TẦM QUAN TRỌNG CỦA NGUỒN LỰC BÊN NGOÀI ĐỐI VỚI SỰ PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC HIỆN NAY

 Việt Nam bắt đầu thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ năm 1997. Đến năm 2006, bắt đầu làn sóng các nhà đầu tư lớn, đầu tiên là tập đoàn Intel (Mỹ) với vốn đăng ký dự án là 1 tỷ USD tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Tính đến cuối năm 2019, cả nước có 30.827 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 362,58 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 211,78 tỷ USD - bằng 58,4% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.

Năm 2020 do chịu tác động của đại dịch COVID-19 nên dòng vốn đầu tư toàn cầu đình trệ. Trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn thu được nguồn FDI đáng kể. Tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 28,53 tỷ USD.

Vai trò rõ nhất của FDI trong những năm qua là tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đóng góp vào thu ngân sách nhà nước và hội nhập kinh tế quốc tế. Khu vực FDI góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế. Bên cạnh đó, FDI còn giúp Việt Nam đa dạng hóa cơ cấu sản xuất, tạo sự lan tỏa về công nghệ, kinh nghiệm quản lý hiện đại, góp phần đưa Việt Nam tham gia nhiều công đoạn của chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu.

Việc thu hút FDI cũng góp phần tích cực hoàn thiện thể chế kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo các nguyên tắc của nền kinh tế thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam. Bên cạnh đó, sự có mặt của các doanh nghiệp FDI cũng là động lực nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nội địa trong ứng dụng, phát triển công nghệ, đổi mới quản trị kinh doanh, nâng cao năng suất lao động. Với tiềm lực mạnh hơn hẳn các doanh nghiệp trong nước về vốn, công nghệ, quản trị, kết nối thị trường, lại ít bị tác động hơn bởi những rào cản từ thể chế, bất ổn kinh tế, các doanh nghiệp FDI đã nhanh chóng vượt lên nắm giữ tỷ trọng ngày càng cao trong những lĩnh vực được coi là động lực tăng trưởng của nền kinh tế, như công nghiệp chế tác và xuất khẩu.

Ngày 20-8-2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW, “Về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030”. Đây là lần đầu tiên, Bộ Chính trị ban hành một nghị quyết riêng về thu hút FDI. Điều này cho thấy vai trò, vị trí, tầm quan trọng của nguồn lực bên ngoài đối với sự phát triển đất nước hiện nay và tính cấp bách của việc đề ra những chủ trương, chính sách mới để lãnh đạo, định hướng vấn đề này sau hơn 30 năm thực hiện Luật Đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực nêu trên, khu vực này cũng bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, như công nghệ lạc hậu, việc chuyển giao công nghệ không được như kỳ vọng; tác động đến chất lượng nguồn nhân lực không nhiều; khả năng kết nối giữa khu vực kinh tế FDI với các doanh nghiệp trong nước không cao.

Ngoài ra, còn nhiều vấn đề liên quan đến an sinh xã hội, như: 1- Phát sinh các bất cập về lao động, việc làm: mặc dù khu vực doanh nghiệp có vốn FDI đang tạo việc làm cho gần 10 triệu lao động nhưng một tình trạng khá phổ biến diễn ra ở nhiều doanh nghiệp FDI là sa thải người lao động trên 35 tuổi... Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy, nhất là vấn đề an sinh xã hội, tìm kiếm, bố trí việc làm mới cho người lao động, tạo tâm lý bất an và các vấn đề tiêu cực khác. 2- Tác động tiêu cực đến môi trường: nhiều dự án FDI không tuân thủ nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường, dẫn đến những tác động tiêu cực đến môi trường như gia tăng ô nhiễm, xói mòn và suy kiệt tài nguyên thiên nhiên. 3- Thất thu thuế: để chạy đua về số lượng FDI, nhiều khi các địa phương và ngay cả Chính phủ đã có lúc “trải thảm đỏ” quá mức với những ưu đãi về thuế, giá thuê đất, giá điện,… bóp méo thị trường cạnh tranh, tạo bất lợi cho các doanh nghiệp trong nước, chưa kể còn có tình trạng một bộ phận doanh nghiệp FDI chuyển giá, trốn thuế VAT, khai thấp lợi nhuận để trốn thuế doanh nghiệp. 

Báo cáo kết quả tổng hợp phân tích báo cáo tài chính năm 2019 của các doanh nghiệp FDI được Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho thấy, có khoảng 55% số doanh nghiệp FDI báo lỗ. Báo cáo cũng cho thấy, đến cuối năm 2019, có 25.054 doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam, trong đó có 22.603 doanh nghiệp có dữ liệu báo cáo tài chính đầy đủ để phân tích. Theo đó, có 12.455 doanh nghiệp FDI báo lỗ 131.445 tỷ đồng trong năm 2019. Bên cạnh đó, hiện tượng chuyển giá, trốn thuế diễn ra ở một số doanh nghiệp FDI; doanh nghiệp luôn báo lỗ, thậm chí lỗ liên tục nhiều năm, nhưng vẫn mở rộng sản xuất, kinh doanh, doanh thu các năm đều tăng.

