Vai trò của các chính sách phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam
Tại Việt Nam, vấn đề xây dựng nền kinh tế xanh, thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm trong suốt những năm vừa qua. Chiến lược phát triển kinh tế 2011-2020 tại Đại hội đại biểu toàn quốc của đảng lần thứ XI đã đưa ra chủ trương: “Gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xanh”.
Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2016-2020 tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đưa ra quan điểm: “Phát triển hài hòa giữa chiều rộng và chiều sâu, chú trọng phát triển chiều sâu; phát triển kinh tế tri thức, kinh tế xanh. Phát triển kinh tế phải gắn kết chặt chẽ với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu”. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định quan điểm: “Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khoẻ nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”.
Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã xác định nội dung cốt lõi của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2021-2030 là thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh các ngành, lĩnh vực, trong đó nhấn mạnh việc “chuyển đổi các ngành công nghiệp thâm dụng tài nguyên, năng lượng sáng các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp phát thải carbon thấp”.
Cụ thể hóa, quan điểm của Đảng về xây dựng nền kinh tế xanh, ngay từ năm 2012, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050 với các nhiệm vụ trọng tâm, bao gồm: giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; xanh hóa sản xuất; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững. Tiếp đó, ngày 01/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 cũng đặt ra mục tiêu tổng quát là tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Chiến lược cũng đặt ra các mục tiêu cụ thể về trong tăng trưởng xanh, bao gồm mục tiêu: phấn đấu đến năm 2030, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 15% so với nam 2014; đến năm 2050, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 30% so với năm 2014. Cùng với đó, tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam cam kết sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ, phấn đấu đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Triển khai các nhiệm vụ và giải pháp đề ra tại Chiến lược trên, các bộ, ngành đã quan tâm, từng bước hoàn thiện, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách giúp thúc đẩy phát triển kinh tế xanh. Các chủ thể liên quan, bao gồm các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, hiệp hội, viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo, hộ gia đình… đã tham gia tích cực hơn vào các hoạt động thúc đẩy tăng trưởng xanh. Nhờ đó, Việt Nam đã đạt được một số thành công bước đầu về phát triển kinh tế xanh.
Một là, các chính sách xây dựng nền kinh tế xanh, thúc đẩy tăng trưởng xanh góp phần duy trì sự ổn định trong tăng trưởng kinh tế: Nhìn lại hơn 10 năm triển khai và thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, xây dựng nền kinh tế xanh theo định hướng, chủ trương của Đảng và Nhà nước, nền kinh tế Việt Nam đã có những tiến bộ vượt bậc: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) giai đoạn 2016 - 2019 đạt khá cao, ở mức bình quân 6,8%/năm. Giai đoạn 2021-2023, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19 và bối cảnh kinh tế toàn cầu rất khó khăn, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình vẫn đạt 5,24%/năm. Cơ cấu kinh tế có sự dịch chuyển tích cực theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản, xu hướng này minh chứng rõ nét cho định hướng phát triển kinh tế xanh của Đảng và Nhà nước.
