Trong buổi tổng kết Chương trình Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng (KC.10) sáng 27/10, GS. TS Phạm Gia Khánh, Chủ nhiệm Chương trình nhắc tới danh sách dài những kỹ thuật mới được nghiên cứu, ứng dụng thành công ở Việt Nam trong 5 năm qua.
Trong số 46 nhiệm vụ toàn chương trình, GS Khánh cho biết nhiều kỹ thuật y học tiên tiến trong ghép tạng, công nghệ gene, công nghệ phôi được phát triển và hoàn thiện, góp phần đưa trình độ y học Việt Nam theo kịp các nước trên thế giới.
Với công nghệ ghép tạng, GS Khánh nhắc về câu chuyện bé Ly Chương Bình (7 tuổi, xã Bát Đại Sơn, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) từng được ghép phổi thành công từ người cho còn sống đầu tiên tại Việt Nam hồi tháng 2/2017.
Bệnh nhân khi đó bị giãn phế quản bẩm sinh lan tỏa hai phổi, đã biến chứng suy hô hấp, tâm phế mạn và suy dinh dưỡng độ III, buộc phải thay cả hai lá phổi. Ghép phổi là sự lựa chọn duy nhất để cứu sống bệnh nhân và mang lại hy vọng về cuộc đời khỏe mạnh, GS Khánh nói. Lúc đó Học viện Quân y phối hợp với chuyên gia Nhật Bản thực hiện cắt bỏ toàn bộ, sau đó lấy một thùy phổi từ bố và một thùy từ bác ruột của bé để ghép. Ca ghép thành công. Hiện cháu bé sống khỏe mạnh, GS Khánh xúc động nói và cho biết đây là kết quả nhiệm vụ Nghiên cứu ghép thùy phổi hoặc một phổi từ người cho sống hoặc người cho chết não do GS.TS Đỗ Quyết (Học viện Quân Y) làm chủ nhiệm đề tài.
Các bác sĩ Học viện Quân y thực hiện ghép tạng cứu sống bé 7 tuổi. Ảnh: Học viện Quân Y.
Nhận thấy lợi thế tối ưu từ kỹ thuật này, chỉ một năm sau, Bệnh viện 108 và Bệnh viện Việt Đức tiến hành ghép phổi thành công từ người cho chết não và mở ra một hướng điều trị mới cho bệnh phổi giai đoạn cuối ở Việt Nam. Thành công này điền tên Việt Nam trên bản đồ ghép tạng thế giới. Đến nay có bốn ca được ghép phổi thành công ở Việt Nam.
Theo GS Khánh, nhiều kỹ thuật tiên tiến bây giờ đã trở thành thường quy ở nhiều bệnh viện trong nước. Trong số này có kỹ thuật sử dụng tế bào gốc máu dây rốn được ứng dụng cho bệnh nhân mắc bệnh máu từ đề tài do TS.BS Bạch Quốc Khánh, Viện huyết học – truyền máu Trung ương làm chủ nhiệm; nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc tự thân điều trị cho bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não (đột quỵ não) do PGS.TS Nguyễn Hoàng Ngọc, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 làm chủ nhiệm; ứng dụng laser quang đông trong chẩn đoán, điều trị hội chứng truyền máu song thai và giải xơ buồng ối do PGS. TS Nguyễn Duy Ánh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, làm chủ nhiệm; ghép tế bào gốc từ mô mỡ tủy xương được ứng dụng trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là đề tài do GS.TS Ngô Quý Châu, Bệnh viện Bạch Mai thực hiện...
GS Phạm Gia Khánh (nguyên Giám đốc Học viện Quân Y) báo cáo kết quả chương trình. Ảnh: Lê Bắc.
Các nhiệm vụ thuộc Chương trình cũng giúp nghiên cứu và phát triển nhiều kỹ thuật tiên tiến trong công nghệ sinh học phân tử. Ứng dụng kỹ thuật này Việt Nam đã sản xuất các loại kit hiệu quả như: kit phát hiện mức độ đứt gãy ADN của tinh trùng phục vụ chẩn đoán vô sinh nam; kit chẩn đoán ký sinh trùng sốt rét, sán lá gan...
