Đặt mục tiêu tái cấu trúc ngành nông nghiệp từ lợi thế của địa phương, tỉnh Quảng Ninh đã lựa chọn quy hoạch vùng sản xuất tập trung, chọn sản phẩm lợi thế, ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, phát triển theo chuỗi giá trị gắn với thị trường. Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng cải cách hành chính, thu hút doanh nghiệp tại chỗ, doanh nghiệp ngoài địa bàn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, khu vực nông thôn.
Theo đó, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai Chương trình OCOP với 3 mục tiêu: Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ có lợi thế ở các địa bàn xã, phường, thị trấn, góp phần tái cơ cấu nền kinh tế Quảng Ninh theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị; Thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới; Thông qua việc phát triển sản xuất tại các địa bàn nông thôn, góp phần hạn chế việc di cư ra thành phố, bảo vệ môi trường và gìn giữ ổn định trật tự nông thôn.
Sau 6 năm triển khai Chương trình, tỉnh đã thành lập được hệ thống tổ chức (Ban Chỉ đạo/Điều hành OCOP) ở cấp tỉnh và 14 huyện, thị xã, thành phố; ban hành được Bộ công cụ quản lý chương trình; thiết kế, đăng ký được nhãn hiệu sở hữu trí tuệ OCOP và đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng chứng nhận sở hữu trí tuệ, làm cơ sở bảo hộ cho toàn bộ sản phẩm, dịch vụ của chương trình. Xây dựng và đưa vào hoạt động 29 trung tâm, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP với quy mô cấp huyện, tỉnh.
Đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã có 169 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở hộ sản xuất với 421 sản phẩm tham gia Chương trình; trong đó có 196 sản phẩm đạt từ 3 - 5 sao. Các sản phẩm từng bước hoàn thiện, đảm bảo tiêu chuẩn cao về an toàn thực phẩm, mẫu mã và được người tiêu dùng đón nhận. Các sản phẩm OCOP lợi thế như: tôm thẻ chân trắng, thủy sản chế biến; hàu Thái Bình Dương; lợn Móng Cái; gà Tiên Yên, trà hoa vàng; miến dong…
Ông Lê Hồng Giang, Phó giám đốc Sở Công Thương Quảng Ninh cho biết: “Tỉnh đã triển khai cấp quyền sử dụng nhãn hiệu OCOP-QN cho 138/138 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên của 14 địa phương, Việc dán tem truy suất nguồn gốc đã góp phần khẳng định uy tín, thương hiệu của sản phẩm, chống hàng giả, hàng kém chất lượng, tạo niềm tin đối với người tiêu dùng trên thị trường”.
Ông Đinh Mạnh Linh, cán bộ Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Bình Liêu chia sẻ: “Nhờ có Chương trình OCOP, miến dong Bình Liêu đã có thương hiệu và được thị trường đón nhận. Đồng thời, tạo việc làm cho bà con vùng DTTS. Hiện thu nhập của người lao động trong cơ sở sản xuất đạt bình quân từ 5-7 triệu đồng/người/tháng”.
Đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã có 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (Đông Triều, Cô Tô, Cẩm Phả); có 2 đơn vị (Uông Bí, Móng Cái) đã được Hội đồng thẩm định Trung ương thông qua, đang trình Thủ tướng Chính phủ công nhận. Toàn tỉnh có 81,1% xã đạt chuẩn NTM, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều chỉ còn 1%, và thu nhập bình quân đầu người toàn tỉnh đạt trên 40 triệu đồng/người/năm. Chương trình OCOP thật sự đã trở thành sức bật trong phát triển kinh tế nông nghiệp tại Quảng Ninh.
Theo Báo dân tộc và phát triển