Một trong những buổi hội thảo với những định hướng đúng đắn của tỉnh cho mô hình OCOP |
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã từng nhấn mạnh “Cái chính của OCOP là chất lượng sản phẩm, giá trị sản phẩm chứ không phải là danh hiệu sản phẩm nông nghiệp số 1 Việt Nam. Tất cả mọi người cần có trách nhiệm trong việc đảm bảo chất lượng sản phẩm nông nghiệp nông thôn”. Ngay từ những ngày đầu đi vào thực thi, Đề án OCOP – Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” đã mang lại ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội tại nước nhà nói chung và tỉnh Hậu Giang nói riêng. Với 5 giá trị phải kể đến chính là giúp nâng cao thu nhập tạo ra nhiều công ăn việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Từng bước làm thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, hướng người dân vào kinh tế thị trường, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất kinh doanh các sản phẩm truyền thống có lợi thế ở khu vực nông thôn góp phần tái cơ cấu kinh tế nông thôn. Góp phần làm giảm việc di dân từ nông thôn ra thành phố, thực hiện có hiệu quả tinh thần “Ly nông, bất ly hương”. Góp phần đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, đây chính là yếu tố thúc đẩy sự phát triển một cách bền vững kinh tế nông thôn. Cuối cùng là OCOP tạo ra các sản phẩm dịch vụ có chất lượng phục vụ phát triển du lịch địa phương. Trước những hiệu quả tích cực trên, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch hội đồng OCOP cấp tỉnh cũng đã nhấn mạnh Hậu Giang cần quan tâm cải thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm để hướng đến chuẩn OCOP cao hơn, chú trọng vào việc tạo sự liên kết trong sản xuất giữa các chủ thể có cùng ngành nghề để nâng tầm giá trị sản phẩm OCOP. Được biết trong năm 2020 này, Hậu Giang đang nỗ lực mỗi địa phương của tỉnh phấn đấu có từ 6-8 sản phẩm đạt chuẩn 3-4 sao OCOP. Điển hình có thể kể đến sản phẩm OCOP tỉnh hậu Giang được chứng nhận vào năm 2020 là cá thát lát rút xương tẩm gia vị, chả cá thát lát tươi đông lạnh, chả cá thát lát tẩm gia vị, khổ qua nhân chả cá thát lát, thát lát rút xương tẩm gia vị Kỳ Như, cá Thát lát rút xương tẩm vị sả ớt Kỳ Như, chả cá thát lát tẩm gia vị Kỳ Như, chả cá thát lát tươi Kỳ Như, khổ qua rừng nhân chả cá thát lát Kỳ Như, cá Thát lát rút xương, sữa dê thanh trùng Ngọc Đào, Yaourt sữa dê Ngọc Đào, sữa chua dê sấy khô (sấy thăng hoa), phô mai sữa dê Ngọc Đào, trà (chè) mãng cầu – Phước Tâm, rượu Lão Tửu Út Tây. Đặc biệt tỉnh cũng đã đề xuất 3 địa phương có sản phẩm ưu thế từ 3-4 sao là thành phố Vị Thanh, huyện Phụng Hiệp và huyện Châu Thành A. |
Trước những lợi ích, thành công khi những sản phẩm OCOP mang lại, thì việc thúc đẩy sản xuất, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp chủ lực là điều cần thiết. Theo đó, yếu tố “con người” chiếm vai trò cốt lõi, chính là sự quyết tâm của các chủ thể để ngày càng có thêm nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm OCOP của tỉnh có thị trường đầu ra ổn định. Trong đó người dân chiếm vai trò quan trọng tác động trực tiếp đến công cuộc sản xuất, đó chính là vận động người lao động sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm, mở rộng quy mô sản xuất nhằm tăng tính liên kết trong tiêu thụ. Đó là những “nội lực” cơ bản để Hậu Giang đưa các ngành nghề khác, đặc biệt là du lịch nông thôn gắn với phát triển sản phẩm OCOP đi lên; hướng đến thực hiện hiệu quả, bền vững Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025./. |
PV