Giới thiệu

FPI được hiểu là dòng vốn mà các nhà đầu tư nước ngoài đưa vào các thị trường tài chính của một quốc gia, thông qua các hình thức, như: đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu, quỹ đầu tư và các công cụ tài chính khác. Khác với đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thường gắn liền với việc xây dựng cơ sở vật chất và hoạt động sản xuất, FPI có tính chất linh hoạt và ngắn hạn hơn, cho phép nhà đầu tư dễ dàng gia tăng hoặc rút vốn tùy theo tình hình thị trường.

Việt Nam, với sự mở cửa kinh tế và hội nhập quốc tế sâu rộng, đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn FPI trong những năm gần đây. Số liệu cho thấy dòng vốn này đã tăng trưởng mạnh mẽ, đóng góp vào sự phát triển của thị trường chứng khóan (TTCK) và nâng cao năng lực tài chính quốc gia. Những lĩnh vực, như: công nghệ, bất động sản và tài chính, đã thu hút được sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài, mang lại không chỉ lợi ích kinh tế, mà còn tạo cơ hội cho việc chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm quản lý.

Tuy nhiên, sự gia tăng FPI cũng mang đến những thách thức không nhỏ. Tính chất dễ dàng rút vốn của FPI có thể dẫn đến sự biến động mạnh trên thị trường tài chính, tạo ra rủi ro và gây ra hiện tượng bong bóng kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh các cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, sự phụ thuộc vào FPI có thể khiến Việt Nam gặp khó khăn trong việc duy trì sự ổn định kinh tế khi mà dòng vốn này thay đổi theo xu hướng thị trường quốc tế.

Khi Việt Nam tiếp tục mở cửa và hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, việc hiểu rõ tác động của FPI là điều cần thiết để xây dựng các chiến lược phát triển kinh tế bền vững và hiệu quả trong tương lai (Vuong và Nguyen, 2024).

Tác động của FPI đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Tác động tích cực

Trong những năm qua, FPI đã có nhiều đóng góp cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam, thể hiện ở một số khía cạnh chính sau:

(i) FPI bổ sung nguồn vốn đầu tư, tăng quy mô vốn hóa thị trường tài chính, cải thiện cán cân thanh toán, tăng cường dự trữ ngoại hối.

FPI tác động đến quy mô GDP bằng cách khi FPI chảy vào một nền kinh tế, nó trực tiếp làm tăng quy mô GDP. Số tiền đầu tư này được sử dụng để mua cổ phiếu, trái phiếu hoặc các tài sản tài chính khác của các công ty trong nước. Điều này làm tăng vốn hóa thị trường và góp phần vào tổng sản phẩm quốc nội. Dòng vốn này tác động trực tiếp đến giá trị nền kinh tế tại một thời điểm nhất định điều này làm cho quy mô của nền kinh tế tăng lên. Năm 2007 là một ví dụ điển hình, bởi vì đây là năm đánh dấu Luật Chứng khóan bắt đầu có hiệu lực thi hành và năm đánh dấu TTCK Việt Nam bắt đầu có những biến đổi về chất và có dòng vốn ngoại đổ vào TTCK tăng rõ rệt. Vào giữa năm 2007, lúc tổng vốn hóa TTCK Việt Nam khoảng 20 tỷ USD (HOSE khoảng 15,5 tỷ USD, HASTC khoảng 4,5 tỷ USD), thì giá trị vốn hóa tính riêng cho đầu tư nước ngoài là gần 5 tỷ USD (khoảng 25% tổng thị trường). Đến hết năm 2007, số quỹ đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam là khoảng trên 60 tỷ USD, với số vốn khoảng 6 tỷ USD. Trong số đó, chỉ riêng 3 quỹ là: Dragon Capital, Vina Capital và Indochina Capital đã có số vốn khoảng 4 tỷ USD [3]. Những thông tin vừa nêu cho thấy, nguồn vốn đầu tư tài chính nước ngoài đã tăng nhanh đáng kể.

FPI vào Việt Nam – một phần quan trọng trong trụ cột vốn đầu tư toàn xã hội – đều đang có những tín hiệu triển vọng khác nhau. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến 20/4/2024, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 9,27 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2023. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 6,28 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2023.

(ii) FPI thúc đẩy phát triển thị trường tài chính. Sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài thông qua FPI làm tăng khối lượng giao dịch trên TTCK, từ đó nâng cao tính thanh khoản của thị trường. FPI đã giúp tăng tính thanh khoản của thị trường tài chính Việt Nam, giúp các nhà đầu tư trong nước mua bán chứng khóan dễ dàng hơn. Điều này đã góp phần vào sự tăng trưởng của TTCK và sự phát triển của hệ thống tài chính đất nước.