THỰC TRẠNG KẾT NỐI GIỮA KHU VỰC KINH TẾ CÓ VỐN ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI VỚI CÁC DOANH NGHIỆP TRONG NƯỚC

Việc kết nối khu vực FDI với phần còn lại của nền kinh tế có vai trò đặc biệt quan trọng đối với cả hai bên. Khu vực FDI có tính cạnh tranh cao trên thị trường toàn cầu nên các nguồn lực huy động sẽ được sàng lọc khách quan và khắt khe nhất. Đối với nhà đầu tư nước ngoài, các nguồn lực giá rẻ trong nước như lao động, đất đai, tài nguyên, ưu đãi chính sách được khai thác để thu lợi nhuận. Đối với khu vực kinh tế trong nước, việc kết nối với khu vực FDI sẽ tiếp nhận được vốn đầu tư, công nghệ hiện đại, kinh nghiệm quản lý tiến tiến, thương hiệu mạnh và mạng lưới kinh doanh mở rộng trên toàn cầu. Đây là cách thức để khu vực kinh tế trong nước nhanh chóng cải thiện năng lực sản xuất, kinh doanh để bắt kịp với trình độ phát triển của khu vực FDI.

Tuy nhiên, theo các đánh giá của chuyên gia kinh tế, FDI ít có tác động lan tỏa, hay nói cách khác, mức độ kết nối chưa cao; trong nền kinh tế dường như đang tồn tại song song đồng thời hai khu vực có tính tách biệt rất lớn là khu vực FDI và khu vực kinh tế còn lại.

Mức độ kết nối có thể xem xét trực tiếp thông qua lựa chọn hình thức đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài cũng như khả năng kết nối theo chuỗi cung ứng giữa doanh nghiệp nội địa với doanh nghiệp FDI để sáng tạo giá trị.

Xét theo khả năng kết nối, liên kết giữa doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp cung ứng trong nước còn yếu. Các dự án FDI chưa tạo được mối liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp Việt Nam để cùng tham gia chuỗi giá trị, chưa thúc đẩy được ngành công nghiệp phụ trợ trong nước phát triển.

Điều tra năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhiều năm liền cho thấy, tỷ lệ các doanh nghiệp tư nhân trong nước đang cung cấp các hàng hóa, dịch vụ cho doanh nghiệp FDI tương đối hạn chế. Theo kết quả điều tra PCI giai đoạn 2016 - 2017, chỉ có khoảng 14% số doanh nghiệp tư nhân có khách hàng là các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam. Tỷ lệ này của năm 2019 có dấu hiệu cải thiện nhưng vẫn chỉ ở mức là 17%.

Từ phía các doanh nghiệp FDI, liên kết hàng dọc với các doanh nghiệp trong nước hiện vẫn còn yếu (theo thống kê của VCCI thì chỉ 37% đầu vào của FDI được mua tại Việt Nam, trong đó một tỷ lệ đáng kể lại mua từ chính các doanh nghiệp FDI khác). Các doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao thường có xu hướng nhập hàng hóa đầu vào từ nước xuất xứ của mình hơn là các doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thấp và có xu hướng sử dụng nhà cung cấp tư nhân trong nước ít hơn.

Tỷ lệ nội địa hóa thấp, bình quân khoảng 20% - 25%(1). Việt Nam nằm ở vị trí thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu, giá trị gia tăng thấp. Đây là bằng chứng cho thấy điều kiện tiến bộ công nghệ của doanh nghiệp trong nước chưa đủ đáp ứng đòi hỏi chuỗi sản xuất và lắp ráp công nghệ cao của các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới. 

Xét về hình thức đầu tư, liên doanh là phương tiện hiệu quả nhất để Việt Nam học hỏi kinh nghiệm quản lý, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực trình độ cao, song tỷ trọng của hình thức này thậm chí ngày càng giảm. Điều này cho thấy, mức độ lan tỏa của khu vực FDI bị hạn chế dẫn đến tình trạng không tận dụng hiệu quả động lực thúc đẩy của nó đối với sự phát triển kinh tế nội địa.

Nguyên nhân của tình trạng trên trước hết là do nhận thức về tầm quan trọng của việc kết nối này ở nhiều cấp độ còn hạn chế, cùng với đó là cơ chế, chính sách chưa đồng bộ, thiếu tầm nhìn dài hạn,… Bên cạnh đó, các điều kiện kết nối khá hạn chế, như trình độ công nghệ, nguồn nhân lực, nhận thức về sự kết nối của bản thân các doanh nghiệp trong nước để bảo đảm sự sống còn trong cạnh tranh còn thấp, kỹ thuật kết nối chưa được nghiên cứu và vận dụng phù hợp. Ngoài ra, còn một nguyên nhân nữa là khoảng cách địa lý giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa.

Điểm lợi thế của Việt Nam dưới con mắt các nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu vẫn là chi phí rẻ, có các chính sách ưu đãi FDI phù hợp, môi trường kinh doanh ổn định, mức thuế ưu đãi và khả năng tác động của họ tới chính sách tốt hơn.

