Nhân dịp đầu Xuân Tân Sửu năm 2021, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trả lời phỏng vấn Báo điện tử Chính phủ về những kết quả đã đạt được cũng như định hướng công tác quản lý ngân sách, hiện đại hoá ngành tài chính trong thời gian tới.

Xin Bộ trưởng đánh giá về những kết quả thực hiện nhiệm vụ quản lý tài chính-ngân sách Nhà nước (NSNN) giai đoạn 5 năm 2016-2020. Điều này có có ý nghĩa như thế nào trong việc định hướng công tác quản lý trong giai đoạn tới đây?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Nhiệm vụ tài chính-NSNN 5 năm 2016-2020 được triển khai thực hiện trong điều kiện có nhiều thuận lợi, khó khăn đan xen, thậm chí phát sinh những yếu tố chưa từng có tiền lệ, đặc biệt là những năm cuối nhiệm kỳ, căng thẳng thương mại giữa các nước lớn leo thang, đại dịch COVID-19 xuất hiện, đã làm cho nhiều quốc gia trên thế giới rơi vào suy thoái nghiêm trọng. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đến thời điểm này, chúng tôi đánh giá đã đạt và vượt mục tiêu các nhiệm vụ tài chính-NSNN được đề ra tại Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.

Cụ thể, về thể chế, cho đến nay, việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các chính sách, chế độ về tài chính-NSNN đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu đề ra, phù hợp tình hình thực tế và các cam kết hội nhập, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính-NSNN.

Cơ cấu thu NSNN bền vững hơn, tỉ trọng thu nội địa trong tổng thu NSNN tăng từ 68% bình quân giai đoạn 2011-2015 lên 85,5% năm 2020 (kế hoạch là 84-85%)…

Đặc biệt, đã thực hiện cơ cấu lại chi NSNN, kiểm soát quy mô chi phù hợp quy mô thu và mục tiêu giảm dần bội chi, ưu tiên nguồn lực thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các đột phá chiến lược của nền kinh tế về hạ tầng, về nguồn nhân lực…

Riêng năm 2020, đại dịch COVID-19 bất ngờ xảy ra, với diễn biến vô cùng phức tạp. Để triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã chủ động điều hành chính sách tài khóa ứng phó với đại dịch, hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân, bảo đảm an sinh xã hội. Cụ thể, Bộ Tài chính đã đề xuất giải pháp hỗ trợ về dòng tiền, tăng khả năng thanh khoản cho doanh nghiệp thông qua việc miễn, giảm, giãn thuế và một số khoản thu NSNN, gia hạn tiền thuế, thuê đất, phí trước bạ…

Tổng số tiền thuế và thu ngân sách đã gia hạn, miễn, giảm theo các chính sách đã ban hành đến hết tháng 11/2020 đạt khoảng 100 nghìn tỷ đồng, ước thực hiện cả năm đạt gần 112 nghìn tỷ đồng (trong đó số tiền thuế, phí, lệ phí và  tiền thuê đất được gia hạn khoảng 84,4 nghìn tỷ đồng; số được miễn, giảm khoảng 27,3 nghìn tỷ đồng).

Có thể thấy, đặt trong tổng thể các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đã được ban hành và triển khai thực hiện vào thực tế, các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất nêu trên được đánh giá là kịp thời, có tác động tích cực và được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, góp phần tháo gỡ khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và duy trì tăng trưởng.

Dù bối cảnh khó khăn nhưng bằng các biện pháp đồng bộ, bội chi NSNN năm 2020 dưới 4% GDP ước thực hiện, tăng khoảng 0,5%GDP so với dự toán (dự toán là 3,44% GDP), nhưng chỉ bằng 1/10 mức Quốc hội cho phép điều chỉnh.

Sang năm 2021, dự báo tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Xin Bộ trưởng cho biết những giải pháp chủ yếu sẽ được thực hiện để vừa hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo mục tiêu thu NSNN trong năm 2021?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Theo đánh giá của các tổ chức tài chính quốc tế có uy tín như WB, IMF…, sang năm 2021 kinh tế thế giới sẽ bước vào quá trình phục hồi, sau khi đã bị suy giảm sâu trong năm 2020 do tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên quá trình này giữa các quốc gia là rất khác nhau, phụ thuộc vào diễn biến của đại dịch, cũng như khả năng phổ cập vaccine phòng dịch.

Đối với nước ta, những thành quả đạt được trong năm 2020 về phát triển kinh tế-xã hội và NSNN là hết sức tích cực và đáng tự hào, đóng góp vào thành công chung của cả nhiệm kỳ 2016-2020, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước, nâng cao uy tín và vị thế của đất nước trên trường quốc tế và khu vực.

Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để cho rằng chúng ta đã thoát ra khỏi khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, vẫn còn đó những yếu kém nội tại của nền kinh tế chưa được xử lý dứt điểm, thách thức vẫn bộn bề. 

