Sự hồi phục của thị trường chứng khoán khiến nhà quản lý, giới chuyên gia, các thành viên tham gia thị trường cảm thấy “bất ngờ”, vượt qua cả kỳ vọng.

Thanh khoản kỷ lục

Chú thích ảnh
Thị trường chứng khoán Việt Nam và những kỷ lục thiết lập "Năm COVID-19".Ảnh minh họa: TTXVN

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng chia sẻ, thị trường trường khoán Việt Nam vượt qua “Năm COVID-19” một cách ngoạn mục. Có những thời điểm ông cảm thấy như “cân não” khi dịch bùng phát, với việc nhà đầu tư ngoại rút vốn, nhà đầu tư nội “lăn tăn”, thậm chí tại thời điểm thị trường liên tục giảm sâu, một số ý kiến cho rằng nên tạm dừng giao dịch để thị trường ổn định hơn.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vẫn kiên trì quan điểm không dừng thị trường, hạn chế tối đa can thiệp hành chính vào thị trường và thực tế thị trường đã phát triển thông suốt cũng như hồi phục mạnh mẽ.

Tính đến ngày 30/11/2020, tổng giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán đạt hơn 6,11 triệu tỷ đồng - là mức cao nhất từ trước đến nay, chiếm 101,33% GDP, vượt mục tiêu chiếm 70% GDP đề ra trong chiến lược phát triển thị trường chứng khoán tới năm 2020.

Với mức phục hồi mạnh mẽ của thị trường chứng khoán và lãi suất duy trì thấp kỷ lục, dòng tiền đã chảy mạnh vào kênh đầu tư chứng khoán. Thị trường ghi nhận quy mô tham gia của nhà đầu tư mới cao chưa từng thấy trong lịch sử.

Tính đến hết tháng 11/2020, tổng số tài khoản mở mới trong năm đạt 332.886 tài khoản; trong đó, nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới 329.452 tài khoản.

Sự tham gia mạnh mẽ của các nhà đầu tư mới cũng đẩy thanh khoản thị trường tăng lên ngưỡng kỷ lục với phiên giao dịch đạt gần 23.562 tỷ đồng trên hai sàn vào ngày 15/6/2020. Giá trị khớp lệnh cũng liên tục đạt trên 10.000 tỷ đồng/phiên trong tháng 12/2020.

Thị trường phái sinh cũng lập kỷ lục về thanh khoản trong ngày 29/7/2020 với khối lượng giao dịch đạt mức cao nhất 356.033 hợp đồng và khối lượng hợp đồng mở cao nhất đạt 52.767 hợp đồng vào ngày 10/11/2020.

Hợp đồng tương lai VN30 trong năm 2020 có khối lượng giao dịch bình quân đạt hơn 163.000 hợp đồng/phiên, tăng 84,27% so với bình quân năm 2019.

Tính đến hết tháng 11/2020, số tài khoản phái sinh đạt 161.992 tài khoản; trong đó, số lượng mở mới trong năm 2020 là hơn 70.000 tài khoản - mức cao nhất trong vòng 4 năm hoạt động.

Về thị trường trái phiếu, có thể thấy thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục có thêm một năm “bùng nổ”, đặc biệt là trái phiếu phát hành riêng lẻ. Chỉ tính trong 11 tháng, tổng lượng phát hành thành công trái phiếu doanh nghiệp đã tăng tới gần 25% so với cả năm năm 2019.

Người đứng đầu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, thị trường chứng khoán đứng vững và phát triển mạnh là có những kỳ vọng từ chính sách của Chính phủ, về tiềm năng phát triển của nền kinh tế Việt Nam và khả năng chống chịu của doanh nghiệp với những tác động từ đại dịch COVID-19 trong thời gian qua.

Thực tế, Chính phủ Việt Nam cũng như các nước tung ra rất nhiều các gói hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp có thể là trực tiếp hoặc gián tiếp như là giảm lãi suất.

Bên cạnh đó, việc lãi suất tiền gửi giảm khiến số nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh trong thời gian qua.

Ông Lê Hải Trà, phụ trách Hội đồng quản trị Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE) cho biết, theo thống kê, Top 20 công ty chứng khoán hàng đầu thị trường có số lượng lệnh tăng từ 3 - 12 lần.

Ông Hoàng Công Tuấn, Trưởng phòng nghiên cứu khách hàng tổ chức, Công ty cổ phần Chứng khoán MB – MBS nêu quan điểm, dù nền kinh tế thế giới và Việt Nam có xu hướng tương đối khó khăn bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19, đặc biệt là ở châu Âu và Mỹ, tuy nhiên thị trường tài chính đã có sự hồi phục mạnh mẽ, nguyên nhân chủ yếu từ các gói hỗ trợ, kích thích tài khóa từ các ngân hàng trung ương. Điều này đã đẩy mặt bằng lãi suất xuống mức rất thấp.

