Hình ảnh: Bài học từ chương trình chuyển nhượng tín chỉ carbon đầu tiên của Việt Nam số 1

Ông Trần Hiếu Minh, Trưởng phòng Khoa học Công nghệ và Hợp tác Quốc tế, Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Theo ông Trần Hiếu Minh cho biết, thời gian qua, có sự lúng túng trong quá trình chi trả số tiền từ thỏa thuận tín chỉ carbon với Ngân hàng Thế giới (WB). Đây là chương trình chuyển nhượng tín chỉ carbon đầu tiên của Việt Nam, lĩnh vực mới, phức tạp và chưa có tiền lệ, những phát sinh trong quá trình triển khai là điều khó tránh khỏi.

Từ khi tiếp nhận khoản thu, Cục Lâm nghiệp đã liên tục cập nhật thông tin và ghi nhận các khó khăn từ địa phương. Đặc thù của ngành lâm nghiệp, đối với các hoạt động lâm sinh như cải tạo, trồng, chăm sóc, và khoanh nuôi rừng đòi hỏi thời gian dài. Do đó, còn có sự khác nhau giữa các hoạt động lâm sinh và thời gian ERPA. Mỗi vướng mắc đều cần được xem xét kỹ lưỡng, Cục Lâm nghiệp đang nỗ lực hỗ trợ các địa phương giải quyết.

"Đối với các hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng, đến nay chưa có kiến nghị nào liên quan đến việc chi trả. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và phối hợp chặt chẽ với các địa phương để đảm bảo các vấn đề được xử lý kịp thời", ông Minh nhấn mạnh.

Hiện nay, kế hoạch triển khai cho các tỉnh Bắc Trung Bộ năm 2024 đã được phê duyệt. Cục Lâm nghiệp đang có kế hoạch sẽ tiếp tục tập huấn cho các quỹ, chủ rừng nhằm đảm bảo tuân thủ quy định, đồng thời sẽ ghi nhận, tổng hợp thêm các khó khăn, kiến nghị để tổng kết, đánh giá làm cơ sở xây dựng nghị định về tín chỉ carbon rừng trong tương lai.

Về quá trình chi trả tiền từ WB và các thỏa thuận tín chỉ carbon mới, ông Trần Hiếu Minh cho biết: Đối với thỏa thuận với Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đã ký kết chuyển nhượng 10,3 triệu tín chỉ carbon. Hiện tại, chúng ta đã thực hiện chuyển nhượng một phần số tín chỉ này và WB đã đề xuất chuyển nhượng bổ sung 1 triệu trong số 5,9 triệu tín chỉ còn dôi dư.

Sau khi hoàn tất chuyển nhượng 10,3 triệu tín chỉ carbon, đến tháng 3/2024, chúng ta nhận được tổng số tiền 51,5 triệu USD từ WB.

Trong đó, 6 tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ đã triển khai việc chi trả theo quy định. Theo thống kê của địa phương, có khoảng 70.000 chủ rừng với trên 2 triệu ha rừng tự nhiên được hưởng lợi từ nguồn tiền này. Hiện tại, gần 400 tỷ đồng đã được các địa phương chi trả theo đúng quy định.

Liên quan đến thỏa thuận mua bán tín chỉ carbon vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ với Tổ chức tăng cường tài chính lâm nghiệp (Tổ chức Emergent), sau COP 21, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ NN&PTNT chủ trì phối hợp với các bộ, ngành triển khai thực hiện. Trong thỏa thuận mới, Việt Nam lựa chọn phương án chuyển nhựng nhưng 100% tín chỉ sẽ đóng góp vào mục tiêu NDC (đóng góp do quốc gia tự quyết định). Giai đoạn 2021-2025, ước tính lượng tín chỉ carbon ước tính tạo ra của vùng là 20 triệu tấn.

Cục Lâm nghiệp đã tham mưu Bộ NN&PTNT đã hoàn thiện hồ sơ đang lấy ý kiến các Bộ, ban ngành và các địa phương có liên quan để trình Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương đàm phán, ký kết và triển khai.

"Nếu không tận dụng kịp thời, chúng ta có thể bỏ lỡ cơ hội quan trọng này, bởi tín chỉ carbon càng lâu sẽ giảm giá trị, ảnh hưởng đến mức giá khi giao dịch. Hiện nay, cả đối tác quốc tế và trong nước đều bày tỏ sự quan tâm đến việc chuyển nhượng tín chỉ carbon", ông Minh nhấn mạnh.

Động lực giảm phát thải và phát triển tín chỉ Carbon

Theo đánh giá của Cục Lâm nghiệp, sau 30 năm, kết quả bảo vệ và phát triển rừng ở Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu tích cực, thể hiện rõ rệt ở chỉ tiêu che phủ rừng. Theo đó, những năm 1990 của thế kỉ trước, tỷ lệ che phủ rừng mới đạt 27% thì hiện nay đã đạt 42,02%. Đây là tỷ lệ tương đối cao so với mặt bằng chung thế giới 31%, và đứng trong top khu vực Đông Nam Á. Trong tổng số 14,86 triệu ha rừng, thì có tới hơn 10,1 triệu ha là rừng tự nhiên, còn rừng trồng chiếm trên 4,7 triệu ha.

Thành tựu quan trọng này thể hiện sự nỗ lực trong việc bảo vệ, phát triển rừng của đất nước, với các hệ thống chính sách pháp luật, định hướng đúng đắn và các chương trình, đề án phục hồi, phát triển rừng đã đi vào thực tiễn như Chương trình phủ xanh đất trống đồi núi trọc (Chương trình 327), Dự án trồng mới được 5 triệu ha rừng (Dự án 661), sao đó là Kế hoạch bảo vệ phát triển rừng và Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững. Hiện nay, ngành lâm nghiệp vẫn đang tiếp tục xây dựng chương trình phát triển rừng bền vững đến năm 2030.

Trong giai đoạn tới, duy trì tỷ lệ che phủ rừng 42-43%, tập trung cải tạo, nâng cấp chất lượng rừng tự nhiên, cải thiện giống cây lâm nghiệp, nâng cao chất lượng rừng trồng nhằm phục vụ ngành công nghiệp chế biến gỗ.

Đối với thực trạng giảm phát thải trong lĩnh vực lâm nghiệp, trước năm 2010 lĩnh vực này vẫn đang phát thải, giai đoạn 2010-2020, con số giảm phát thải đạt được rất ấn tượng, khoảng 40 triệu tấn CO2/năm. Kết quả đó là nền tảng để Việt Nam tham gia dịch vụ carbon rừng và đã kí thoả thuận chi trả carbon với Ngân hàng Thế giới (WB).

Với nỗ lực bảo vệ phát triển rừng trong 10 năm lĩnh vực lâm nghiệp đã tăng được 500.000ha rừng và cùng với phát triển lâm nghiệp bền vững thì ngành hoàn toàn có tiềm năng thương mại tín chỉ carbon sau khi đã hoàn thành mục tiêu đóng góp giảm phát thải của ngành nhằm huy động nguồn lực cho hoạt động lâm nghiệp, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân trồng rừng, đồng thời đảm bảo mục tiêu về bảo vệ môi trường cũng như đóng góp cho việc cam kết NET ZERO vào năm 2050.

Đỗ Hương

Nguồn: Chinhphu.vn