Hai là, những thành công trong việc phát triển kinh tế xanh đã tạo tiền đề thu hút đầu tư vào các lĩnh vực xanh, đặc biệt là từ các nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Theo ước tính giai đoạn từ 2017 đến năm 2021, có khoảng 9 tỷ USD FDI được huy động vào các lĩnh vực xanh tại Việt Nam, tập trung vào các ngành năng lượng tái tạo và sản xuất trang thiết bị, máy móc cho các dự án thuộc các lĩnh vực tăng trưởng xanh. Từ năm năm 2022 đến nay, dòng vốn FDI tiếp tục được thu hút vào các ngành có xu hướng xanh tại Việt Nam như: Lĩnh vực sản xuất phân phối điện, khí, nước và điều hòa; Lĩnh vực hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ; Lĩnh vực cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải…
Ba là, các chính sách nhằm phát triển kinh tế xanh đã đã góp phần chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế và tiếp cận với xu hướng phát triển kinh tế xanh của thế giới. Cụ thể:
Trong lĩnh vực nông nghiệp: Việt Nam đã xây dựng thành công một số mô hình sản xuất áp dụng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nổi bật là: (1) Mô hình tạo và dùng khí đốt từ chất thải, nước thải trong chăn nuôi, trồng trọt; (2) Mô hình kết hợp trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản (VAC, lúa-tôm, lúa-cá, gia cầm - cá…); mô hình nông-lâm kết hợp, mô hình vườn-rừng; (3) Mô hình xanh, tuần hoàn sử dụng phế phụ phẩm trong nông lâm nghiệp làm vật liệu, viên nén, chất xúc tác để tạo ra các sản phẩm có giá trị khác; (4) Mô hình hạn chế sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu trong trồng trọt (3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, SRI…); giảm thuốc thú y, thuốc tăng trưởng trong chăn nuôi (chăn nuôi an toàn sinh học 4F, “vòng tuần hoàn xanh” trong trang trại bò sữa, nuôi thủy sản với công nghệ tuần hoàn nước…).
Trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và năng lượng: Trong những năm qua, xu hướng phát triển công nghiệp xanh tập trung vào các mục tiêu chính bao gồm: nghiên cứu, phát triển các nguồn năng lượng, máy móc, kĩ thuật mới, thân thiện với môi trường và hạn chế phát thải CO2, hóa chất độc hại từ các khu công nghiệp, khu chế xuất ra ngoài môi trường, triển khai việc ứng dụng các nguồn năng lượng sạch như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sinh học vào sản xuất công nghiệp. Qua đó, nhiều mô hình sản xuất xanh, tuần hoàn được hình thành gồm:
- Mô hình mô hình tái sử dụng, tái chế chất thải, không để lãng phí chất thải qua đó mang lại hiệu quả kinh tế. Đã xuất hiện các mô hình liên kết sản xuất khi đầu ra chất thải của doanh nghiệp này là đầu vào sản xuất của doanh nghiệp khác… Ví dụ, mô hình tận dụng phế phẩm, phụ phẩm trong sản xuất được áp dụng ở nhiều doanh nghiệp như phế phẩm ngành mía đường để làm rượu, phát điện; tro xỉ nhà máy nhiệt điện là vật liệu xây dựng, san lấp, phụ phẩm ngành khai khoáng làm vật liệu xây dựng, san lấp… Các tập đoàn sản xuất, phân phối bán lẻ lớn đã hình thành các Liên minh chống rác thải nhựa, Liên minh tái chế bao bì Việt Nam với 40 doanh nghiệp lớn như: TH Group, Coca-Cola, LaVie, Nestle, Nutifood… với cam kết tái chế toàn bộ bao bì tại Việt Nam vào năm 2030.
- Mô hình sản xuất xanh hơn, sạch hơn đã được triển khai và đem lại hiệu quả đối với các doanh nghiệp sử dụng công nghệ cũ lãng phí tài nguyên, tiêu tốn năng lượng và xả thải trực tiếp ra môi trường. Mô hình này được dựa trên cơ sở cải tiến các công đoạn sản xuất qua đó tiết kiệm tài nguyên, năng lượng và thu hồi chất thải, chính vì vậy đã huy động được sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp;
- Mô hình xây dựng và phát triển các khu công nghiệp xanh, sinh thái, ứng dụng kinh tế xanh, tuần hoàn tại các tỷnh Đồng Nai (Khu công nghiệp Amata), Hải Phòng (Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, Khu công nghiệp Deep C), Quảng Ninh (Khu công nghiệp Deep C, Khu công nghiệp Amata), Bà Rịa – Vũng Tàu (khu công nghiệp Phú Mỹ 3)… Đồng thời, định hướng xây dựng khu công nghiệp xanh, sinh thái được hầu hết các tỷnh đưa vào nội dung quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỷnh đến nă 2030, tầm nhìn 2030. Ngoài ra, hiện nay 91% khu công nghiệp tại Việt Nam đã có hệ thống xử lí nước thải tập trung, các ngành công nghiệp tái chế phát triển, đạt mức tăng 11,3% so với năm 2021.
