Bộ trưởng Trần Hồng Hà trăn trở về những giải pháp phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Ảnh: VGP/Khương Trung |
Đây là thông điệp và cũng là những băn khoăn, trăn trở của Bộ trưởng Trần Hồng Hà với cương vị người đứng đầu ngành tài nguyên và môi trường (TN&MT). Sau một năm với nhiều sự kiện đáng nhớ, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã chia sẻ về những điểm nhấn nổi bật của ngành trong năm 2020 về phát triển kinh tế xanh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và những định hướng của ngành trong năm mới Tân Sửu.
Năng lượng “xanh”, kinh tế tuần hoàn là chủ đạo
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, các lĩnh vực quản lý của ngành TN&MT, nhất là môi trường, luôn có những vấn đề hết sức bị động, bất ngờ. Tại nhiều địa bàn khác nhau, ở nhiều dự án khác nhau, các sự sự cố môi trường thường xảy ra. Các lĩnh vực khác như đất đai, khoáng sản cũng thường xuyên đứng đầu trong các vấn đề nóng bỏng.
“Nói như vậy để thấy các lĩnh vực mà ngành quản lý luôn đứng trước những vấn đề hết sức bị động và bất ngờ. Chính vì thế, chúng tôi đã tập trung, toàn tâm toàn ý giải quyết các sự cố, các vấn đề mang tính chất sự vụ để ứng phó những các vấn đề mới nảy sinh”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà chia sẻ.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, công tác quản lý TN&MT đã chuyển biến từ bị động, bất ngờ sang chuẩn bị bài bản, đồng bộ các cơ chế chính sách; nhận thức của người dân về môi trường được nâng lên rất cao. Nhờ đó đã xác định được các phương pháp quản lý, xác định mô hình về kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, kinh tế carbone thấp và kinh tế tuần hoàn là nhiệm vụ chủ đạo, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững hơn; tức là thay đổi từ kinh tế “nâu,” sử dụng năng lượng “nâu” sang năng lượng “xanh” và kinh tế tuần hoàn bền vững.
Trong 5 năm qua, ngành TN&MT đã đóng góp trên 950.000 tỷ đồng vào thu ngân sách. Riêng năm 2020, thu từ đất đai đã gấp 2 lần so với năm 2015. “Tôi khẳng định rằng, việc thu từ đất hiện nay đã được tính toán dựa trên những vấn đề về hiệu quả sử dụng đất đai. Khoảng 230.000 ha đất đã được chuyển sang phục vụ phát triển kinh tế, gần 1 triệu ha đất trước đây chưa sử dụng đã được đưa vào phát triển rừng; hàng trăm nghìn hecta đất trước đây ở các dự án chậm sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả cũng đã được đưa vào phát triển nguồn lực hiệu quả”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, các quyết sách về ứng phó với biến đổi khí hậu được chủ động đề xuất, thúc đẩy triển khai có hệ thống với tầm nhìn chiến lược; công tác dự báo khí tượng thủy văn được tập trung hiện đại hóa, nâng cao chất lượng, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai. Chỉ tính riêng đợt hạn mặn năm 2019-2020, mức độ ảnh hưởng lớn gấp 2-2,5 lần năm 2016 nhưng mức độ thiệt hại giảm 9,6%.
Mọi bài toán kinh tế đều phải tính đến môi trường
Chia sẻ về những giải pháp mà Bộ sẽ thực hiện trong thời gian tới để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, “tư lệnh” ngành TN&MT khẳng định, không phát triển nhưng phát triển phải tính đến các bài toán về môi trường và phải dựa trên việc bảo vệ, giữ gìn và phát triển hệ sinh thái tự nhiên. Hay nói cách khác là giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, giữa con người với môi trường, giữa kinh tế với môi trường.
Theo đó, trong mọi bài toán về kinh tế đều phải tính đến môi trường, trong các chi phí về phát triển kinh tế đều phải bao gồm chi phí về bảo vệ môi trường. Kinh tế nước ta cần phải chuyển đổi từ một nền “kinh tế nâu” sang nền “kinh tế xanh”, kinh tế tuần hoàn. Đây là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất, loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. So với kinh tế tuyến tính truyền thống, kinh tế tuần hoàn mang lại nhiều lợi ích đối với quốc gia, xã hội và doanh nghiệp.
