Những cây chè đang “kêu cứu”!

Thay vì được nhìn thấy những dáng hình rêu phong cổ kính minh chứng cho hàng trăm năm thi gan cùng tuế nguyệt, sinh trưởng và phát triển trên vùng núi cao, những thân cây chè cổ thụ giờ đây lại mang đầy những vết thương, những mảng mục ruỗng. Bồi thêm trên đó là những vệt màu đỏ cam cùng những mảnh vỏ ớt loang lổ khắp chỗ. Vừa cần mẫn gạt bỏ những khối đất mùn, vừa bôi chế phẩm sinh học lên từng vết thương thân cây, anh Trang A Vang, nhân viên của vườn chè cổ thuộc gia đình ông Giàng A Đằng ở xã Suối Giàng cho biết: “Cứ khi nào trời nắng là mình lại mang thuốc ra bôi. Dù biết là mùi gây ảnh hưởng tới người xung quanh. Nhưng vì đây là cách tốt nhất để cứu cây chè mà không độc nên mình vẫn sẽ làm.”

Anh Trang A Vang (dân tộc Mông) đang bôi chế phẩm sinh học lên những cây chè bị mối xông tại vườn trà của gia đình ông Giàng A Đằng
Anh Trang A Vang (dân tộc Mông) đang bôi chế phẩm sinh học lên những cây chè bị mối xông tại vườn chè của gia đình ông Giàng A Đằng

Không chỉ vườn chè của ông Giàng A Đằng, nhiều vườn chè của bà con tại Suối Giàng cũng đang phải vật lộn trong cuộc chiến chống lại sự tàn phá của mối. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Yên Bái, tính đến hết năm 2023, 40% diện tích trồng chè Shan Tuyết tại Suối Giàng (tương đương với khoảng 200ha) đã bị mối mọt xâm hại. Nhiều khu vực đã bị tổn hại nặng nề tới mức để lại những vết thương hở miệng trên thân cây và rất khó có thể phục hồi. 

Riêng với những cây được xác định tuổi là cây cổ thụ, theo thống kê từ phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Văn Chấn, đã có tới 28% số cây đã bị mối tấn công. Đau lòng hơn, ít nhất đã có 2 cây di sản cùng nhiều cây cổ thụ khác đã chết. Nhiều cây khác đang rơi vào tình trạng chảy nhựa, bị toác, nứt nẻ và mục ruỗng thân. Cái chết với những cây này đang rất cận kề.

(Bài PV)Gian nan cuộc chiến chống mối cho cây chè Suối Giàng 1
Một cây chè shan tuyết cổ thụ đã chết do bị mối tấn công

Cuộc chiến với mối

Theo thông tin từ UBND xã Suối Giàng, kể từ những năm 2012 - 2013 đến nay, nhiều đoàn khảo sát của tỉnh, các trường đại học và Trung ương đã đến điều tra tình hình. Một số giải pháp nhằm ngăn chặn sự tàn phá của mối đã được đề ra như không chăn thả gia súc vào vùng chè để giảm thiểu khả năng mối bám vào để di cư, không làm sạch cỏ và cây bụi để giữ độ ẩm cho cây chè, đào tổ diệt mối chúa… 

Những vết thương trên thân cây do mối để lại
Những vết thương trên thân cây do mối để lại

Nắm bắt được tình hình trên, Công ty Cổ phần Bệnh viện Hữu nghị Quốc tế Hà Nội cùng với một nhóm tình nguyện viên đã nghiên cứu và cung cấp miễn phí các chế phẩm sinh học với thành phần chủ yếu là các loại thực vật có khả năng tiêu diệt côn trùng ngay trong tự nhiên như tỏi, ớt… kết hợp với con men và vi sinh vật đã trải qua quá trình nghiên cứu. Biện pháp này hiện đã tỏ ra hiệu quả rõ rệt khi vừa có thể tiêu diệt mối mà vẫn đảm bảo an toàn cho môi trường.

Ngoài nỗ lực của Nhân dân và các cấp chính quyền, một nguồn lực  khác cũng hết sức quan trọng là từ sự chung tay góp sức của những người có tâm huyết với cộng đồng. Trong số này không thể không kể đến Dự Án Bảo Tồn Chè Cổ Thụ Shan Tuyết Suối Giàng (International Shan Tea Preservation, ISTP). 

(Bài PV)Gian nan cuộc chiến chống mối cho cây chè Suối Giàng 3
Một buổi khảo sát trên thực địa của các thành viên nhóm ISTP tại vườn chè của người dân xã Suối Giàng

Cùng chung mong muốn bảo tồn vùng chè quý, kết hợp với việc thực hiện các hoạt động cộng đồng nhằm nâng cao đời sống và văn hóa của bà con, bạn Nguyễn Thị Khánh Linh, du học sinh Mỹ, đã thành lập dự án vào năm 2023. Điểm đặc biệt là hầu hết các thành viên tham gia dự án đều là những người trẻ có hoài bão lan tỏa giá trị di sản Việt đến bạn bè quốc tế và cho sự phát triển của bà con địa phương. Từ đó, góp chút sức lực cống hiến cho đất nước. 

(Bài PV)Gian nan cuộc chiến chống mối cho cây chè Suối Giàng 4
Anh Nguyễn Duy Khiêm, người quản lý và điều hành dự án trực tiếp tại xã Suối Giàng

Anh Nguyễn Duy Khiêm, người quản lý và điều hành dự án trực tiếp tại xã Suối Giàng, chia sẻ: “Cây chè là một loài cây gắn liền trực tiếp với đời sống kinh tế - văn hóa của bà con Nhân dân Suối Giàng. Cây chè cũng là điểm quan trọng nhất để hấp dẫn du khách thập phương đến với mảnh đất này. Sẽ là một mất mát rất lớn nếu như loài cây này mai một dần. Với tư cách là một người dân Suối Giàng, chúng tôi hiểu rằng mình phải có trách nghiệm bảo tồn và phát triển giống chè quý để thế hệ sau này vẫn biết đến và được thưởng thức những báu bật quý giá này. ISTP là một dự án thực sự ý nghĩa và đã có những kết quả tích cực ban đầu với chế phẩm sinh học cùng một số dự án cộng đồng. Qua hoạt động này chúng tôi không chỉ có thể bảo vệ được cây chè mà còn có thể giới thiệu về văn hóa chè cùng văn hóa bản địa của bà con đến rất nhiều bạn tình nguyện viên và du khách thập phương khi đến tham quan, trải nghiệm tại Suối Giàng”.

Mong rằng với những nỗ lực kể trên, vùng chè cổ thụ Suối Giàng vẫn sẽ tiếp tục là niềm tự hào và mang lại giá trị kinh tế cho người dân địa phương cho đến mai sau.

Độc đáo lễ cúng cây chè Tổ ở Suối Giàng
Theo https://baodantoc.vn/gian-nan-cuoc-chien-chong-moi-cho-cay-che-suoi-giang-1726843491280.htm