- Mô hình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả: Các giải pháp quản lý về nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo được triển khai nhằm từng bước giảm dần sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng có nguồn gốc hóa thạch. Hệ số đàn hồi điện/GDP (tỷ lệ tăng trưởng sản lượng điện trên GDP) của Việt Nam đã giảm từ mức 2,0 trong giai đoạn 2001 - 2010 xuống mức 1,9 trong giai đoạn 2011 - 2015. Trong giai đoạn 2017 - 2019, tỷ lệ này là 1,25 - 1,3 sau đó tiếp tục giảm xuống 1,07 vào 2020; năm 2023, tỷ lệ này đã giảm xuống dưới 0,5. Điều này cho thấy, hiệu quả sử dụng năng lượng của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể.
Trong lĩnh vực dịch vụ: Ngành dịch vụ đã dần trở thành ngành kinh tế lớn nhất của Việt Nam, chiếm 42,54% GDP năm 2023, tỷ trọng lao động trong ngành dịch vụ chiếm gần 40% tổng số lao động của cả nền kinh tế. Dịch vụ xanh ngày càng được coi trọng trong xây dựng và khai thác các loại hình dịch vụ gắn với gìn giữ môi trường và bảo vệ cảnh quan thiên nhiên. Các hoạt động dịch vụ được đẩy mạnh trong quá trình chuyển đổi xanh như: Mua sắm và tiêu dùng xanh, tài chính xanh, du lịch xanh. Để đứng vững trên thị trường, các doanh nghiệp đã nỗ lực đầu tư sản xuất cho ra đời những sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường, xây dựng thương hiệu gắn với yêu cầu phát triển bền vững. Các chương trình được phát động liên quan đến sản phẩm xanh như: Chương trình Cấp nhãn sinh thái do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức, chương trình Nhãn tiết kiệm năng lượng của Bộ Công Thương. Nhãn sinh thái cho ngành du lịch cũng được triển khai, áp dụng để điều chỉnh hành vi sử dụng sản phẩm, dịch vụ của người dân trong lĩnh vực du lịch. Đặc biệt, rất nhiều người tiêu dùng quan tâm, hưởng ứng sử dụng sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường, ví dụ như các sản phẩm organic, sản phẩm hữu cơ, sản phẩm dễ phân hủy. Một trong những thành tựu phải kể đến trong lĩnh vực tài chính xanh, tín dụng xanh đó là tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh tại Việt Nam đã có nhiều tín hiệu tích cực. Dư nợ tín dụng xanh đã tăng từ 71 nghìn tỷ đồng vào năm 2015 lên gần 8 lần, cụ thể là 564 nghìn tỷ đồng năm 2023, con số này chiếm 4,4% tổng dư nợ của toàn nền kinh tế.
Bên cạnh những kết quả nổi bật trên, phát triển nền kinh tế xanh cũng góp phần bảo vệ môi trường, thực hiện tốt công tác quản lý rác thải với quan điểm phải tận dụng được tối đa giá trị tài nguyên của rác thải; giải quyết tốt bài toán hài hòa giữa bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế - xã hội, ứng phó kịp thời và hiệu quả với quá trình biến đổi khí hậu. Ngoài ra, với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế xanh, Việt Nam đã có những ảnh hưởng tích cực đến các yếu tố xã hội, đặc biệt trong việc tạo ra các việc làm chất lượng cao trong các lĩnh vực kinh tế xanh.
Một số hạn chế và thách thức trong phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam
Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực trong việc phát triển kinh tế xanh, áp dụng các mô hình sản xuất xanh nhưng Việt Nam cũng đang phải đối mặt với các thách thức không nhỏ để phát triển.