Đối với ngành TN&MT, Bộ trưởng cho rằng, thời gian tới cần cụ thể hóa các quy định trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Ví dụ như quy định trách nhiệm cụ thể của nhà sản xuất trong việc thu hồi, tái chế hoặc chi trả chi phí xử lý các sản phẩm thải bỏ dựa trên số lượng sản phẩm bán ra trên thị trường; phát triển công nghiệp môi trường, thị trường hàng hóa và dịch vụ môi trường, sản phẩm thân thiện môi trường…; quản lý dự án theo vòng đời, thiết lập lộ trình xây dựng và áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường (phát thải và công nghệ) tương đương với nhóm các quốc gia tiên tiến trong khu vực.
Bên cạnh đó, cần phải thực hiện các giải pháp để chuyển đổi mô hình kinh tế như điều chỉnh quy hoạch năng lượng, giảm dần sự phụ thuộc vào các dạng năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch, thủy điện; xây dựng lộ trình chuyển đổi công nghệ dựa trên các tiêu chí tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, giảm thiểu chất thải. Để làm được cần chú trọng ngay từ khâu quy hoạch, kế hoạch, thiết kế sản xuất, thiết kế sản phẩm để tăng cường kết nối chuỗi sản xuất tuần hoàn.
Người dân là chủ thể trong bảo vệ môi trường
Đề cập đến một điểm nhấn nổi bật của ngành trong năm 2020 là Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực thi hành vào 1/1/2022, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) vừa được thông qua sẽ là nền tảng pháp luật toàn diện, thống nhất, hội nhập. Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) có nhiều điểm mới, gần như thay thế khá toàn diện và cơ bản so với Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.
Luật này đã khẳng định tất cả vì chất lượng môi trường, thực hiện Hiến pháp, đảm bảo cho người dân được sống trong môi trường trong lành và người dân được tiếp cận thông tin. Bên cạnh đó, cộng đồng dân cư sẽ có trách nhiệm, quyền hạn và nghĩa vụ tham gia như một chủ thể trong quá trình bảo vệ môi trường.
“Cùng với đó, Luật đã cắt giảm rất nhiều thủ tục hành chính, sẽ quản lý những gì cần quản, quản lý những gì có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao, đồng thời tạo điều kiện hết sức thông thoáng cho những lĩnh vực, những ngành ứng dụng công nghệ thân thiện với môi trường, tiết kiệm nước, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên… Chúng ta đã lần đầu thiết kế ở trong Luật này một xã hội và các lĩnh vực phát triển theo kinh tế tuần hoàn”, người đứng đầu ngành TN&MT chia sẻ.
Bên cạnh đó, Luật đã xác định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp trong quá trình đầu tư để đánh giá, dự báo được các tác động sẽ xảy ra, nhất là vấn đề nước thải, khí thải và chất thải rắn. Luật đã phân loại 17 loại hình sản xuất công nghiệp cần phải có giám sát đặc biệt, có quy trình đánh giá tác động, giám sát, kiểm soát sau xây dựng, cấp giấy chứng nhận chặt chẽ hơn…
Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh “tất cả vấn đề về chất lượng, quy chuẩn môi trường sẽ hướng đến đồng bộ với các nước tiên tiến, đặt quan điểm con người Việt Nam và con người ở các nước trên thế giới đều có quyền hưởng môi trường trong lành”.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà (ngoài cùng bên phải): trồng cây xanh là món quà gửi cho thế hệ mai sau |
"Món quà" gửi thế hệ tương lai
Một trong những vấn đề đang được xã hội rất quan tâm là Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh, đặc biệt là trong dịp "Tết trồng cây" vừa được Thủ tướng Chính phủ phát động. Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, đây là sáng kiến rất đúng đắn của người đứng đầu Chính phủ - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Về góc độ phân công của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan sẽ chịu trách nhiệm trong vấn đề bảo vệ và phát triển rừng. Tuy nhiên, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang xây dựng một đề án rất cụ thể để triển khai Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh.
“Tôi mong rằng mỗi người dân, tổ chức, doanh nghiệp, mỗi địa phương đều có riêng cho mình một sáng kiến đối với việc trồng cây. Tôi cũng nhấn mạnh rằng, đã đến lúc chúng ta cần phải thay đổi thái độ của cá nhân đối với tự nhiên, bởi tự nhiên đang đứng trước tác động rất lớn của việc phát triển kinh tế, việc mất cân bằng sinh thái tự nhiên đang là một nguy cơ rất lớn”, Bộ trưởng Bộ TN&MT mong muốn.
Thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ xem xét ở nhiều góc độ để triển khai sáng kiến này, để việc trồng cây không đơn thuần là phong trào, cũng không phải chỉ dừng lại ở 1 tỷ cây mà còn giúp phục hồi thiên nhiên về mặt sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, là di sản để lại cho các thế hệ sau này. Vì thế các đơn vị liên quan cần có những đánh giá hiệu quả xuất phát từ khoa học, đánh giá điều kiện thổ nhưỡng, các điều kiện đa dạng sinh học và điều kiện tự nhiên đặc thù của từng khu vực, từng địa phương.
Trên các điều kiện tự nhiên khác nhau, việc trồng cây cũng sẽ khác nhau, cây trồng tại rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, tại các khu công nghiệp, đường giao thông… cần phải có cách triển khai phù hợp để đạt được hiệu quả cao nhất. Ngoài ra, việc trồng cây cần được tất cả người dân cũng như các địa phương thực hiện thường xuyên và lâu dài. Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường cần đi đầu trong phong trào trồng cây.
“Chúng tôi cũng mong muốn các địa phương, doanh nghiệp và mỗi người dân sẽ có những sáng kiến trồng cây không phải chỉ mỗi dịp Tết, mà sẽ trồng cây quanh năm để bảo vệ hệ sinh thái. Đã trồng cây nào thì cây đó phải có giá trị và phải được bảo vệ, trồng cây nào thì cây đó trở thành “món quà” gửi lại cho thế hệ sau”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà bày tỏ.
Phát huy nguồn lực tài nguyên cho phát triển bền vững
Chia sẻ về những kế hoạch, dự định để tạo đột phá, phát huy nguồn lực tài nguyên cho phát triển bền vững trong năm mới Tân Sửu, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, trước hết, Bộ TN&MT sẽ tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật. Cùng với đó là từng bước triển khai thực hiện Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) năm 2020 để tiếp cận, giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường phù hợp với yêu cầu hội nhập và các cam kết quốc tế. Đồng thời, khuyến khích, thúc đẩy ngành công nghiệp môi trường, từng bước xây dựng nền kinh tế tuần hoàn; đưa công tác bảo vệ môi trường sang giai đoạn mới.
“Chúng tôi cũng sẽ tập trung quyết liệt vào công tác cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số. Bộ TN&MT đã ứng dụng thành công công nghệ số trong công tác chỉ đạo điều hành. 108 dịch vụ công đã có trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến của Bộ, trong đó, có 53 dịch vụ công mức độ 3, 55 dịch vụ công mức độ 4, đạt khoảng 50,9%. 100% các văn ban đã được số hóa. Chúng tôi đang xây dựng các tài nguyên số đối với lĩnh vực quản lý tài nguyên và môi trường của Bộ để ngành TN&MT có thể trở thành ngành kinh tế số”, người đứng đầu ngành TN&MT khẳng định.
Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu đang ngày càng trở nên cực đoan và khó đoán định. Vì thế, vấn đề đặt ra trong thời gian tới là làm sao tăng cường khả năng dự báo một cách chính xác hơn, đưa ra những cảnh báo kịp thời hơn, cũng như đánh giá được sự biến đổi của khí hậu để từ đó có thể đưa ra những quy hoạch tổng thể, kịp thời, chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động thích ứng.
Bộ TN&MT cũng đang xây dựng dự án, trong đó giai đoạn 1 là khoanh vùng, cảnh báo hiện trạng các khu vực sạt lở, lũ ống, lũ quét cho miền Bắc, miền Trung, cao nguyên. Giai đoạn 2 đi thêm một bước nữa là xác định các mục tiêu cần bảo vệ như các khu dân cư, các đô thị… Thiết lập hệ thống dự báo khí tượng thủy văn dày đặc tại đó. Nếu cần phải xây dựng hệ thống giám sát trực tiếp. Quan trọng hơn là cơ quan quản lý, người có trách nhiệm tại địa phương cần nâng cao hiểu biết để nắm bắt được công nghệ.
Cuối cùng, toàn ngành sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm phát huy nguồn lực tài nguyên cho phát triển KT-XH. Nâng cao hiệu quả sử dụng đất, chủ động mặt bằng cho triển khai các dự án đầu tư. Đẩy nhanh tiến độ tập trung đất đai cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Rà soát và công bố công khai các dự án vi phạm, kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật.
Thu Cúc