xã hội và Trung tâm an toàn thông tin Thành phố.

Đặc biệt, TPHCM đang nghiên cứu lập, xây dựng quy hoạch Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông gắn với việc thành lập TP. Thủ Đức. Khu vực này kỳ vọng góp phần thiết lập chuỗi giá trị gia tăng trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại theo chuẩn quốc tế, hỗ trợ tài chính hiệu quả cho doanh nghiệp, là đòn bẩy và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

“Điều quan trọng không thể thiếu là tạo niềm tin trong lòng nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp Thành phố. Thực tiễn cho thấy việc tham gia của người dân, cộng đồng doanh nghiệp có ý nghĩa then chốt trong phát triển kinh tế tri thức. Những ứng dụng của công nghệ thông tin vào dịch vụ hành chính công, chính quyền điện tử, phát triển giao thông thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh, khởi nghiệp sáng tạo,… luôn được người dân và doanh nghiệp đồng tình và tích cực hưởng ứng’, đồng chí Nguyễn Thành Phong trao đổi.

TPHCM cũng quan tâm ban hành nhiều cơ chế, chính sách thu hút các nhà khoa học, trí thức trong và ngoài nước, kiều bào ở nước ngoài tham gia vào mọi lĩnh vực trong đời sống kinh tế-xã hội của Thành phố, đóng vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tri thức. Chủ động và đón đầu trong việc ứng dụng những thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào phát triển kinh tế dựa trên nền tảng tri thức.

7 giải pháp trọng tâm

Lãnh đạo TPHCM đã đề xuất 7 giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế tri thức trong thời gian tới.

Thứ nhất, đổi mới cơ chế, chính sách, tạo lập một khuôn khổ pháp lý mới phù hợp với sự phát triển nền kinh tế tri thức. Cần thiết xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế tri thức giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Thứ hai, phát triển mạnh nguồn lao động chất lượng cao, nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài. Tập trung đầu tư phát triển giáo dục, cải cách giáo dục theo hướng tăng cường thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn; đàm phán, hợp tác, chuyển giao chương trình đào tạo tiên tiến của các nước trong khu vực và trên thế giới. Tăng nhanh đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học-kỹ thuật và công nhân lành nghề, đội ngũ cán bộ quản lý, doanh nhân...

Thứ ba, tăng cường năng lực khoa học-công nghệ (KHCN) quốc gia để có thể tiếp thu, làm chủ, vận dụng sáng tạo các tri thức KHCN mới nhất của thế giới cần thiết cho phát triển của đất nước, từng bước sáng tạo công nghệ đặc thù của đất nước, xây dựng nền KHCN tiến tiến của Việt Nam.

Đẩy mạnh đầu tư cho nghiên cứu KHCN và biến KHCN trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp nhằm tạo nền tảng công nghệ phục vụ phát triển đất nước theo hướng hiện đại và tạo ra các yếu tố nền tảng của kinh tế tri thức. Đổi mới cơ chế quản lý nhà nước về KHCN. Cơ chế đó phải hướng vào việc thúc đẩy KHCN thực sự gắn kết với sản xuất-kinh doanh, khoa học xâm nhập vào thực tiễn sản xuất-kinh doanh làm ra của cải và tri thức mới phục vụ trực tiếp công cuộc phát triển kinh tế -xã hội…

Thứ tư, đầu tư phát triển mạnh mẽ hạ tầng công nghệ thông tin; đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Công nghệ thông tin là chìa khóa để đi vào kinh tế tri thức. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp trên thế giới, vừa là cơ hội, vừa là áp lực để nước ta phát triển mạnh mẽ kinh tế số trong thời gian tới.

Thứ năm, ban hành các cơ chế, chính sách để hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp, hỗ trợ, khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Cơ chế, chính sách phải thực sự vừa khuyến khích nhưng vừa tạo ra sự đòi hỏi các doanh nghiệp phải luôn đổi mới dựa trên công nghệ mới và thúc đẩy nhanh chóng sự ra đời các doanh nghiệp mới, nhất là các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm mới, công nghệ mới; trong đó khâu then chốt là cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

“Chính phủ cần lựa chọn và có chính sách đặc thù đối với một số doanh nghiệp có khát vọng và bản lĩnh, có đủ năng lực và quy mô cho đầu tư, nghiên cứu, phát triển công nghệ mới, tiên phong vươn tầm thế giới. Từ đó dẫn dắt các doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi giá trị khu vực, chuỗi giá trị toàn cầu; từng bước làm chủ công nghệ, xây dựng thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh và hấp dẫn trong “sân chơi” toàn cầu. Song song đó, cũng cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ mạnh dạn đổi mới công nghệ, quy trình trình sản xuất và quản lý”, Chủ tịch UBND TPHCM nói.

Thứ sáu, không ngừng cải cách, đổi mới để đảm bảo vai trò dẫn dắt, quản lý của Nhà nước đối với nền kinh tế. Cần có cơ chế đặc thù để các khu công nghệ cao, khu công viên phần mềm phát huy vai trò là trung tâm đổi mới sáng tạo. Trên cơ sở đó, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng gia tăng hàm lượng tri thức, tập trung phát triển các ngành công nghệ cao, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Thứ bảy, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế nhằm tranh thủ nguồn ngoại lực, kết hợp nội lực để bắt kịp xu thế phát triển khoa học công nghệ tiên tiến, phục vụ cho mục tiêu hiện đại hóa lực lượng sản xuất của đất nước.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, trong xu thế toàn cầu hóa và bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chắc chắn rằng tăng trưởng kinh tế dựa vào nguồn tài nguyên thiên nhiên và lao động rẻ sẽ nhường chỗ cho nền kinh tế tăng trưởng dựa vào hàm lượng công nghệ cao, đa dạng hóa và nâng cao giá trị gia tăng. Do vậy, để tiếp tục nâng cao tiềm lực, vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, phát triển kinh tế tri thức là xu hướng tất yếu, bảo đảm cho đất nước ta phát triển nhanh và bền vững, hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, nước ta là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Nhóm PV

Theo http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Phat-trien-kinh-te-tri-thuc-la-xu-huong-tat-yeu/420924.vgp