Một là, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên: Việt Nam phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên để tăng trưởng nhiều hơn hầu hết các quốc gia khác trong khu vực. Chính sách phát triển thâm dụng tài nguyên kéo dài làm trầm trọng tình trạng xói mòn đất, hủy hoại rừng nguyên sinh và đa dạng sinh học, như tại khu vực Tây Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Đất đai bị xói mòn góp phần làm tăng tần suất và mức độ nghiêm trọng của lũ lụt, sạt lở đất… gây thiệt hại nặng nề cho việc phát triển kinh tế xã hội.
Hai là, suy giảm chất lượng môi trường: Chất lượng đất, nước và không khí đã xấu đi đáng kể trong quá trình phát triển của Việt Nam. Ô nhiễm nước đã trở thành vấn đề nghiêm trọng, nhất là tại các vùng gần Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Chất lượng không khí cũng giảm do tăng sử dụng nhiên liệu hóa thạch để phát điện, sử dụng trong công nghiệp và vận tải.
Ba là, thách thức do biến đổi khí hậu: Biến đổi khí hậu làm trầm trọng thêm những hệ lụy do sử dụng tài nguyên thiên nhiên không bền vững và suy thoái môi trường. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu do vị trí địa lý, tập trung dân cư đông ở các vùng đồng bằng thấp và nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào các ngành dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu. Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là 1 trong 5 nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng biến đổi khí hậu, đặc biệt là tình trạng nước biển dâng.
Bốn là, tiêu thụ năng lượng tiếp tục tăng: Cường độ tiêu thụ năng lượng của Việt Nam thuộc hàng cao nhất thế giới, một trong những nguyên nhân chính là do sử dụng năng lượng kém hiệu quả. Bên cạnh đó, sử dụng năng lượng tại Việt Nam tăng nhanh hơn bất kì quốc gia nào khác trong khu vực, chủ yếu là do tăng tiêu thụ điện năng. Theo xu thế và chính sách hiện nay, tỷ trọng than dùng cho phát điện sẽ tăng từ 32% năm 2014 lên đến 54% năm 2030, trong khi khoảng 60% lượng than dùng cho sản xuất điện sẽ phải nhập khẩu.
Các hạn chế trên bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan, trong đó nổi bật là các nguyên nhân sau: Nhận thức về kinh tế xanh còn nhiều bất cập; Hệ thống thể chế, quy định, chính sách cho phát triển kinh tế xanh còn nhiều hạn chế; Nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xanh; Hạn chế về khoa học và công nghệ cho phát triển kinh tế xanh; Hạn chế về nguồn nhân lực, thiếu chuyên gia/cán bộ giỏi về phát triển kinh tế xanh, để giúp giải quyết tốt và có hệ thống các vấn đề từ khâu đầu đến khâu cuối của cả quá trình sản xuất; Sự gắn kết giữa các tác nhân trong các mô hình kinh tế xanh còn yếu; tổ chức sản xuất yếu, đặc biệt là vấn đề hình thành thị trường, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn hạn chế, dẫn đến những khó khăn trong đầu tư, áp dụng công nghệ, quy trình tiên tiến vào sản xuất và chế biến.
Khuyến nghị phát huy vai trò của chính sách phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam
Để tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam theo các mục tiêu Chiến lược tăng trưởng xanh, trong giai đoạn tới cần có sự quyết tâm, hợp tác chặt chẽ hơn nữa từ các cơ quan trung ương, địa phương, bên cạnh sự hỗ trợ từ các tổ chức trong và ngoài nước, cũng như việc đầu tư, chuyển đổi mạnh mẽ từ phía cộng đồng doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, Việt Nam có nhiều lợi thế về mặt thiên nhiên lẫn yếu tố về xã hội con người, qua đó mang lại tiềm năng vô cùng to lớn cho việc phát triển nền kinh tế xanh trong giai đoạn tới đây.
