Ngày 20/02/2025, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 17/CĐ-TTg về tích cực, chủ động triển khai các giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, sản xuất và tiêu dùng bền vững, thương mại bền vững đáp ứng chính sách xanh của Liên Minh Châu Âu.

Công điện nêu rõ, để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh, đẩy mạnh xuất khẩu và chuỗi bền vững đáp ứng các quy định, chính sách xanh của EU và các cam kết phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn và biến đổi khí hậu của Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đơn vị liên quan chủ động tổ chức triển khai thực hiện tích cực, hiệu quả, đồng bộ nhiệm vụ, giải pháp đã được giao tại các nghị quyết của Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn, sản xuất và tiêu dùng bền vững, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.

Thủ tướng Chính phủ giao Tài chính ưu tiên triển khai các giải pháp, bố trí và huy động nguồn lực phù hợp trong việc triển khai các chương trình, nhiệm vụ liên quan đến phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn, sản xuất và tiêu dùng bền vững, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh. Đồng thời, nghiên cứu, đánh giá các công cụ tài chính xanh của EU nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi xanh, thực hành sản xuất kinh doanh, thương mại và xuất khẩu bền vững đáp ứng các yêu cầu thực tiễn và quy định chính sách xanh, phát triển bền vững.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các văn bản chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu; tổ chức triển khai kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn; đẩy mạnh xây dựng hoàn thiện và triển khai các chính sách, quy định về quản lý chất thải, các quy định thu hồi đối với các sản phẩm thải bỏ, hết hạn sử dụng; các quy định nhằm hạn chế loại bỏ chất thải độc hại trong các sản phẩm... trong các lĩnh vực ngành chịu tác động lớn từ chính sách xanh của EU.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đẩy mạnh tổ chức triển khai các chính sách, quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất EPR, thúc đẩy áp dụng các giải pháp phân loại rác tại nguồn, tăng cường thu gom, thu hồi, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế; hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Tăng cường triển khai các chính sách, quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu, thúc đẩy áp dụng giải pháp phân loại rác tại nguồn, tăng cường thu gom, thu hồi, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế; hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Công Thương tập trung thực hiện ngay một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó có yêu cầu về rà soát, nghiên cứu các chính sách xanh tại Thỏa thuận xanh Châu Âu để kịp thời phổ biến, hướng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp như sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác xây dựng và hoàn thiện các chính sách, quy định, tiêu chuẩn phù hợp các cam kết, quy định, tiêu chuẩn quốc tế về phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn; tập trung ưu tiên nghiên cứu các quy định, tiêu chuẩn liên quan kinh tế tuần hoàn, thiết kế sinh thái, quản lý hóa chất độc hại, quản lý chất thải và các quy định về hàm lượng tái chế đối với một số vật liệu đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn quốc tế.

Thứ hai, tập trung hỗ trợ kỹ thuật về chuyển đổi xanh nhằm thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình sản xuất, kinh doanh bền vững; áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn và sử dụng hiệu quả tài nguyên, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, khuyến khích sử dụng nguyên vật liệu tái chế, năng lượng tái tạo; hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các giải pháp thiết kế đổi mới sản phẩm để có thể nâng cấp, sửa chữa, bảo trì, tái sử dụng và tái chế, kéo dài vòng đời sản phẩm; đẩy mạnh hỗ trợ áp dụng các công cụ đánh giá vòng đời sản phẩm, kiểm kê phát thải khí nhà kính nhằm đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn, quy định xanh của Liên minh Châu Âu.

Thứ ba, tăng cường các hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu thực tiễn và xu thế phát triển của kinh tế số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; chú trọng nghiên cứu và phát triển các nguyên, nhiên vật liệu mới, tái chế, tái tạo; các hóa chất xanh, thân thiện môi trường nhằm tạo ra các sản phẩm bền vững.

Thứ tư, xây dựng, hỗ trợ các hoạt động chứng nhận, dán nhãn sinh thái đối với các sản phẩm bền vững đáp ứng yêu cầu thị trường và các quy định quốc tế; thúc đẩy xúc tiến thương mại, tổ chức các hội chợ xanh nhằm kết nối cung cầu các sản phẩm bền vững, các sản phẩm được dán nhãn sinh thái; thúc đẩy liên kết bền vững giữa các bên trong chuỗi, hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tham gia các chuỗi bền vững trong nước và toàn cầu.

Thứ năm, nâng cao năng lực, đào tạo phổ biến các quy định chính sách pháp luật trong nước và quốc tế; hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng báo cáo phát triển bền vững, thực hiện quản trị môi trường xã hội đáp ứng yêu cầu quốc tế về báo cáo thông tin liên quan đến môi trường, phát thải khí nhà kính, các quy định, thủ tục quốc tế về khai báo, thông tin về các yếu tố “xanh, bền vững, hữu cơ” của sản phẩm; các quy định về hộ chiếu sản phẩm kỹ thuật số.

Theo https://tapchitaichinh.vn/uu-tien-nguon-luc-cho-phat-trien-kinh-te-tuan-hoan-bao-ve-moi-truong-va-ung-pho-bien-doi-khi-hau.html