Thực tế cho thấy, số lượng tài khoản giao dịch chứng khóan của nhà đầu tư nước ngoài đã không ngừng tăng qua các năm. Số liệu (Hình) cho thấy, tính đến tháng 12/2022, nhà đầu tư nước ngoài đã mở 42.711 tài khoản, tăng hơn 10 lần chỉ trong vòng 6 năm (tính từ năm 2016). Trong đó, số lượng tài khoản của nhà đầu tư cá nhân chiếm tới 90% tổng số tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài. Ngay cả trong và sau thời kỳ diễn ra đại dịch Covid-19, nhà đầu tư nước ngoài vẫn không ngừng thể hiện sự quan tâm đến TTCK Việt Nam bằng cách mở thêm nhiều tài khoản hơn so với trước (Hình1).

Hình 1: Số lượng tài khoản giao dịch chứng khóan của nhà đầu tư nước ngoài

                                                               Nguồn: Nguyễn Chí Đức, Hồ Thúy Ái (2023)
                                                               Nguồn: Nguyễn Chí Đức, Hồ Thúy Ái (2023)

(iii) FPI đã giúp các công ty Việt Nam tiếp cận thị trường vốn toàn cầu, cho phép họ huy động vốn và mở rộng hoạt động kinh doanh. Nguốn vốn này đã thu hút được nguồn vốn nước ngoài đáng kể vào Việt Nam, góp phần gia tăng đáng kể nguồn FDI và FPI. Sự tham gia ngày càng tăng của nhà đầu tư nước ngoài đã nâng cao tính thanh khoản thị trường, giúp nhà đầu tư trong nước mua bán chứng khóan dễ dàng hơn.

FPI đã áp dụng các chiến lược giao dịch và kỹ thuật quản lý rủi ro mới, giúp cải thiện hiệu quả thị trường và giảm chi phí giao dịch. Từ đó, nguồn vốn này đã mở rộng phạm vi lựa chọn đầu tư cho các nhà đầu tư Việt Nam, giúp họ tiếp cận nhiều loại tài sản và cơ hội đầu tư hơn. Không chỉ vậy, FPI còn khuyến khích các công ty Việt Nam áp dụng các thông lệ quốc tế tốt nhất về quản trị doanh nghiệp, báo cáo tài chính và minh bạch, điều này đã cải thiện niềm tin của nhà đầu tư và giảm nguy cơ thao túng thị trường. Sự phát triển của FPI đã dẫn đến việc thiết lập một khung thể chế mạnh mẽ hơn, bao gồm các cơ quan quản lý, sở giao dịch chứng khóan và kho lưu ký, giúp cải thiện hiệu suất và hiệu suất tổng thể của thị trường vốn.

Tác động tiêu cực

Bên cạnh những kết quả tích cực đó, dòng vốn FPI vào Việt Nam vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, ảnh hưởng đến hiệu quả của dòng vốn đầu tư này.

Một là, tuy dòng vốn FPI mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế, nhưng sự biến động mạnh của thị trường FPI cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Khi dòng vốn ngoại đổ vào quá nhanh hoặc rút ra quá đột ngột, nó có thể gây ra những hậu quả tiêu cực. Đặc biệt, khi nền kinh tế trở nên quá phụ thuộc vào dòng vốn ngoại, nó sẽ dễ bị tổn thương trước những biến động của thị trường tài chính toàn cầu. Dưới đây là một số tác động tiêu cực như:

Khủng hoảng tài chính: Khi có những sự kiện bất ngờ xảy ra trên thế giới, như cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, các nhà đầu tư nước ngoài có thể rút vốn ồ ạt. Điều này gây ra tình trạng thiếu hụt thanh khoản, làm sụt giảm giá trị tài sản và có thể dẫn đến khủng hoảng tài chính. Việt Nam trong giai đoạn 2008-2009 đã từng trải qua tình trạng rút vốn mạnh của nhà đầu tư nước ngoài, gây ảnh hưởng tiêu cực đến TTCK và nền kinh tế nói chung.

Biến động tỷ giá hối đoái: Sự biến động mạnh của FPI có thể gây áp lực lên tỷ giá hối đoái. Khi dòng vốn ngoại chảy vào, đồng nội tệ có thể bị định giá quá cao, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu. Ngược lại, khi dòng vốn rút ra, đồng nội tệ có thể bị mất giá, gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhập khẩu và làm gia tăng lạm phát. Nhiều nền kinh tế mới nổi đã từng đối mặt với tình trạng biến động tỷ giá hối đoái mạnh do ảnh hưởng của dòng vốn FPI.