Các kết quả ứng dụng từ chương trình giúp việc chẩn đoán, điều trị cho người bệnh được nâng cao, góp phần cứu sống nhiều người bệnh, giảm chi phí chữa bệnh so với ra nước ngoài, GS Khánh nói.
GS. TS Lê Bách Quang, ủy viên Ban chủ nhiệm chương trình, cho biết giai đoạn 2016-2020, chương trình hướng tới nghiên cứu mũi nhọn như ghép tạng, truyền máu song thai, các kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị ung thư, kỹ thuật chẩn đoán trước sinh, ứng dụng công nghệ tế bào gốc trong điều trị.
PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, đánh giá các nghiên cứu, kỹ thuật phát triển nhanh chóng, bắt kịp trình độ của thế giới. Song ông khẳng định vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn như rào cản về cơ chế tài chính, các thủ tục pháp lý còn nhiều vướng mắc dẫn tới việc chưa khích lệ cho những người làm khoa học. Ông gợi ý cần đổi mới trong thời gian tới trong đó, giao toàn quyền cho các nhà khoa học tự vận hành lựa chọn người nghiên cứu, phía cơ quản quản lý bằng sản phẩm, đầu ra của đề tài. PGS Quyết cũng đề xuất lựa chọn những kết quả tốt nhất để khen thưởng nhằm khuyến khích hoạt động nghiên cứu, sáng tạo.
Ông Nguyễn Ngô Quang (Phó Cục trưởng Khoa học công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế) đánh giá cao kết quả và cho rằng thành công ngành y tế gắn liền với thành công của chương trình KC 10. Ông Quang cũng đề xuất cơ chế phối hợp giữa Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế để ngày càng nhiều kết quả nghiên cứu được ứng dụng trong điều trị, phòng bệnh và đưa sản phẩm vào cuộc sống.
Một số loại kit được nghiên cứu phát triển từ nhiệm vụ của chương trình KC 10. Ảnh: HM
Ghi nhận những đóng góp từ Chương trình, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng đánh giá: nhiều kết quả đã được ứng dụng để cứu người. Kết quả là những tâm huyết, đam mê của các thầy thuốc, chuyên gia, nhà khoa học vừa làm công tác chuyên môn, kết hợp nghiên cứu chuyên sâu.
Thứ trưởng Tùng gọi đây là niềm tự hào của ngành khoa học công nghệ Việt Nam. Ông cũng mong muốn có sự kết nối, nhận được đầu tư của doanh nghiệp nhiều hơn để phát triển các kết quả chương trình vào thực tế. Hoạt động đầu tư, đồng hành từ các doanh nghiệp, đầu ra từ quy trình điều trị, sản phẩm sẽ giúp chương trình trọn vẹn hơn, mang lại ý nghĩa kinh tế và xã hội, ông nói.
Chương trình KC.10 được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt thực hiện từ năm 2016 đến tháng 7/2021. Mục tiêu chương trình nhằm ứng dụng và phát triển các kỹ thuật, khoa học công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực Y dược tạo ra các sản phẩm có hàm lượng khoa học, công nghệ cao ngang với các nước đứng đầu ASEAN, một số lĩnh vực đạt trình độ các nước tiên tiến trên thế giới; nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh tật ở người; giảm tỷ lệ mắc bệnh, tật và tử vong, nâng cao sức khỏe, tăng tuổi thọ, cải thiện giống nòi.
Sau 5 năm thực hiện, KC.10 triển khai 40 đề tài và 6 dự án, phân bố đều ở các nội dung nghiên cứu, vượt xa chỉ tiêu 80% số nhiệm vụ có kết quả nghiên cứu được ứng dụng. Trong đó, 41 công bố quốc tế, 25 bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích đã được công nhận, đào tạo 85 thạc sĩ, 7 bác sĩ nội trú và 48 tiến sĩ và đào tạo nâng cao trình độ cho gần 500 nhà khoa học tham gia nghiên cứu.
Liên kết nguồn tin: https://vnexpress.net/nhieu-nghien-cuu-khoa-hoc-da-duoc-ung-dung-de-cuu-nguoi-4377719.html