Phần lớn các doanh nghiệp trong nước là vừa và nhỏ nên yếu về vốn và thiếu công nghệ cao. Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước còn đơn giản, hàm lượng công nghệ thấp. Điều này dẫn đến các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam còn nhiều hạn chế về năng lực tổ chức, quản lý, sản xuất và công nghệ kỹ thuật, thiếu  nguồn lực để đổi mới, lĩnh vực sản xuất khá giống nhau, cả về quy mô, trình độ, công nghệ và sản phẩm..., khó có thể cung cấp linh kiện, phụ tùng cho các doanh nghiệp FDI, nên chưa tham gia nhiều vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.

Về phía các doanh nghiệp FDI, có tới 70% số dự án đầu tư vào Việt Nam có quy mô dưới 10 triệu USD nên cũng khó tạo được liên kết.

THÚC ĐẨY KẾT NỐI KHU VỰC KINH TẾ FDI CÓ VỐN ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI VỚI CÁC DOANH NGHIỆP TRONG NƯỚC

Quan điểm đối với thu hút nguồn vốn FDI trong giai đoạn tới được xác định là: Cần đổi mới chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, ưu tiên các dự án có công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại; liên kết, chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp trong nước, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước tham gia có hiệu quả vào các chuỗi giá trị toàn cầu.

Để thực hiện nhiệm vụ này, cần xây dựng lại chiến lược thu hút FDI theo cách tiếp cận mới, được định hướng bởi các mục tiêu phát triển quốc gia đến năm 2045, thiết kế với tinh thần đẩy mạnh gắn kết với các thành phần kinh tế trong nước, ưu tiên thu hút FDI chất lượng cao (công nghệ cao, hiện đại, ít gây ô nhiễm, tạo giá trị gia tăng lớn, có khả năng liên kết và lan tỏa phát triển đến khu vực trong nước).

Cùng với đó, cần tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Thứ nhất, có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp FDI liên doanh, liên kết với doanh nghiệp trong nước. Kinh nghiệm của Trung Quốc và nhiều nước cho thấy, các dự án liên doanh thường có hiệu quả về chuyển giao công nghệ cao hơn so với các dự án 100% vốn nước ngoài. Cùng với đó, cần yêu cầu và khuyến khích các doanh nghiệp FDI thực hiện các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Việt Nam. Những hoạt động này sẽ tác động tích cực đến quá trình chuyển giao công nghệ. Các doanh nghiệp trong nước phải nỗ lực nâng cao năng lực về tất cả các mặt, từ công nghệ đến năng lực, trình độ của đội ngũ người lao động, quản lý. Chỉ khi đó, các doanh nghiệp FDI mới tìm đến đặt hàng và hỗ trợ hoàn thiện quy trình sản xuất đáp ứng yêu cầu của họ.

Thứ hai, cần xây dựng quy hoạch tổng thể ngành, vùng, địa phương, trên cơ sở đó, rà soát lại việc sử dụng FDI hiện tại để có kế hoạch điều chỉnh, cơ cấu lại hợp lý. Ưu tiên các nhà đầu tư chiến lược; tạo lập chuỗi sản xuất toàn cầu; ưu tiên doanh nghiệp công nghệ cao và chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp Việt Nam.

Thứ ba, có chính sách cụ thể để hỗ trợ và tăng cường sự kết nối giữa doanh nghiệp FDI với các nhà cung cấp trong nước, bao gồm việc xây dựng cơ sở dữ liệu các doanh nghiệp FDI, các nhà cung cấp, các dịch vụ kết nối, các chương trình xúc tiến đầu tư nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài có chính sách ưu tiên, hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước. Trong thiết kế các khu công nghiệp riêng dành cho đầu tư FDI, cần tính đến sự kết nối với các khu, cụm công nghiệp dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đặc biệt, phải tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp, tập đoàn thiết lập các trung tâm và mở rộng hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) có sự tham gia của đội ngũ kỹ sư trong nước.

Thứ tư, chuẩn bị và nâng cao năng lực hấp thụ những chuyển giao công nghệ. Để hỗ trợ việc chuyển giao công nghệ, cần có chiến lược dài hạn, tham gia của cả doanh nghiệp và Chính phủ. Xây dựng cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trong nước kết nối với doanh nghiệp FDI, trong đó có cơ chế, chính sách hỗ trợ về lãi suất, tài chính, tiếp cận các nguồn lực đầu tư để nâng cấp các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước đủ khả năng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Đặc biệt, cần có chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ các ngành công nghiệp ưu tiên theo từng thời kỳ, tránh đầu tư dàn trải, không hiệu quả./.

Việt Tùng (Tạp chí Cộng sản 13/2/2021)

Theo http://www.tuyengiao.vn/kinh-te/tang-cuong-ket-noi-khu-vuc-kinh-te-co-von-dau-tu-truc-tiep-nuoc-ngoai-voi-cac-doanh-nghiep-trong-nuoc-132088