Tài sản tài chính bao gồm cả chứng khoán, trái phiếu và thậm chí cả các tài sản hàng hóa đều có xu hướng tăng rất mạnh. Ông Tuấn cho rằng, xu hướng này có thể sẽ vẫn tiếp diễn trong tương lai gần.

Những kỳ vọng mới

Trưởng phòng nghiên cứu khách hàng tổ chức, Công ty cổ phần Chứng khoán MB – MBS Hoàng Công Tuấn cũng cho rằng, biến động của thị trường chứng khoán luôn đi kèm với diễn biến của nền kinh tế vĩ mô.

Việt Nam đạt được 2 yếu tố rất quan trọng là phòng chống dịch bệnh hiệu quả và giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Đây là mục tiêu kép, rất khó và rất ít quốc gia trên thế giới đạt được.

Do đó, ông Tuấn vẫn lạc quan về triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2021. Dù vậy, vị chuyên gia này cũng không quên khuyến nghị nhà đầu tư rằng, thị trường chứng khoán đã có nhịp tăng trưởng rất mạnh và thị trường đã phản ánh một phần đáng kể kỳ vọng sự phục hồi kinh tế vĩ mô trong năm 2021. Do đó, dù xu hướng tổng thể của thị trường sẽ là đi lên, nhưng trong nhịp đi lên này sẽ xuất hiện nhịp điều chỉnh.

Đánh giá về dòng vốn nhà đầu tư nước ngoài, ông Tuấn nhận định, thị trường chứng khoán sẽ hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài do Việt Nam ổn định được kinh tế vĩ mô và khả năng ứng phó dịch bệnh đều ở mức rất hiệu quả.

Phụ trách mảng phân tích thị trường Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt - BVSC, ông Trần Xuân Bách cho biết, việc VN - Index đã vượt qua mốc trước khi xảy ra dịch COVID-19, cùng đó là các biện pháp kích thích kinh tế của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cắt giảm và duy trì lãi suất ở mức thấp sẽ hỗ trợ rất nhiều cho doanh nghiệp. Điều này tạo ra tiềm năng tăng trưởng trở lại của doanh nghiệp năm 2021, mở ra kỳ vọng rất lớn cho thị trường chứng khoán.

Bày tỏ quan điểm về diễn biến hồi phục của thị trường chứng khoán năm 2020, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Phó Tổng Giám đốc, kiêm Giám đốc đầu tư Công ty cổ phần Quản lý Quỹ PVI cho rằng, VN-Index vượt 1.000 điểm nhưng phần lớn nhờ vào nhà đầu tư cá nhân, có khẩu vị thay đổi nhanh. Yếu tố được cho là lớn nhất hỗ trợ thị trường chứng khoán là lãi suất thấp và sẽ tiếp tục được duy trì.

Ông Linh thông tin, khảo sát từ giữa năm tới nay xu hướng chung vẫn là rút tiền khỏi các tài sản rủi ro như thị trường chứng khoán Việt Nam do Việt Nam thuộc thị trường Frontier Markets (thị trường cận biên) nên vẫn là thị trường rủi ro.

Theo ông Linh, điều quan trọng là việc Việt Nam phải được nâng hạng để thu hút dòng tiền từ toàn cầu.

Chia sẻ về việc nâng hạng thị trường, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng cho biết, năm 2021, hệ thống công nghệ thông tin do Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE) làm chủ đầu tư được đưa vào hoạt động sẽ giúp thực hiện được một số nghiệp vụ như giao dịch trong ngày, bán chứng khoán chờ về. Đây là điều mà các tổ chức xếp hạng thị trường đang rất trông đợi.

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng tin tưởng việc xem xét để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam đang có những tiến triển thuận lợi và Viêt Nam vẫn có thể đạt được mục tiêu là nâng hạng thị trường trước năm 2025 như Chính phủ đề ra.

“Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư cùng có hiệu lực từ 1/1/2021 sẽ tạo ra môi trường đầu tư minh bạch và hoàn thiện hơn. Đây là điểm cộng cho nền kinh tế Việt Nam”, ông Dũng nói.

Ông Dũng thông tin, ngày 11/11/2020, Morgan Stanley Capital International (MSCI) chính thức nâng hạng thị trường chứng khoán Kuwait từ cận biên lên mới nổi. Điều này giúp Việt Nam thu hút dòng vốn của các quỹ đầu tư vào nhóm thị trường cận biên nhằm tăng tỷ trọng thay thế cho Kuwait.

Thực tế, từ đầu tháng 12/2020, Việt Nam chính thức trở thành thị trường có tỷ trọng lớn nhất trong rổ các thị trường cận biên theo hệ thống phân loại của MSCI.

Theo lộ trình tăng tỷ trọng, thị trường Việt Nam cuối năm 2020 sẽ đạt 15,76%, lớn nhất trong nhóm các thị trường cận biên của MSCI. Đến hết năm 2021, tỷ trọng của thị trường Việt Nam sẽ đạt 28,76%.

Theo https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/thi-truong-chung-khoan-viet-nam-va-nhung-ky-luc-trong-nam-covid-19/20201225091041818