Những lợi thế này bao gồm: (1) Nguồn dự trữ các-bon dồi dào đến từ tài nguyên rừng tự nhiên, chiếm tới hơn 42% tổng diện tích trên cạn của quốc gia. Thêm vào đó là thời tiết nóng và ẩm tại vùng cận xích đạo, dễ dàng phát triển rừng nhiệt đới với trữ lượng các-bon lớn; (2) Tài nguyên phát triển năng lượng tái tạo mạnh mẽ nhờ vị trí địa lý đắc địa trong khu vực cận xích đạo nhiều nắng cùng với bờ biển dài nhiều gió; (3) Dân số lớn với nhận thức ngày càng cao và tăng trưởng xanh với khoảng hơn 100 triệu dân, đứng thứ 15 thế giới. Người tiêu dùng ngày càng nhận thức rõ rệt về các yếu tố môi trường và sức khỏe, với hơn 80% sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm xanh; (4) Tốc độ phát triển nhanh nhất về nền kinh tế số trong khu vực, với quy mô thị trường kinh tế số khoảng 23 tỷ USD năm 2022 và dự kiến có thể đạt đến 50 tỷ USD năm 2025.
Nếu tận dụng triệt để những tiềm năng, thế mạnh của quốc gia, những lợi ích kinh tế xã hội có thể đạt được cho Việt Nam khi xây dựng thành công nền kinh tế xanh là rất lớn. Tuy nhiên, để đạt được điều đó cần thực hiện hiệu quả, đồng bộ các nhóm chính sách sau:
Một là, tiếp tục thực hiện các chính sách nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng và phát triển các thực hành tốt về thực hiện kinh tế xanh.
Theo đó, cần tiếp tục tổ chức phổ biến, quán triệt, tuyên truyền rộng rãi và sâu rộng nội dung của Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, và các nội dung liên quan đến bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; ưu tiên, định hướng, nhiệm vụ cụ thể trong từng ngành, từng lĩnh vực đến các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân. Cần thay đổi tư duy và nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân (người sản xuất/người tiêu dùng) về lợi ích và cách thức thực hiện kinh tế xanh, từ đó tác động vào nhận thức và hành vi của mọi đối tượng (từ người sản xuất/nông dân, doanh nghiệp, người tiêu dùng…) trong chuỗi kinh tế tuần hoàn, từ đó hình thành xu hướng tiêu dùng theo hướng sử dụng các sản phẩm hàng hóa thân thiện với môi trường, các sản phẩm dán nhãn kinh tế xanh, qua đó hình thành thị trường cho sản phẩm kinh tế xanh.
Hai là, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về kinh tế xanh:
- Xây dựng, hoàn thiện khung chính sách và pháp lý đủ rộng, ổn định trong trung và dài hạn, có phạm vi gắn kết ở nhiều lĩnh vực nhằm tạo thuận lợi, cơ sở pháp lý vững chắc, niềm tin cho doanh nghiệp và nhà đầu tư trong và ngoài nước thực hiện, tham gia các dự án kinh tế xanh.
- Xây dựng và ban hành hệ thống tiêu chí xanh, phân loại xanh quốc gia toàn diện, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Hệ thống phân loại cần bao gồm danh sách chi tiết các chủ đề, lĩnh vực và dự án phù hợp với định hướng tăng trưởng xanh. Thêm vào đó, hệ thống phân loại cần bao gồm các tiêu chuẩn kỹ thuật theo ngành cụ thể như mức phát thải khí nhà kính và tiêu chuẩn hiệu quả năng lượng, cùng với quy trình xác minh, chứng nhận và hướng dẫn cho các bên liên quan. Hệ thống phân loại xanh quốc gia này sẽ cho phép Việt Nam theo dõi tiến độ Tăng trưởng xanh, tạo tiền để để xác định, đưa ra các gói cơ chế ưu đãi hay giúp dễ dàng hợp tác với các đối tác công nghệ và nhà đầu tư.