Hiện nay, hiện tượng các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn khỏi thị trường tài chính, đặc biệt là TTCK Việt Nam cần tiếp tục được cơ quan có thẩm quyền theo dõi kỹ lưỡng. Nếu dòng vốn nước ngoài rút ra một cách ồ ạt sẽ dẫn đến việc mất giá lớn của đồng nội tệ. Điều này sẽ buộc Ngân hàng Nhà nước phải bán dự trữ ngoại hối để can thiệp trong cơ chế vận hành của chế độ tỷ giá hối đoái trung tâm hiện nay. Theo Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tính đến ngày 20/6/2024 đạt 1.420 lượt với tổng giá trị góp vốn 1,7 tỷ USD. Con số này nếu so với cùng kỳ năm trước đã giảm 58% về tổng giá trị vốn góp, giảm 11% về số dự án góp vốn, mua cổ phần. Điều đáng lưu ý là xu hướng suy giảm này đã bắt đầu ngay từ đầu năm 2024 đến nay. Bởi lẽ, tính đến ngày 20/4/2024, số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đã giảm 13,6% so với cùng kỳ, giá trị góp vốn cũng giảm 70% so với cùng kỳ.

Hai là, tăng nguy cơ mua lại, sáp nhập, khống chế và lũng đoạn tài chính đối với các doanh nghiệp hoặc tổ chứng phát hành chứng khóan. Việc tăng cường đầu tư của các nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài vào TTCK Việt Nam, bên cạnh những lợi ích, cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là nguy cơ mua lại, sáp nhập, khống chế và lũng đoạn tài chính đối với các doanh nghiệp trong nước. Khi sở hữu một lượng lớn cổ phiếu của một công ty, các nhà đầu tư FPI có thể dễ dàng chi phối các quyết định quan trọng của công ty đó, như việc bầu cử hội đồng quản trị, thông qua các nghị quyết quan trọng. Một ví dụ điển hình là trường hợp của nhiều doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đã bị các tập đoàn đa quốc gia mua lại và kiểm soát, dẫn đến việc thay đổi chiến lược kinh doanh, chuyển giao công nghệ và tài sản ra nước ngoài. Ngoài ra, việc tập trung quá nhiều quyền lực vào tay một số ít nhà đầu tư nước ngoài có thể làm giảm tính cạnh tranh của thị trường, tạo ra các nhóm lợi ích đặc biệt và làm giảm hiệu quả hoạt động của nền kinh tế. Tại một số quốc gia, việc các tập đoàn lớn mua lại các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã dẫn đến tình trạng độc quyền hoặc cạnh tranh không lành mạnh, làm tổn hại đến quyền lợi của người tiêu dùng. Hơn nữa, trong trường hợp xảy ra khủng hoảng hoặc biến động bất ngờ trên thị trường, các nhà đầu tư FPI có thể bán tháo cổ phiếu một cách ồ ạt, gây ra sự sụt giảm mạnh của TTCK, ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của nhà đầu tư trong nước và làm gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Ba, dòng vốn FPI có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với an ninh quốc gia. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực chứng khóan, tội phạm rửa tiền ở TTCK ngày càng gia tăng bởi hiện nay pháp luật chưa có những quy định chặt chẽ về kiểm soát nguồn gốc tài chính và chưa có pháp luật về rửa tiền. Vì vậy, có thể nói TTCK là mảnh đất màu mỡ để các tội phạm có thể lợi dụng để thực hiện các hành vi rửa tiền của mình.

Để thực hiện hành vi rửa “tiền bẩn” thành “tiền sạch”, bọn tội phạm sẽ đưa tiền mặt bất hợp pháp đến các trung tâm giao dịch chứng khóan để mua cổ phiếu chứng khóan, trái phiếu. Thủ đoạn của tội phạm là chia nhỏ đồng tiền bằng cách mua nhiều cổ phiếu khác nhau, sau đó gom các cổ phiếu lại thành một khoản lớn, để tránh sự chú ý và nghi ngờ của cơ quan quản lý. Thậm chí, tội phạm còn mua cả cổ phần giả tạo do chính các công ty bình phong phát hành. Bởi, chúng thường không quan tâm đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp khi lựa chọn để đầu tư, do đó, chúng mua cổ phần chứng khóan bằng mọi giá. Đối với TTCK liên quốc gia, số cổ phiếu này sau đó có thể được tung ra ở các thị trường nước ngoài để biến chúng thành những đồng hiện hợp pháp.

Rửa tiền thông qua chứng khóan gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của quốc gia. Với những nước mới phát triển hoặc đang trên đà phát triển như Việt Nam vấn nạn rửa tiền có thể làm ảnh hưởng đến ngân sách của Chính phủ, khiến nguồn ngân sách bị thất thóat từ nguồn thuế dẫn tới tình trạng Chính phủ mất kiểm soát các chính sách kinh tế.

