Thị trường chứng khoán giao dịch an toàn, thông suốt

Báo cáo tại Hội nghị giao ban công tác tháng 11 và triển khai nhiệm vụ công tác tháng 12, bà Vũ Thị Chân Phương - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, tháng 11, các sở giao dịch chứng khoán, Tổng Công ty Lưu ký Chứng khoán đã tổ chức 21 phiên giao dịch an toàn, thông suốt.

Tính đến ngày 28/11, chỉ số VN-Index đạt 1.242 điểm, giảm 1,8% so với cuối tháng 10, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2023. Giá trị giao dịch bình quân các phiên trong tháng 11 đạt 15.828 tỷ đồng, giảm khoảng 10% so với tháng trước. Tính bình quân từ đầu năm đến nay, giá trị giao dịch bình quân đạt khoảng 24.000 tỷ đồng, tăng 22% so với bình quân năm 2023.

Hiện có 727 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 Sở giao dịch chứng khoán, 880 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM và khoảng 8,375 triệu tài khoản đầu tư chứng khoán; giá trị giao dịch bình quân tháng 11 đạt 16,467 nghìn tỷ đồng/phiên, tăng 7,3% so với tháng trước; bình quân 10 tháng đầu năm là 21,621 nghìn tỷ đồng, tăng 23% so với bình quân năm 2023.

“Hiện nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang quản lý, giám sát khoảng 2.000 công ty niêm yết, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ; khoảng xấp xỉ 10 triệu tài khoản nhà đầu tư trong nước và nước ngoài”, Chủ tịch Vũ Thị Chân Phương nói.

Thời gian qua, Bộ Tài chính (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) tiếp tục tăng cường quản lý, giám sát thị trường; tập trung thanh tra, kiểm tra các công ty đại chúng và tổ chức kinh doanh chứng khoán nhằm đảm bảo sự phát triển lành mạnh của thị trường; đã ban hành 495 quyết định xử phạt, với tổng số tiền xử phạt hơn 58,424 tỷ đồng.

Hiện nay, Bộ Tài chính đang tiếp tục hoàn thiện các đề án lớn về chiến lược phát triển thị trường chứng khoán, cơ cấu lại thị trường chứng khoán, thành lập sàn giao dịch vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo... Đặc biệt, Bộ Tài chính cũng đang tích cực phối hợp với các tổ chức quốc tế và các bộ, ngành liên quan quyết liệt triển khai các giải pháp để sớm nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi. 

Bộ Tài chính cũng đang tích cực phối hợp với các tổ chức quốc tế và các bộ, ngành liên quan quyết liệt triển khai các giải pháp để sớm nâng hạng thị trường.
Bộ Tài chính cũng đang tích cực phối hợp với các tổ chức quốc tế và các bộ, ngành liên quan quyết liệt triển khai các giải pháp để sớm nâng hạng thị trường.

11 tháng, thị trường trái phiếu tăng 71,7% so với năm 2023

Về thị trường trái phiếu (bao gồm cả trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu Chính phủ), hiện nay có 470 mã niêm yết; quy mô giao dịch bình quân tháng 11 đạt 12,02 nghìn tỷ đồng, giảm 11,5% so với tháng trước; bình quân 11 tháng đạt hơn 11,19 nghìn tỷ đồng, tăng 71,7% so với năm 2023.

Về tình hình thị trường sơ cấp, trong tháng 11/2024 (tính đến ngày 22/11/2024), có 21 doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với với khối lượng khoảng 27,3 nghìn tỷ đồng (giảm 18,9% so cùng kỳ năm 2023). Lũy kế 11 tháng đầu năm 2024, có 86 doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với với khối lượng 343,9 nghìn tỷ đồng (tăng 57,4% so với cùng kỳ năm 2023 ). 

Báo cáo của Bộ Tài chính cũng cho thấy, khối lượng mua lại trước hạn là 168,1 nghìn tỷ đồng (giảm 18,7% so với cùng kỳ năm 2023). Giá trị lưu hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tính đến tháng 11/2024 khoảng 1,07 triệu tỷ đồng, tương đương 10,5% GDP năm 2023, chiếm khoảng 7,2%  dư nợ tín dụng của nền kinh tế.

Về tình hình thị trường thứ cấp, tính từ đầu năm đến ngày 22/11/2024, đã có 1.343 mã trái phiếu của 321 tổ chức phát hành đã thực hiện đăng ký giao dịch. Theo thông tin của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, trong 11 tháng, tổng giá trị giao dịch đạt 924,675 nghìn tỷ đồng, giá trị giao dịch bình quân phiên đạt khoảng 4,146 nghìn tỷ đồng/phiên.

Tập trung triển khai nhiệm vụ tháng cuối năm

Trong những tháng cuối năm, để hoàn thành nhiệm vụ được giao, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng yêu cầu Lãnh đạo, thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Tài chính tăng tốc, xử lý dứt điểm công việc với trách nhiệm cao nhất theo tinh thần “đặt vai của mình vào vị trí của người khác” để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao trong “chặng nước rút”.

Theo đó, đối với lĩnh vực chứng khoán, Lãnh đạo Bộ Tài chính giao Ủy ban Chứng khoán Nhà nước triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra đã được phê duyệt; xử lý nghiêm vi phạm trên cơ sở kết quả giám sát, thanh kiểm tra, góp phần đảm bảo sự phát triển lành mạnh, ổn định, minh bạch của thị trường chứng khoán.

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện giám sát chặt chẽ các giao dịch chứng khoán có dấu hiệu bất thường; kịp thời phối hợp với các sở Giao dịch chứng khoán có đánh giá, phân tích, tiến hành kiểm tra giao dịch đối với các giao dịch có dấu hiệu vi phạm quy định. Xem xét hồ sơ công ty đại chúng, thực hiện giám sát các hoạt động của công ty đại chúng theo quy định và xem xét, xử lý hồ sơ chào bán, phát hành chứng khoán theo quy định...

Theo https://tapchitaichinh.vn/tang-cuong-quan-ly-giam-sat-thi-truong-chung-khoan-thang-cuoi-nam.html