Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường. - Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Trên cương vị "tư lệnh" ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã có những chia sẻ nhìn lại một số dấu ấn của ngành nông nghiệp năm 2020.
Theo đánh giá, năm 2020 ngành nông nghiệp phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có, khi dịch COVID-19 khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy, trong khi thiên tai diễn biến khó lường. Nhưng đây lại là năm ngành nông nghiệp đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Bộ trưởng đánh giá như thế nào về kết quả này?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Đúng là năm 2020 đặt ra nhiều thách thức cho ngành nông nghiệp, dịch COVID-19 khiến chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, thiên tai diễn biến vô cùng khó lường nhưng nhờ sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự đồng thuận của các ngành, các địa phương và nhân dân, ngành nông nghiệp đã đạt được những kết quả bao trùm.
Một là tốc độ tăng trưởng GDP của ngành đạt 2,65%, sản lượng lương thực thực phẩm đáp ứng được nhu cầu của nhân dân và phục vụ xuất khẩu.
Nhờ tích cực mở cửa thị trường, tháo gỡ các rào cản thương mại bằng các giải pháp linh hoạt, dù dịch COVID-19 khiến chuỗi cung ứng có lúc gián đoạn nhưng xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2020 tiếp tục lập kỷ lục mới.
Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2020 đạt 41,2 tỷ USD, tăng 2,5% so với năm 2019, con số cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, các mặt hàng nông sản chính ước 18,54 tỷ USD, giảm 0,5%; thuỷ sản 8,47 tỷ USD, giảm 0,8%; lâm sản và đồ gỗ ước đạt trên 12,8 tỷ USD, tăng 13,4%.
Tiếp tục duy trì 09 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1,0 tỷ USD, trong đó có 05 mặt hàng có kim ngạch trên 03 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 12 tỷ USD; tôm ước đạt 3,66 tỷ USD; rau quả đạt gần 3,35 tỷ USD; hạt điều đạt 3,24 tỷ USD; gạo 3,07 tỷ USD). Thặng dư thương mại toàn ngành đạt 10,4 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019.
Chương trình xây dựng nông thôn mới hoàn thành chỉ tiêu đề ra, với 62% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới, vượt chỉ tiêu 5 năm đề ra.
Mặc dù thiên tai khắc nghiệt nhưng nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp nên đã hạn chế thiệt hại trong hoàn cảnh dị thường của thời tiết, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện, thu nhập bình quân của người dân đạt 43 triệu đồng/người/năm.
Năm 2020, ngành sản xuất, chế biến lúa gạo là một trong những ngành hàng luôn tăng trưởng dương về xuất khẩu, bất chấp những khó khăn. Theo Bộ trưởng, đâu là nền tảng để ngành lúa gạo đạt được kết quả ấn tượng này?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Có thể khẳng định lúa gạo là ngành có sự đổi mới rất nhanh về công nghệ trong hệ sinh thái nông nghiệp.
Hiện nay, chúng ta đã có bộ tổ hợp giống lúa chất lượng cao, phù hợp với từng mùa vụ, từng vùng sinh thái. Thực tế, trong bản đồ gene công bố năm 2015, có đến 90% lượng giống lúa đều là sản phẩm nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam.
Điều đáng ghi nhận là, hệ canh tác ngày càng hoàn thiện, được tổng kết, nâng lên thành quy trình kỹ thuật phù hợp với từng vùng.
Không chỉ chăm lo cho sản xuất, lĩnh vực chế biến cũng ngày càng phát triển, các công nghệ chế biến gạo tốt nhất, hiện đại nhất đã được các doanh nghiệp ứng dụng. Hiện nay, có đến 85% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam là gạo chất lượng cao.
Bằng nhiều giai đoạn kế tiếp, cho đến nay, chúng ta đã có quy trình công nghệ tương đối toàn diện cho phát triển ngành lúa gạo, chính vì thế, năm nay dù đối mặt với nhiều khó khăn do dịch COVID-19, thiên tai dị thường, cạnh tranh khốc liệt nhưng ngành lúa gạo vẫn đảm bảo về lượng và chất, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục lập kỷ lục, có lúc cao hơn cả gạo Thái Lan, đồng thời đáp ứng nhu cầu cho tiêu dùng, chế biến trong nước.