Một số giải pháp tăng cường tác động tích cực của FPI đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Để nâng cao tác động của FPI đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam, chúng tôi đề xuất một số khuyến nghị cho các nhà hoạch định chính sách như sau:

Thứ nhất, trong thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện các chính sách thu hút các nguồn vốn từ nước ngoài, bao gồm cả FPI và FDI để đầu tư phát triển đất nước và mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước. Bộ Tài chính (quản lý hoạt động đầu tư) cần phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước (quản lý dòng luân chuyển vốn và ngoại hối) trong việc thu hút vốn FPI và quản lý dòng vốn FPI ra, vào trong phạm vi quốc gia. Trong đó, chú trọng một số biện pháp như: Đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và gắn với việc niêm yết trên TTCK để thu hút các dòng vốn đầu tư nước ngoài; Thực hiện chính sách nới room vốn ngoại để thu hút FPI, đặc biệt đối với những ngành nghề đầu tư, kinh doanh mà điều ước quốc tế và pháp luật trong nước chưa có quy định cụ thể về sở hữu nước ngoài, nên cho phép mức sở hữu nước ngoài tối đa là 100%.

Thứ hai, Chính phủ cần nâng cao hiệu quả công tác điều hành vĩ mô nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng, như: đầu tư, xuất khẩu… Từ đó, cải thiện triển vọng kinh tế trong mắt nhà đầu tư nước ngoài để giữ chân dòng vốn hiện hữu và thu hút thêm các dòng vốn FPI mới vào thị trường Việt Nam.

Thứ ba, các công ty và các thể chế tài chính nội địa cần áp dụng những chuẩn mực kế toán quốc tế, thực hiện minh bạch hóa thông tin, áp dụng các hình thức quản lý tiên tiến và trung thực trong công tác hạch toán kế toán và kiểm toán nhằm tạo niềm tin cho các nhà đầu tư FPI. Điều này sẽ tạo niềm tin cho các nhà đầu tư FPI khi lựa chọn, quyết định đầu tư vào chứng khóan của các công ty có thông tin công khai, minh bạch, trung thực và có hiệu quả quản lý điều hành tốt hơn. Đồng thời, trong quá trình cạnh tranh để thu hút nguồn vốn FPI, thị trường cũng sẽ tập trung hút vốn vào những công ty áp dụng các biện pháp nói trên tốt hơn, có hiệu quả hơn và có triển vọng phát triển tốt hơn.

Thứ tư, tăng cường quản lý và giám sát hoạt động của TTCK đảm bảo minh bạch thông tin, cạnh tranh lành mạnh, an toàn tài chính, nhằm giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư FPI. Chỉ khi nào hệ thống thông tin và các hoạt động khác của TTCK được hiện đại hóa theo chuẩn mực quốc tế và phù hợp với điều kiện của nước ta, thì khi đó TTCK mới được vận hành một cách công bằng và hiệu quả, thu hút nhiều nhà đầu tư vào TTCK.

Để tăng cường thu hút dòng FPI trên TTCK, Nhà nước cần tạo lập môi trường pháp lý và các điều kiện thuận lợi cho TTCK phát triển hơn nữa. Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác điều hành, hướng dẫn các giao dịch chứng khóan và hoạt động của TTCK, tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty phát hành, chú ý đến lợi ích của giới kinh doanh chứng khóan và bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư. Đồng thời, tăng cường quản lý, áp dụng dụng các kỹ thuật giám sát hiện đại vào các hoạt động của TTCK, đảm bảo minh bạch thông tin, cạnh tranh lành mạnh; ngăn ngừa các hành vi gian lận, đảm bảo an toàn tài chính, giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư FPI.

Thứ năm, cần quản lý chặt chẽ hoạt động đăng ký đầu tư, nhận diện nhà đầu tư, thiết lập quy trình để xác định, kiểm soát và phòng ngừa rủi ro có thể xảy ra từ hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài, tránh xảy ra các hành vi đầu tư tiêu cực, như: thao túng thị trường hoặc rửa tiền qua TTCK Việt Nam.

Mặc dù có thể mở rộng các loại công cụ đầu tư, nhưng vẫn cần duy trì những quy định giới hạn nhất định đối với hoạt động đầu tư. Đặc biệt là “room” cho nhà đầu tư nước ngoài trong một số lĩnh vực hoạt động có ảnh hưởng đến nền kinh tế, như: ngân hàng, tài chính, tránh sự phụ thuộc quá mức vào nguồn vốn nước ngoài và sự thao túng đối với các lĩnh vực nhạy cảm, như: ngân hàng, tài chính, chứng khóan.

Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo
Theo https://tapchitaichinh.vn/tac-dong-cua-dau-tu-gian-tiep-nuoc-ngoai-den-tang-truong-kinh-te-viet-nam.html?source=cat-1107182143