Ngày 17/1, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Bình năm 2021 với chủ đề “Quảng Bình - Tiềm năng, An toàn và Khác biệt”.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Bình năm 2021 là sự kiện quan trọng, rất ý nghĩa, có phạm vi ảnh hưởng và sức lan tỏa lớn được tổ chức ngay trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Theo Phó Thủ tướng, trong kết quả chung của cả nước trong thời gian qua, có sự đóng góp rất quan trọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Bình Anh hùng – một địa phương giàu truyền thống lịch sử, văn hoá, cách mạng.
Năm 2020, tuy phải gánh chịu thiệt hại nặng nề do mưa lũ lịch sử nhưng kinh tế vẫn tăng trưởng 2,63%. Một số dự án công nghiệp lớn trọng điểm như Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch, cụm trang trại điện gió B&T được khởi công đầu tư cho thấy quyết tâm cao của tỉnh và các nhà đầu tư. Quảng Bình đã phát huy tiềm năng, thế mạnh về du lịch để phát triển kinh tế du lịch. Đây là một trong những thành công lớn của tỉnh trong chiến lược phát triển du lịch.
Về thu hút nguồn lực cho đầu tư phát triển, tuy còn rất nhiều hạn chế, khó khăn, nhưng tỉnh Quảng Bình đã có nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả trong công tác kêu gọi, xúc tiến đầu tư. Đến nay, đã phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư cho 448 dự án đầu tư với số vốn đăng ký trên 52 nghìn tỷ đồng. Trong đó, có 25 dự án FDI được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư là gần 1,1 tỷ USD. Riêng năm 2020, đã phê duyệt chủ trương đầu tư 74 dự án với tổng mức đầu tư gần 16,6 nghìn tỷ đồng.
Công tác cải cách hành chính được tập trung chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả. Quảng Bình là tỉnh có Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh liên tục nhiều năm liền đứng tốp đầu cả nước, đây là chỉ số rất quan trọng, đánh giá sự hài lòng của người dân đối với chính quyền địa phương.
Lợi thế nhiều mặt để trở thành trung tâm kinh tế biển mạnh
Bên cạnh kết quả đạt được, Quảng Bình vẫn còn những tồn tại, hạn chế và đang đứng trước những khó khăn, thách thức cần phải tập trung khắc phục trong thời gian tới.
Cụ thể là, tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động chưa thật sự rõ nét; năng suất lao động còn thấp. Thu ngân sách còn nhiều khó khăn, cơ cấu nguồn thu chưa hợp lý. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đang ở thứ hạng thấp...
Đặc biệt, tỉnh chưa đề ra được một chương trình phát triển kinh tế biển bài bản, có trọng tâm, trọng điểm, kết hợp du lịch biển với các loại hình – sản phẩm du lịch khác (như hang động, khám phá, lịch sử, tâm linh…) để khai thác tối đa một trong những lợi thế cạnh tranh lớn nhất của Quảng Bình.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, là một địa phương thuộc vùng duyên hải Trung Bộ, Quảng Bình có lợi thế về nhiều mặt để trở thành trung tâm kinh tế biển mạnh, làm giàu từ biển, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của đất nước.
Đặc biệt, Quảng Bình được thiên nhiên ưu đãi với Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là di sản thiên nhiên đầu tiên của Đông Nam Á đạt 3 tiêu chí về di sản. Quảng Bình được Tổ chức Kỷ lục Thế giới công nhận là tỉnh có dải cát ven biển dài nhất Việt Nam.
Đây là những điều kiện hết sức thuận lợi để tỉnh Quảng Bình phát triển du lịch và Quảng Bình thực sự đã là điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế. Được ví như một Việt Nam thu nhỏ, Quảng Bình có đầy đủ các tiềm năng, lợi thế để phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội, sẽ thành một trung tâm du lịch lớn của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư lần này, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Bình đã lựa chọn và trao quyết định chủ trương đầu tư 14 dự án cho 11 nhà đầu tư với tổng mức đầu tư đăng ký khoảng 1 tỷ USD và ký biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư 23 dự án cho 18 nhà đầu tư.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, đây là những con số vô cùng ấn tượng, là lượng vốn đầu tư lớn đối với một địa phương cấp tỉnh và là tin vui, tín hiệu tốt đối với kinh tế - xã hội của Quảng Bình và cả nước ngay trong những ngày đầu năm 2021.
