Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Chiều 26/10, sau khi nghe Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đã giải trình một số nội dung liên quan đến ý kiến của các đại biểu.
Bộ trưởng cho biết, trong việc đăng ký sáng chế kiểu dáng công nghiệp, thiết kế, bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học, công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước được đa số đại biểu tán thành với phương án 1. Theo đó, tổ chức chủ trì nghiên cứu, có quyền đăng ký sáng chế kiểu dáng công nghiệp, thiết kế, bố trí là kết quả của công trình công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước và có quyền sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế, bố trí khi được cấp bằng bảo hộ.
Bộ trưởng rất quan tâm và xin tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu, đặc biệt là ý kiến của đại biểu Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn), về việc có thể thay đổi đơn vị được giao quyền sở hữu khi đơn vị này không đủ năng lực khai thác thương mại hóa kết quả nghiên cứu đã được bảo hộ.
“Chúng tôi xin tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm tra, các vị đại biểu Quốc hội và sẽ nghiên cứu kỹ để làm rõ cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, cơ quan chủ trì và tác giả, để đảm bảo sự cân bằng lợi ích giữa ba chủ thể; đồng thời thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng về việc này,” Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Nghị quyết số 20 của Hội nghị Trung ương 6 khẳng định giao quyền sở hữu các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước cho cơ quan chủ trì nhiệm vụ (công trình) khoa học - công nghệ.
Ngoài các đối tượng trên, sáng chế kiểu dáng công nghiệp và thiết kế, bố trí, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ nghiên cứu để đề xuất Chính phủ tiếp thu, mở rộng đối tượng giao quyền đăng ký bảo hộ cho đơn vị chủ trì đối với giống và cây trồng. Đây là những ý kiến các đại biểu Quốc hội đã đề xuất.
Bên cạnh đó, việc thu hẹp xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, Chính phủ đề xuất hai phương án để xin ý kiến Quốc hội. Phương án 1 là thu hẹp phạm vi xử phạt, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ đối với một số đối tượng và phương án 2 là giữ nguyên như pháp luật hiện hành.
Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như ý kiến từ Ủy ban Pháp luật và các cơ quan liên quan, cơ quan chủ trì soạn thảo đã nghiêm túc nghiên cứu, đánh giá, rà soát lại sự phù hợp của phương án 1 đối với điều kiện của Việt Nam hiện nay.
Khi thảo luận tại tổ, các vị đại biểu Quốc hội có ý kiến khác nhau về nội dung này, đa số tán thành phương án 2, giữ nguyên quy định của pháp luật hiện hành. Theo đó, áp dụng biện pháp xử phạt hành chính đối với tất cả các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, trên cơ sở tiếp thu ý kiến nêu trên và ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ báo cáo, đề xuất Chính phủ không thu hẹp phạm vi xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, tức là phương án 2.
Liên quan đến sự tương thích với các điều ước quốc tế, Bộ trưởng cho biết, cơ quan chủ trì soạn thảo nhận thức tầm quan trọng của vấn đề này và đã được thể hiện trong mục tiêu, quan điểm chỉ đạo tại tờ trình, đó là nội luật hóa các cam kết tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA).
Chúng tôi cũng hết sức cố gắng để làm cho các điều khoản liên quan đến lĩnh vực này đã được nội luật hóa phải hài hòa và tương thích cao nhất với các điều luật quốc tế, đồng thời đảm bảo quyền lợi cao nhất của quốc gia, dân tộc chúng ta,” Bộ trưởng nhấn mạnh.
Về các nội dung khác được các vị đại biểu cho ý kiến, Bộ trưởng cho biết, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc, báo cáo, đề xuất Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu theo 4 nhóm nội dung gồm: Nhóm vấn đề về sở hữu công nghiệp; những vấn đề về quyền tác giả, quyền liên quan; vấn đề quyền đối với giống và cây trồng, như vấn đề giới hạn nông dân, chủ giống; một số ý kiến liên quan đến văn phong, kỹ thuật lập pháp, tên dự thảo luật…/.
Liên kết nguồn tin: https://www.vietnamplus.vn/phan-chia-hop-ly-loi-ich-giua-nha-nuoc-co-quan-chu-tri-va-tac-gia/749118.vnp