Sở Công Thương TP.HCM cho biết, với việc ngăn chặn và kiểm soát tốt dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố, hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1 ước giảm 1% so với tháng 12/2020 nhưng tăng 34,5% so với tháng 1/2020.
Trong đó, các ngành tăng trưởng cao trong tháng 1 so với tháng cùng kỳ năm 2020 gồm: Ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ (tăng 97%), in ấn (tăng 64%), sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic (tăng 64%), sản xuất sản phẩm điện tử (tăng 62%), sản xuất xe có động cơ (tăng 86%).
Về chỉ số sản xuất công nghiệp của 4 nhóm ngành công nghiệp trọng điểm tháng 1 ước tăng 0,2% so với tháng 12/2020; tăng 44% so với tháng cùng kỳ, cao hơn mức tăng chung của toàn ngành.
Về tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước thực hiện tháng 1 đạt gần 120.000 tỷ đồng, tăng 4% so với tháng 12/2020 và tăng 4% so với tháng cùng kỳ năm 2020 (cùng kỳ tăng 11%). Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa trong tháng 1 ước đạt hơn 74.000 tỷ đồng, tăng 4,6% so với tháng trước và tăng 12% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 13%), chiếm tỷ trọng 62% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn thành phố.
Sản xuất công nghiệp tại TP.HCM tiếp tục phục hồi.
Về tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp thành phố qua cửa khẩu thành phố, loại trừ dầu thô tháng 1 ước đạt 3,042 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2020 (cùng kỳ tăng 19,4%). Tổng kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp thành phố qua cửa khẩu thành phố trong tháng 1 ước đạt 3,9 tỷ USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2020.
Ông Nguyễn Phương Đông - Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, Sở Công thương đã phối hợp với Ban Quản lý Khu công nghệ cao và Ban Quản lý các khu chế xuất – khu công nghiệp tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu trực tiếp giữa các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ với các nhà đầu tư.
Cụ thể, Công ty Techtronic Industries (TTI) – nhà cung cấp hàng đầu thế giới về các sản phẩm công cụ, thiết bị và dụng cụ cầm tay năng lượng, đang đầu tư nhà máy quy mô 650 triệu USD tại khu công nghệ cao TP.HCM cũng đã có chiến lược hợp tác và nội địa hoá hơn 70% với các nhà cung cấp trong nước các sản phẩm như: Chi tiết, linh kiện cho ngành điện - điện tử từ sản phẩm đúc áp lực, sản phẩm kim loại gia công cơ khí chính xác, linh kiện điện tử: Motor, bo mạch điện tử… và các linh kiện chi tiết nhựa.
Không chỉ riêng ngành công nghiệp hỗ trợ, ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, trong thời gian qua, trên cơ sở tiếp thu ý kiến góp ý của các thành viên các Hội đồng phát triển ngành công nghiệp thành phố và các đơn vị liên quan, Sở Công thương đã tham mưu UBND TP.HCM xác định tiêu chí và danh mục nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của TP.HCM giai đoạn 2021-2025.
Sở Công thương TP.HCM cũng triển khai hoạt động các hội đồng phát triển các ngành công nghiệp TP.HCM; xây dựng chương trình hỗ trợ phát triển DN và sản phẩm cơ khí - tự động hóa, cao su - nhựa, chế biến thực phẩm thành phố giai đoạn 2020 - 2030.
Trong đó, với ngành cao su - nhựa, Sở Công thương TP.HCM xác định danh mục sản phẩm chủ lực để có giải pháp thu hút đầu tư và hỗ trợ phát triển đúng trọng tâm, trọng điểm; thành lập Trung tâm Nghiên cứu, thí nghiệm và kiểm nghiệm sản phẩm ngành cao su - nhựa đạt chuẩn quốc tế; đầu tư phát triển sản xuất sản phẩm nhựa tái chế, nhựa phân hủy sinh học, nhựa y tế nhằm nâng cao giá trị gia tăng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường...
“Trong thời gian tới, để hỗ trợ thêm cho các doanh nghiệp xuất khẩu, Sở Công thương TP.HCM tiếp tục phối hợp các hội ngành nghề tổ chức Hội thảo phổ biến và tập huấn chuyên sâu về Hiệp định EVFTA nhằm phổ biến những nội dung trọng tâm của Hiệp định EVFTA, hướng dẫn chuyên sâu về quy tắc xuất xứ hàng hóa (C/O), thông tin về chỉ số lợi thế so sánh bộc lộ (RCA) của các nhóm hàng hóa Việt Nam nói chung và của thành phố nói riêng so với hàng hóa các nước khi xuất khẩu và thị trường EU...”, ông Vũ cho biết.