- Xây dựng các cơ chế chính sách ưu tiên gồm chính sách thuế (thuế thu nhập doanh nghiệp, xuất nhập khẩu), chính sách sử dụng đất, tiếp cận tín dụng… nhằm hỗ trợ các dự án xanh sẽ là cần thiết để Việt Nam tăng tốc trong việc thu hút đầu tư cho các dự án xanh, đặc biệt là trong các dự án đòi hỏi mức đầu tư ban đầu cao do quy mô và độ phức tạp của các công nghệ mới. Các cơ chế chính sách này có thể được nghiên cứu, phát triển và ban hành theo nhiều đợt, song song cùng quá trình hoàn thiện và triển khai các chiến lược quốc gia và hệ thống phân loại xanh. Tương tự với các chiến lược về ưu đãi đã được sử dụng ở các nước quốc tế, Việt Nam có thể ứng dụng bộ cơ chế chính sách bao gồm cả các chính sách đa ngành (áp dụng với tất cả các ngành, dự án phù hợp với các tiêu chí trong bộ phân loại xanh) và chính sách cụ thể theo từng ngành, lĩnh vực, nhằm tập trung phát triển nhóm những ngành quan trọng, cần ưu tiên trong ngắn hạn.
Ba là, tăng cường đầu tư và đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong kinh tế xanh, nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm.
Tăng cường đầu tư vào nghiên cứu, phát triển và chuyển giao các công nghệ phục vụ cho mô hình kinh tế xanh; đồng thời khuyến khích sự hợp tác, liên kết, chia sẻ kinh nghiệm và tài nguyên giữa các bên liên quan. Tận dụng các thành quả của cuộc CMCN 4.0 và các xu hướng mới mang lại cơ hội để bắt kịp, bỏ qua một số giai đoạn tuần tự và có mô hình kinh doanh mới mẻ, sáng tạo trong đó có kinh tế xanh.
Bốn là, phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế tuần hoàn.
Việt Nam có dân số đông và trẻ tiếp cận CMCN 4.0 nhanh, cơ cấu dân số vàng để có thể tăng trưởng nhanh và chất lượng, trong đó có kinh tế tuần hoàn. Do đó, cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đủ khả năng vận hành mô hình kinh tế xanh gắn với đổi mới sáng tạo và sử dụng công nghệ cao, thiết lập một cơ chế khuyến khích đủ mạnh để thu hút những người tài năng, các chuyên gia giỏi, các nhà quản lý xuất sắc đến với Việt Nam.
Năm là, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong phát triển kinh tế xanh.
Tiếp tục thúc đẩy hội nhập quốc tế, tận dụng xu thế toàn cầu hóa với việc tham gia các FTA thế hệ mới, các liên minh/khuôn khổ hợp tác mới về hợp tác kinh tế số xuất hiện (trong đó có cả các liên minh đối tác kinh tế số như DEPA, DEFA, IPEF,…). Qua đó, mang lại cơ hội để chuyển giao, lan tỏa để tiếp tục tăng trưởng và phát trển kinh tế xanh. Tổ chức các diễn đàn đối thoại chính sách thường niên để các tác nhân/bên liên qua (doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước, lãnh đạo chính phủ, đối tác phát triển) gặp nhau để trao đổi đối thoại về chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn theo từng lĩnh vực của ngành nông nghiệp.
Sáu là, hình thành cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.
Tiếp tục thay đổi mạnh mẽ cơ chế thực thi, khuyến khích các sáng kiến, các phong trào thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn phát triển, nâng cao năng lực quản trị Nhà nước, năng lực cạnh tranh, nâng cấp chất lượng môi trường kinh doanh, xây dựng cơ chế để mọi thành phần kinh tế được trao cơ hội, qua đó có thể phát huy tối đa năng lực của mình trong việc áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn hiệu quả.
Tài liệu tham khảo:
- Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII;
- Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/09/2012 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050;
- Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.