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, tỉnh cần phát huy có hiệu quả cao nhất tiềm năng, lợi thế của Quảng Bình, phấn đấu đến năm 2025 tỉnh Quảng Bình là tỉnh phát triển khá trong khu vực như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Bình cần tiếp tục đổi mới, sáng tạo, quyết liệt để tạo môi trường đầu tư thuận lợi để huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.
Trước hết, phải tiếp tục tập trung tái cấu trúc nền kinh tế gắn với tiềm năng, lợi thế và nhu cầu của thị trường trong nước, quốc tế nhằm nâng cao quy mô, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Trong đó: Tập trung phát triển các lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là du lịch, coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn để khai thác tiềm năng, lợi thế to lớn về du lịch của Quảng Bình (Phong Nha Kẻ Bàng, du lịch biển; thám hiểm, sinh thái, nghỉ dưỡng…). Phát triển các khu du lịch gắn với phát triển đô thị biển.
Mục tiêu là phát triển để Quảng Bình trở thành một trung tâm du lịch lớn của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quảng Bình lần thứ 17 đã đề ra.
Bên cạnh đó, Quảng Bình có thể tập trung phát triển một số ngành dịch vụ như Du lịch, thương mại, vận tải, logistics, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hoá – thể thao… trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Chú trọng phát triển kinh tế nông – lâm nghiệp - thuỷ sản gắn với bảo vệ và phát triển rừng, cùng với khai thác, tiềm năng phát triển kinh tế biển.
Đồng thời đẩy mạnh phát triển công nghiệp, coi công nghiệp làm nền tảng, là động lực cho sự phát triển của tỉnh. Gắn phát triển công nghiệp với các tiềm năng, lợi thế từ biển để phát triển (năng lượng, công nghiệp chế biến thuỷ - hải sản, các ngành công nghiệp khác).
Tạo môi trường thông thoáng, hấp dẫn các nhà đầu tư
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, phải rà soát, cập nhật, bổ sung, lập mới các quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch tỉnh (trong đó đặt Quảng Bình trong mối liên kết chặt chẽ với Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, các tỉnh trong khu vực duyên hải miền Trung – Tây nguyên), quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn, các quy hoạch hạ tầng khác,...
Trên cơ sở quy hoạch, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch (xác định rõ lộ trình, nguồn lực (nhà nước, doanh nghiệp, vốn đầu tư nước ngoài…)
Tỉnh cần huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả nguồn lực Nhà nước, tư nhân và các nguồn lực hợp pháp khác để tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đảm bảo đồng bộ, từng bước hiện đại.
Trong đó, ưu tiên đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án trọng điểm về giao thông vận tải, kết nối các vùng, khu vực, trung tâm kinh tế; xây dựng đồng bộ, hiện đại hạ tầng ở các đô thị; tạo bứt phá trong phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, xây dựng…
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, việc bấm nút khởi động Dự án Đường ven biển và Cầu nhật Lệ III là một trong những dự án động lực về kết cấu hạ tầng của tỉnh giai đoạn 2021-2025.
Phó Thủ tướng đề nghị các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải và các Bộ ngành liên quan theo chức năng nhiệm vụ quan tâm cân đối nguồn lực và tạo mọi điều kiện giúp Quảng Bình triển khai dự án đảm bảo tiến độ, đồng thời quan tâm hỗ trợ giúp tỉnh hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, từng bước hiện đại.
Thời gian tới, tỉnh cũng cần tiếp tục tập trung cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính. Cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), trọng tâm là tạo đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, tạo môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch thông thoáng, thật sự hấp dẫn các nhà đầu tư.
Đối với cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư vào tỉnh Quảng Bình, Phó Thủ tướng đề nghị cần thực hiện đúng các cam kết đầu tư, ghi nhớ đầu tư, giải ngân vốn đầu tư nhanh, triển khai đầu tư đúng tiến độ đã cam kết./.
Nhật Bắc
Từ khóa: Phó Thủ tướng , Trịnh Đình Dũng , Quảng Bình , kinh tế , đầu tư , du lịch , thương mại , thị trường