Trong bối cảnh đó, cần tiếp tục thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” - vừa phòng, chống đại dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trong trạng thái bình thường mới, đồng thời phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ thu NSNN năm 2021, bám sát những trọng tâm chỉ đạo điều hành năm 2021 theo các Nghị quyết của Chính phủ số 01/NQ-CP và 02/NQ-CP.

Ngành tài chính sẽ tiếp tục tập trung thực hiện một số nhóm giải pháp chủ yếu như: Điều hành chính sách tài khóa chủ động, chặt chẽ, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, linh hoạt với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng.

Với quan điểm lấy tăng trưởng kinh tế làm gốc để nuôi dưỡng và phát triển nguồn thu, chúng tôi cho rằng các giải pháp về thuế, phí và lệ phí như nêu trên có thể sẽ làm giảm nguồn thu trong ngắn hạn. Nhưng khi sản xuất-kinh doanh phát triển, doanh nghiệp mạnh lên thì sự gia tăng về quy mô nền kinh tế sẽ làm cho nguồn thu NSNN nhiều lên, không chỉ bù đắp số giảm thu do thay đổi chính sách, mà còn tăng thu NSNN so với dự toán được giao.

Ngành tài chính sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan Trung ương, cấp uỷ và chính quyền địa phương trong chỉ đạo công tác thu ngân sách, đảm bảo thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thu phát sinh. Phấn đấu tăng thu NSNN 3% so với dự toán Quốc hội quyết định, tỉ lệ động viên vào NSNN khoảng 15,5% GDP; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra thuế; quyết liệt xử lý nợ đọng thuế, giảm tỉ lệ nợ đọng thuế xuống dưới 5% tổng thu NSNN.

Chúng tôi sẽ tiếp tục quyết liệt thực hiện các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 ngay từ đầu năm để tạo động lực và đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt và vượt mục tiêu đề ra. Theo đó sẽ gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân…

Trong giai đoạn 5 năm 2016-2020, ngành thuế gây ”ấn tượng” với những thành tựu về cải cách và hiện đại hoá. Xin Bộ trưởng cho biết những định hướng trong thời gian tới, trong đó có mục tiêu về chuyển đổi số ngành tài chính theo chỉ đạo của Chính phủ?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT đã giúp ngành thuế đáp ứng được yêu cầu quản lý thuế hiện đại, phục vụ tốt nhất cho người dân, DN. Đến nay, hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh. Việc triển khai những dịch vụ thuế điện tử đã giúp DN giảm thời gian đi lại nộp hồ sơ, nộp tiền thuế; thông tin khai, nộp thuế của DN được lưu trên hệ thống của cơ quan thuế có thể được tra cứu lại dễ dàng giúp giảm chi phí quản lý, DN cũng không phải cung cấp lại thông tin cho cơ quan quản lý đối với những hồ sơ điện tử đã nộp tới cơ quan thuế.

Theo kết quả đánh giá do VCCI công bố, sự hài lòng của NNT với sự phục vụ của cơ quan thuế năm 2019 là 7,79 điểm (78%), tăng 3% so với năm 2016.

Cùng với tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành; Tổng cục Thuế tiếp tục xây dựng và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đối với các TTHC thuộc lĩnh vực quản lý. Ngành thuế sẽ tiếp tục mở rộng triển khai các dịch vụ: Khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử, hoá đơn điện tử, nộp thuế điện tử đối với hoạt động cho thuê nhà, nộp thuế điện tử lệ phí trước bạ, thuế TNCN đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản đảm bảo hỗ trợ tốt nhất cho người nộp thuế.

Đáng chú ý, Thủ tướng Chính phủ đã có “Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của về việc phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Bộ Tài chính đã ban hành kế hoạch hành động cụ thể.

Bộ Tài chính đang chủ động gấp rút tổ chức triển khai các nhiệm vụ liên quan đến công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính, kinh tế đảm bảo đáp ứng yêu cầu mà Chính phủ đã đề ra và đã đạt được một số thành tựu đối với các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian vừa qua, trong đó đối với dịch vụ công trực tuyến, Bộ Tài chính đã hoàn thành cung cấp 977 dịch vụ công trực tuyến, trong đó gồm 583 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 (đạt tỉ lệ 60%), hoàn thành tích hợp 296/583 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 lên Cổng Dịch vụ công quốc gia (vượt 21% mục tiêu Bộ Tài chính đã được Chính phủ giao).

Trong giai đoạn tới, Bộ Tài chính đang phấn đấu sẽ hoàn thành xây dựng hệ sinh thái tài chính số hiện đại với những nền tảng và cơ chế kết nối, chia sẻ thông minh tạo ra những giá trị gia tăng thông minh để phát triển kinh tế số, đảm bảo cơ chế chia sẻ dữ liệu công khai, minh bạch.

Về cơ chế chính sách, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách đảm bảo giảm thiểu các quy trình, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong công cuộc chuyển đổi số.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Huy Thắng (thực hiện)

Theo http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Tang-hieu-qua-quan-ly-ngan-sach-de-thuc-hien-muc-tieu-kep/422907.vgp