Trong thời gian tới, ngành lúa gạo sẽ tiếp tục đổi mới các công đoạn sản xuất, chế biến, thương mại để làm sao hạt gạo thành “hạt ngọc trời”, đem lại giá trị chân thực cho nông dân, hoàn thành nghĩa vụ đảm bảo an ninh lương thực.
Việt Nam đã và sẽ tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, cơ hội và thách thức luôn song hành. Theo Bộ trưởng, ngành nông nghiệp cần làm gì để hóa giải các thách thức, tận dụng tốt cơ hội mà các FTA mang lại?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Trong lộ trình hội nhập với nền kinh tế toàn cầu, chúng ta đã chủ động hội nhập. Hiện, Việt Nam đã tham gia 13 FTA với tất cả các thị trường lớn trên thế giới. Chỉ tính riêng năm 2020, đã có nhiều FTA được ký kết hoặc đi vào thực thi. Một là, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực, giúp nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu vào EU được hưởng ưu đãi lớn về thuế. Hai là, Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vừa được ký kết, mở ra cục diện tích cực vì thị trường được mở ra, thuế quan được ưu đãi, hiệu quả kinh tế cao hơn khi chúng ta đứng trước cơ hội mở rộng thị trường; dòng chảy đầu tư, công nghệ, trao đổi hợp tác cũng được nâng lên.
Nhưng cái gì cũng có hai mặt, tham gia các FTA cũng có nghĩa chúng ta phải cạnh tranh với hàng hóa của nước bạn, chấp nhận cuộc chơi khốc liệt, nếu như hàng rào thuế quan được gỡ bỏ thì sẽ có những hàng rào kỹ thuật, hàng rào phi thuế quan được dựng lên, thậm chí một số nước tiến tới con đường bảo hộ mậu dịch.
Trong khi đó, trình độ phát triển logistics, trình độ quản trị của chúng ta chưa hoàn thiện, đây là những thách thức lớn chúng ta phải đối mặt.
Đứng trước cả những cơ hội và thách thức, năm 2021 ngành nông nghiệp sẽ ưu tiên những giải pháp gì để đạt được mục tiêu đề ra, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Trước hết phải nhìn nhận, năm 2021, chúng ta vẫn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức lớn, trong đó, bao trùm là dịch COVID-19 sẽ còn tác động đến kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, diễn biến khó lường, tác động đến nhiều ngành kinh tế, trong đó nông nghiệp chịu ảnh hưởng lớn nhất.
Trong bối cảnh đó, chúng tôi xác định tập trung 2 nhóm chương trình lớn, một là tiếp tục tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, tập trung, khép kín chuỗi giá trị, trên cơ sở đồng bộ 3 nhóm sản phẩm chủ lực (sản phẩm chủ lực quốc gia, nông sản thế mạnh của các tỉnh và các sản phẩm đặc sản quy mô địa phương).
Hai là, trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới công tác quản trị trên nền tảng số, hướng đến nền nông nghiệp thông minh; quan tâm phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch.
Tiếp tục mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, để doanh nghiệp trở thành nòng cốt hạt nhân trong chuỗi liên kết, hình thành các hợp tác xã kiểu mới, làm sao nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp tạo thành trục liên kết nhuần nhuyễn thì mới có thể đạt được mục tiêu đưa nền nông nghiệp phát triển theo hướng chủ động, hiện đại và hội nhập.
Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, phối hợp với các địa phương tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Có sự tham gia của doanh nghiệp thì dù chúng ta đi lên từ những mảnh ruộng nhỏ nhưng vẫn có sản xuất quy mô lớn, trong đó, liên kết là chìa khóa.
Ngoài ra, chúng tôi cũng phối hợp với các ngành, đoàn thể và địa phương chú trọng giải pháp đào tạo để hình thành một thế hệ nông dân mới, hình thành một lực lượng lao động chất lượng cao trong nông nghiệp, thúc đẩy các trung tâm đào tạo cả trong và ngoài ngành, đào tạo cả đội ngũ cán bộ quản lý cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hướng đến một nền nông nghiệp hiện đại.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!